Sau đó, chính trị viên tiểu đoàn trực tiếp liên lạc với gia đình học viên A., nắm tình hình hậu phương và đề nghị gia đình phối hợp động viên A. yên tâm học tập, công tác; đồng thời tạo điều kiện cho A. mượn điện thoại gọi về nhà trò chuyện với bố, mẹ trong giờ nghỉ. Sau khoảng hai tuần được cán bộ đơn vị quan tâm, động viên và được bố, mẹ lên thăm, căn dặn, A. đã vui vẻ, tích cực học tập, hăng hái tham gia các hoạt động của đơn vị.
Một trường hợp khác ở Đại đội 2 (Tiểu đoàn 7), khi biết tin người yêu bị bệnh phải nhập viện phẫu thuật, học viên M. tỏ ra lo lắng, buồn bã, chểnh mảng học hành. Chính trị viên đại đội đã tìm hiểu nguyên nhân, phân tích cho M. hiểu và kết nối zalo để M. trò chuyện với bạn gái trong ngày nghỉ. Hằng ngày, ngoài giờ hành chính, gia đình gọi điện thoại nhờ chỉ huy đơn vị thông báo tình hình ở nhà, giúp M. yên tâm tư tưởng, tập trung học tập, rèn luyện... Trung tá Nguyễn Bá Hằng, Chính trị viên Tiểu đoàn 7, tâm sự: “Học viên mới, tuổi còn rất trẻ, hầu hết vừa rời ghế nhà trường phổ thông nên chưa quen với việc xa gia đình, chưa tự lập và còn bỡ ngỡ trong môi trường quân sự. Bởi vậy, chúng tôi xác định cán bộ phải như người thân của học viên, luôn gần gũi, nắm chắc những biểu hiện tư tưởng để kịp thời động viên, chia sẻ, thực sự là chỗ dựa tinh thần giúp học viên yên tâm học tập, công tác”.
Cùng với Tiểu đoàn 7, năm nay, Tiểu đoàn 2 cũng quản lý 231 học viên mới. Cán bộ đơn vị từ trung đội đến tiểu đoàn luôn bám sát học viên, “cầm tay chỉ việc”, giúp đỡ học viên vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, nhanh chóng ổn định, bước vào học tập theo kế hoạch. Tuy vậy, vẫn có một vài trường hợp xác định động cơ học tập chưa tốt, còn so sánh giữa môi trường quân đội với môi trường đào tạo bên ngoài, dẫn tới biểu hiện dao động, ngại học, ngại rèn... Dự báo trước những trường hợp như vậy, cơ quan chính trị nhà trường đã hướng dẫn các đơn vị nắm chắc “trích ngang” của học viên ngay từ khi nhập học, thông qua “Bản tự thuật của học viên” với những thông tin cần thiết phục vụ công tác quản lý tư tưởng, kỷ luật quân nhân chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả. Trung tá Vũ Tiến Dũng, Chính trị viên Tiểu đoàn 2, chia sẻ: “Căn cứ hướng dẫn của cơ quan chính trị và qua thực tế tiếp xúc với học viên, chúng tôi phân loại ban đầu để có biện pháp quản lý thích hợp. Song, để quản lý tốt tư tưởng học viên, vấn đề cốt lõi là cán bộ phải gần gũi sẻ chia, phân tích để học viên hiểu và thích ứng với môi trường mới; đồng thời tư vấn giúp học viên vượt qua những tình huống dễ nảy sinh tư tưởng để học giỏi, rèn nghiêm, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.