(QK7 Online) - Với yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đặc biệt là yêu cầu nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và xử lý những tình huống chuyển biến mau lẹ, từ năm 2014, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đưa nội dung huấn luyện thực hành nhảy dù và đổ bộ đường không vào chương trình huấn luyện hàng năm của bộ đội đặc công và trinh sát đặc nhiệm. Trong quá trình huấn luyện, lực lượng này đã thể hiện trình độ, kỹ chiến thuật tinh thông, khả năng xử lý tốt các tình huống đặc biệt.
Thiếu tá Nguyễn Quang Dũng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn trinh sát 47 cho biết: Nhảy dù là một nội dung huấn luyện khó, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ từ con người cho đến phương tiện. Khi ở trên không, quân nhân phải hoàn toàn độc lập về tư duy và thực hành động tác. Do vậy, trước khi thực hành nhảy dù, các quân nhân phải tham gia khóa huấn luyện trong thời gian 3 tuần, gồm huấn luyện lý thuyết và huấn luyện bổ trợ mặt đất.
Công tác chuẩn bị, mang, đeo dù trước khi thực hành nhảy dù
Đối với lực lượng đặc công, trinh sát đặc nhiệm, sử dụng giáo án “Huấn luyện lý thuyết nhảy dù cơ bản và nhảy dù mang, đeo vũ khí trang bị” của Bộ Tổng tham mưu. Một số nội dung trọng tâm như: lý thuyết cơ bản về nhảy dù; dù d-6; dù dự bị z-5; kỹ thuật điều khiển dù d6; phương pháp xử lý các tình huống bất trắc trong nhảy dù; mang đeo, thu dù; động tác kỹ thuật rời cửa máy bay; động tác kỹ thuật tiếp đất và nhảy dù mang, đeo vũ khí trang bị.
Trong huấn luyện lý thuyết nhảy dù, người học cần lưu ý phương pháp xử lý các tình huống bất trắc trong nhảy dù. Đó là các tình huống bất trắc ở trên không, bị dù lôi kéo khi tiếp đất gặp gió to, người nhảy rơi xuống nước, rừng cây, núi đồi, khu dân cư v.v...
Sau khi nắm chắc các nội dung lý thuyết, các trinh sát đặc nhiệm bước vào luyện tập các nội dung bổ trợ mặt đất. Đầu tiên, các trinh sát viên phải nắm chắc thao tác gấp dù, nhằm phát hiện những sự cố như rách, đứt trên vòm dù, dây dù, các vết dầu, mỡ, nấm, mốc, han gỉ... làm giảm chất lượng của dù và bảo đảm an toàn tuyệt đối khi nhảy dù.
Ở thao tác mang, đeo dù và trang bị, mỗi quân nhân khi nhảy dù phải đeo trên mình hai chiếc dù: chính và phụ. Dù chính nằm ở phía sau lưng, còn dù phụ ở phía trước bụng. Tùy theo nhiệm vụ mà khối lượng và số lượng vũ khí mang theo khác nhau nhưng theo quy định, toàn khối lượng: cả người, dù và vũ khí không vượt quá 100kg.
Trung úy Đoàn Văn Thành, Trung đội trưởng trung đội 3, Tiểu đoàn Trinh sát 47 chia sẻ: “Để đạt kết quả cao trong thực hành nhảy dù, chúng tôi phải tập trung luyện tập thật tốt các kỹ thuật, động tác của huấn luyện nhảy dù. Bởi vì, có luyện tâp thật tốt thì tâm lý mới vững vàng, kỹ thuật mới thành thạo, người nhảy mới có thể xử lý nhạy bén, chính xác khi lái dù ở trên không và tiếp đất an toàn”.
Dưới sự hướng dẫn của Trung úy Đoàn Văn Thành, các trinh sát viên tập trung cao độ vào từng động tác, kỹ thuật của nội dung huấn luyện bổ trợ mặt đất. Đối với động tác kỹ thuật rời cửa máy bay, yêu cầu đặt ra là động tác phải dứt khoát để không ảnh hưởng đến người nhảy sau và tránh va súng vào cửa máy bay. Sau khi nhảy ra khỏi máy bay từ 3-5 giây mới giật dù, tuyệt đối không được giật dù sớm hơn thời gian quy định, bởi vì dù bung quá sớm sẽ vướng vào càng máy bay.
Thiếu tướng Lê Bửu Tuấn, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 7 động viên các trinh sát viên trước khi thực hành nhảy dù
Ở động tác tiếp đất, yêu cầu đặt ra là người tập phải thực hiện đúng kỹ thuật “3 khép”, đó là khép hai mũi bàn chân, hai gót bàn chân và hai đầu gối, để khi tiếp đất sẽ chia đều lực cho hai chân. Nếu thực hiện không đúng kỹ thuật, một chân tiếp đất trước sẽ gây chấn thương cho người tập.
Các trinh sát viên cơ động lên máy bay
Hiện nay, trong huấn luyện, lực lượng trinh sát đặc nhiệm thường nhảy ở độ cao 800 - 1.400m so với mặt đất. Khi ở trên không, người nhảy dù phải hết sức linh hoạt, từ động tác rơi tự do, lựa chọn thời cơ giật dù, đến quan sát, điều khiển dù và tiếp đất.
Những cánh hoa dù
Khó nhất là động tác mở dù trên không. Đối với lực lượng chuyên trách, thời cơ giật dù sau khi rời cửa máy bay là khoảng 10 giây, động tác mở dù tốt nhất khi người chúc xuống 45 độ, giật dù với lực giật mạnh để đảm bảo an toàn, chính xác.
Tiếp đất an toàn
Thiếu úy Lê Thanh Tân, trinh sát viên Tiểu đoàn vừa hoàn thành chuyến nhảy với tâm lý tự tin, bình tĩnh, cho biết: “Tôi có chuyến nhảy rất thành công. Khi rời cửa máy bay, tôi đã thực hiện yếu lĩnh, động tác rất tốt, tâm lý luôn vững vàng, do vậy đã tiếp đất an toàn”.
Các trinh sát viên thực hành đổ bộ đường không và tiếp cận mục tiêu theo tình huống giả định
Huấn luyện nhảy dù, đổ bộ đường không là một nội dung huấn luyện bắt buộc của bộ đội đặc công và trinh sát đặc nhiệm trong tình hình hiện nay. Qua huấn luyện, sẽ nâng cao trình độ, kỹ thuật, bản lĩnh, ý chí quyết tâm chiến đấu và xử lý tốt các tình huống của bộ đội đặc công, trinh sát đặc nhiệm Quân khu 7, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thu Cúc