Ban Quản lý dự án đường sắt vừa đề xuất Bộ Giao thông Vận tải xem xét, xin ý kiến các bộ, ngành về chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Theo phương án của Ban Quản lý dự án đường sắt, dự án có điểm đầu tuyến tại khu vực nối ray giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); điểm cuối tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Chiều dài tuyến 388 km gồm đoạn ga Lào Cai - ga Cảng Lạch Huyện dài 383 km, đoạn ga Lào Cai - điểm nối ray dài 5,1 km; tuyến nhánh nối cảng Nam Hải Phòng và Nam Đình Vũ dài 7,8 km; tuyến nhánh nối ga Yên Thường và ga Yên Viên dài 2,1 km.
Trên tuyến có 30 ga với 3 ga lập tàu, 19 ga hỗn hợp và 8 ga kỹ thuật, đi qua 9 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.
Tuyến đường sắt có tốc độ thiết kế 160 km/h trên đoạn chính tuyến ga Lào Cai - ga Cảng Lạch Huyện, 80 km/h cho đoạn Lào Cai và các đoạn tuyến nhánh, 120 km/h đối với đoạn đường sắt đi qua Hà Nội, đi trùng đường sắt vành đai phía đông.
Để đảm bảo hiệu quả, Ban quản lý dự kiến phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ nay đến năm 2030 sẽ xây dựng toàn tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng theo quy mô đường đơn, giải phóng mặt bằng quy mô hoàn chỉnh.
Giai đoạn sau năm 2050 sẽ hoàn thành xây dựng toàn tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng theo quy mô đường đôi và xây dựng đoạn tuyến nhánh Nam Hải Phòng - Nam Đình Vũ.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 211.030 tỷ đồng, bao gồm 135.600 tỷ đồng vốn vay ưu đãi để xây dựng; chi phí thiết bị, phương tiện; tư vấn thiết kế, giám sát thi công; chi phí dự phòng và khoảng 75.430 tỷ đồng vốn đối ứng của Chính phủ sử dụng cho chi phí quản lý dự án, thuế giá trị gia tăng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, lãi vay...
Vào ngày 22/12/2024, trong chương trình công tác tại Lào Cai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát phương án xây dựng, hướng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng kết nối Việt Nam với Trung Quốc.
Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và các bộ, cơ quan liên quan đẩy nhanh hơn nữa tiến độ chuẩn bị trình dự án, trong tháng 1/2025 phải trình Chính phủ để trong tháng 2/2025 trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án và các cơ chế, chính sách đặc thù, chậm nhất trong 12/2025 phải khởi công tuyến đường sắt này.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, tính toán lại hướng tuyến, các ga, tốc độ thiết kế của dự án… với hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, không bám tuyến đường sắt cũ mà đi theo tuyến mới; điều chỉnh số lượng và vị trí các ga hợp lý….
Theo Thủ tướng, việc xây dựng, triển khai dự án cần nghiên cứ đa dạng hóa nguồn vốn, gốm vốn đầu tư công, nguồn phát hành trái phiếu, vốn vay, có thể kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư khai thác các ga, phát triển đô thị dựa trên giao thông công cộng (TOD)…
Trước đó, trong chương trình công tác tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Đới Hòa Căn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc (CRCC) cùng các lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn.
Tại cuộc tiếp, lãnh đạo tập đoàn bày tỏ quan tâm, mong muốn tham gia các dự án đường sắt, đường tàu đô thị, đường bộ cao tốc, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, cũng như các ngành nghề lĩnh vực chiến lược mới nổi, trên tinh thần cùng thắng, cùng nhau lớn mạnh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Đặc biệt, tập đoàn hết sức quan tâm và đang nghiên cứu kỹ, mong muốn tham gia triển khai tuyến đường sắt Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng. Đồng thời đang nghiên cứu việc tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam của Việt Nam.
Phong Vân