Ngay những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là sau phong trào Đồng Khởi năm 1960, vai trò của lực lượng nổi dậy được Trung ương Cục miền Nam và Quân ủy Miền rất chú trọng. Tháng 10-1967, Trung ương Cục ra Nghị quyết về tổng công kích, tổng khởi nghĩa trên toàn chiến trường B2 với mật danh Nghị quyết Quang Trung. Về nội dung của cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa, Nghị quyết xác định: “Cuộc tiến công của các lực lượng vũ trang trên các chiến trường chính và sự nổi dậy của nhân dân ở các thành thị lớn là hai mũi tiến công chính, kết hợp chặt chẽ với nhau, trợ lực lẫn nhau và thúc đẩy toàn bộ cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa khắp cả ba vùng thành thị, nông thôn đồng bằng và rừng núi. Đặc biệt, cuộc tiến công của các lực lượng vũ trang và sự nổi dậy của quần chúng Nhân dân ở các thành thị lớn là mũi nhọn thọc vào yết hầu của địch, có tầm quan trọng quyết định đối với toàn bộ chiến trường và toàn cuộc chiến tranh”. Tại khu trọng điểm Sài Gòn - Gia Định, ta đã chỉ đạo xây dựng được nhiều lõm căn cứ ở vùng ven và trong nội ô Sài Gòn.
Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn, để xây dựng lực lượng chính trị tại chỗ đủ khả năng nổi dậy kết hợp với lực lượng vũ trang tiến công địch giành chính quyền là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Nhằm khắc phục khó khăn này, Trung ương Cục, Quân ủy Miền đã thành lập chỉ huy lực lượng nổi dậy bên cạnh chỉ huy tiến công quân sự. Về phương thức xây dựng lực lượng chính trị, cơ sở cách mạng trong vùng địch kiểm soát, Quân ủy Miền chỉ đạo: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động xây dựng các cơ sở cách mạng, hình thành bàn đạp trong thành phố, ở những nơi hiểm yếu, đô thị, tiếp giáp các mục tiêu chiến lược của địch, làm nơi trinh sát nắm địch, nơi cất giấu vũ khí trang bị, điểm trú ém quân, điểm xuất phát của các đơn vị vũ trang tiến công địch. Phát triển lực lượng trong các tổ chức quần chúng cách mạng, tuyên truyền giáo dục, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu và niềm tin vào thắng lợi của cách mạng, động viên tinh thần sẵn sàng “xuống đường” nổi dậy kết hợp với lực lượng vũ trang tiến công địch giành chính quyền về tay nhân dân. Chuẩn bị lực lượng, vật chất sẵn sàng phục vụ chiến đấu và tham gia chiến đấu khi có yêu cầu.
Do có sự chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất, kế thừa kết quả của “vành đai diệt Mỹ” và kinh nghiệm trong phong trào Đồng Khởi 1960. Chỉ một thời gian ngắn, trên toàn chiến trường Đông Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ, một đội quân chính trị hùng hậu đã sẵn sàng tham gia cuộc nổi dậy giành chính quyền ở khắp các vùng từ nông thôn đến thành thị. Khí thế nổi dậy ở chiến trường trọng điểm Đông Nam Bộ, đặc biệt là tại Sài Gòn - Gia Định, công tác xây dựng lực lượng chính trị, tuyên truyền vận động quần chúng ủng hộ cách mạng, tham gia nổi dậy phá ách kìm kẹp được các cấp ủy Đảng, chỉ huy các phân khu quan tâm ngang với công tác chuẩn bị lực lượng quân sự. Đến trước khi phát lệnh tổng tiến công và nổi dậy, tại chiến trường Đông Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ, ta đã xây dựng được nhiều lõm căn cứ vùng ven. Điển hình là các lõm căn cứ như: Hưng Long (Cần Giuộc), Long Cang, Long Định (Cần Đước), Vườn Thơm - Bà Vụ, Vĩnh Lộc, Tân Nhựt (Bình Chánh), Thạnh Lộc, An Phú Đông (Hóc Môn), vùng Bưng 6 xã (Thủ Đức), Phú Xuân (Nhà Bè), Hóc Bà Thức (Biên Hòa), Lê Hồng Phong (Bình Thuận)… Các lõm này vừa là địa điểm tập kết lực lượng, vũ khí, lương thực, vật chất phục vụ cho các trận đánh; đồng thời cũng là địa điểm tập trung các tổ chức quần chúng cách mạng ở vùng ven, sẵn sàng phối hợp với lực lượng vũ trang tiến công vào nội ô. Bằng nhiều ngả đường, với nhiều cách ngụy trang độc đáo, bằng đủ các loại phương tiện và hình thức vận chuyển, quần chúng cách mạng của các tỉnh Long An, Hậu Nghĩa, Kiến Tường, Biên Hòa tổ chức đưa hàng trăm tấn vũ khí, lương thực, vật chất đến các lõm căn cứ chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn - Gia Định.
Cùng thời điểm cuối năm 1967, trong nội đô Sài Gòn, các đơn vị bảo đảm đã xây dựng được 19 lõm chính trị bao gồm 325 gia đình, có 11 cơ sở ém vũ khí và phương tiện di chuyển, 13 cơ sở khác có hầm chứa vũ khí. Nhờ sự đùm bọc, cưu mang của các cơ sở trong nội đô, 11 đội biệt động thành và 50 đội biệt động cấp quận vừa thành lập có những địa điểm trú ém quân, cất giấu vũ khí an toàn ngay sát căn cứ địch.
