Ngày 20-2, trong khuôn khổ phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách (TC-NS) đặc thù đối với TPHCM.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ về vấn đề này, Ủy ban TC-NS của Quốc hội cho rằng, việc Chính phủ xây dựng Nghị định mới quy định về một số cơ chế, chính sách TC-NS đặc thù đối với TPHCM là hoàn toàn cần thiết.
TPHCM - trung tâm kinh tế - tài chính và là đầu tàu kinh tế đất nước
Nhiều quy định còn thắt chặt hơn…
Về bội chi ngân sách thành phố, Ủy ban TC-NS nhất trí với Chính phủ về các nội dung: ngân sách TPHCM được bội chi; mục đích sử dụng bội chi cho đầu tư phát triển; hạn mức bội chi do Quốc hội quyết định hàng năm; nguồn bù đắp bội chi từ vay trong nước và ngoài nước.
Về dư nợ vay, cơ quan trình và cơ quan thẩm tra thống nhất đề nghị quy định “mức dư nợ vay của ngân sách thành phố không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Trường hợp cần thiết vay để thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng mà mức dư nợ vay của ngân sách thành phố vượt quá quy định này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định”.
Về thưởng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương (NSTƯ) so với dự toán, Chính phủ đề nghị trong trường hợp tăng thu NSTƯ từ các khoản thu phân chia trên địa bàn, TPHCM được thưởng một phần nhưng không quá 30% số tăng thu và không vượt quá số tăng thu NSTƯ trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước.
Về bổ sung có mục tiêu, Chính phủ đề nghị “thành phố được bổ sung có mục tiêu từ tăng thu NSTƯ một phần không quá 70% số tăng thu NSTƯ từ các khoản thu phân chia…”.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thẳng thắn nói: “Qua nghiên cứu, UBND TPHCM nhận thấy cả 13 điều của dự thảo này vẫn trong khuôn khổ pháp lý hiện hành, chưa thấy rõ nét về tính đặc thù, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho TPHCM. Nội dung dự thảo Nghị định chủ yếu quy định các nội dung mang tính phổ biến của Luật Ngân sách 2015, chỉ điều chỉnh những nội dung của Nghị định 124, và Nghị định 61 của Chính phủ cho phù hợp với Luật Ngân sách 2015 thậm chí có nội dung còn thắt chặt hơn so với quy định của Nghị định 124 và Nghị định 61 của Chính phủ”.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị quy định: “Thành phố được bổ sung có mục tiêu từ tăng thu NSTƯ 70% số tăng thu NSTƯ từ các khoản thu phân chia…” và “thành phố được thưởng 30% số tăng thu và không vượt quá số tăng thu NSTƯ trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước”.
Về mức dư nợ vay, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phân tích, dư nợ này có tính thêm cả khoản vay của Nhà nước về cho vay lại. Nếu tính thêm cả các khoản này thì dư nợ vay của TP sẽ sát hoặc vượt mức được phép. Dự thảo có quy định trường hợp cần thiết vay để thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng mà mức dư nợ vay của ngân sách thành phố vượt quá quy định này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, nhưng thủ tục trình Quốc hội không hề đơn giản vì Quốc hội một năm chỉ họp 2 kỳ nên sẽ khó đảm bảo tính kịp thời…
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, vấn đề quan trọng nhất là làm rõ tính tự chủ về ngân sách địa phương, cơ chế cho chính quyền địa phương huy động các nguồn tài nguyên ngân sách, tự quyết định các khoản chi thuộc ngân sách địa phương. Nhưng với những nội dung nêu trong dự thảo nghị định này thì dù nghị định này có được ban hành, TPHCM vẫn không có cơ chế để khai thác nguồn lực, tăng nguồn thu chủ động trong chi tiêu, nhất là huy động nội lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng…
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng tiếp tục thể hiện mạnh mẽ quan điểm của TPHCM khi cho biết, TPHCM đang chuẩn bị một đề án “tăng trưởng kinh tế hai con số”, nhưng muốn vậy thành phố phải được chủ động hơn về nhiều mặt, trong đó cả về tài chính, về tổ chức lẫn biên chế.
“TPHCM muốn tự chủ không phải để trở thành “vương quốc” riêng mà để làm ra được nhiều tiền hơn cho cả nước và cho thành phố”, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nói và đề nghị mức dư nợ vay “trần” cho TPHCM là “không quá 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, vì khả năng trả nợ của thành phố là có”.
Đồng ý cho thưởng vượt thu 30%
Chia sẻ với quan điểm của TPHCM, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý với đề nghị quy định thưởng vượt thu như đề nghị của TPHCM và yêu cầu cân nhắc tỷ lệ dư nợ vay nhằm tạo điều kiện cho địa phương phát triển, đem lại nguồn thu cho cả nước.
Đây cũng là quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình khi nhận định TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Mặt khác, ông Phan Thanh Bình cũng lưu ý TPHCM về trách nhiệm sòng phẳng đối với cả nước: “Nếu đầu tư tăng thêm thì phần kiếm về và phần đóng góp cho cả nước phải tăng lên”. Đi xa hơn nữa, ông Bình mong muốn TPHCM được phép thí điểm xây dựng mô hình mới, chẳng hạn như hướng tới trở thành một trung tâm dịch vụ tài chính.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đồng tình: “Chúng ta nên tạo điều kiện cho đầu tàu đi càng nhanh càng tốt. Khó khăn ở đây là ngân sách có hạn, nhưng cũng nên đưa ra các quy định ưu đãi hơn thay vì siết chặt”. Ông Chiến gợi ý nên nghiên cứu cho phép TPHCM thí điểm huy động nguồn lực còn rất lớn trong dân. Cơ bản đồng tình với các đề nghị của TPHCM, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, để tạo động lực phát triển, ngoài chính sách tài chính cần có những chính sách khác như đất đai, đầu tư, thu hút đầu tư…
Kết luận các nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển giao Chính phủ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế đặc thù cho TPHCM trên cơ sở cân nhắc, tiếp thu các đề xuất của TPHCM. Ông Hiển đồng tình “nới” tỷ lệ dư nợ vay được phép của thành phố lên mức 70% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp (thay vì 60% như Chính phủ trình).
|