Cùng với nhiệm vụ xây dựng lõm căn cứ, tạo bàn đạp tiến công, công tác xây dựng lực lượng quần chúng cách mạng, phối hợp cùng lực lượng vũ trang phá ách kìm kẹp, giành chính quyền tại miền Đông Nam Bộ đã được Trung ương Cục, Quân ủy Miền rất quan tâm. Để chỉ đạo kịp thời việc phát triển lực lượng và tổ chức hoạt động của lực lượng quần chúng cách mạng, Quân ủy Miền đã phân công cán bộ phụ trách khối khởi nghĩa và nổi dậy từ cấp Miền xuống đến cấp tỉnh.
Tại Sài Gòn, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Phụ vận, Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng, những đội quân tóc dài từ làng xóm ven đô đã kéo vào thành phố, thị xã, quận lỵ. Sáng 29 tết âm lịch, nhiều nữ chiến sĩ trong lực lượng đấu tranh chính trị đóng giả là người đi chợ tết để vào nội thành rồi ở lại. Lực lượng quần chúng ở các vùng nông thôn đã sẵn sàng. Cùng phong trào phụ nữ, phong trào của trí thức, học sinh, sinh viên diễn ra rầm rộ.
Đêm 30 rạng ngày 31-01-1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đã nổ ra đồng loạt ở Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ nhưng quyết liệt nhất là ở Sài Gòn - Gia Định và Biên Hòa. Tại Sài Gòn - Gia Định, rạng sáng ngày 31-01 các mục tiêu chiến lược đầu não của địch gồm Sân bay Tân Sơn Nhất, Dinh Độc Lập, tòa Đại sứ Mỹ, Đài Phát thanh Sài Gòn, Bộ Tổng Tham mưu ngụy… bị các đội biệt động và các đơn vị mũi nhọn của ta tiến công, đánh chiếm. Tại Biên Hòa, lực lượng Sư đoàn 5 và các đơn vị vũ trang tỉnh Biên Hòa đã tiến công vào Sân bay Biên Hòa và nhiều mục tiêu quan trọng trong thành phố.
Cuộc tiến công bất ngờ đồng loạt, dồn dập của ta trên 5 hướng vào Sài Gòn đã làm cho địch bị choáng váng. Tuy nhiên, do lực lượng quá chênh lệch và bị địch phản kích quyết liệt, nên chỉ sau vài giờ làm chủ, lực lượng biệt động của ta không còn giữ được mục tiêu. Các đơn vị tiến công vào Sân bay Tân Sơn Nhất, Sân bay Biên Hòa và các mục tiêu trong Sài Gòn đều phải trụ lại đánh địch phản kích. Sau thắng lợi ban đầu, các mũi tiến công quân sự bị tổn thất lớn. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu làm cho mũi tiến công chính trị (lực lượng nổi dậy) không bùng nổ. Hay nói cách khác, sức mạnh của đòn tiến công quân sự chưa đủ đẩy địch vào tình thế hỗn loạn, tạo đà cho lực lượng nổi dậy đứng lên giành chính quyền. Tuy không có những cuộc nổi dậy rầm rộ, xuống đường, nhưng trên tất cả các địa điểm xảy ra chiến sự, quân giải phóng đều nhận được sự giúp đỡ của nhân dân. Ngay từ sáng 31-01-1968, mặc dù địch phản kích dữ dội nhưng hàng trăm đồng bào trong nội đô Sài Gòn vẫn tìm mọi cách tiếp tế, cứu chữa thương binh và chỉ đường cho các đơn vị thọc sâu của ta tiến công. Vùng ven đô, du kích Củ Chi, Hóc Môn đã tổ chức vũ trang tuyên truyền phá hàng loạt đồn bót của địch dọc theo tỉnh lộ 15, tỉnh lộ 8. Tại Biên Hòa, lực lượng tự vệ vũ trang phối hợp với đặc công của Sư đoàn 5 đánh vào Ty Cảnh sát và một số đồn bót gây cho địch nhiều thiệt hại. Tại Phan Thiết, Đội biệt động 480 của thị xã tiến công vào khu Camp Esepic, Ty Cảnh sát; các tổ tuyên truyền phát loa kêu gọi nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ địa bàn.
Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, “thế trận lòng dân” đã được tổ chức rộng khắp, có hiệu quả. Mặc dù thời điểm đó ở Sài Gòn, do nhiều nguyên nhân mà “chúng ta sử dụng chủ lực chỉ có một phần, còn phần lớn là đặc công và biệt động, không có nổi dậy khởi nghĩa của quần chúng”. Nhưng sự tham gia giúp đỡ đông đảo, hăng hái của nhân dân đối với lực lượng biệt động, bộ đội trước, trong và sau chiến đấu… tự nó đã phản ánh sâu sắc sự chính nghĩa của cuộc kháng chiến và khát vọng về độc lập, tự do, thống nhất đất nước của quần chúng nhân dân. Ở đây, “thế trận lòng dân” không chỉ là chỗ dựa cho các đơn vị vũ trang của ta tiến công địch, mà còn trực tiếp gây cho đối phương những khó khăn to lớn ngay tại trung tâm đầu não của chúng, làm cho địch hoang mang, dao động, lúng túng…
Hiện tại và tương lai, để đối phó thắng lợi với chiến tranh xâm lược kiểu mới (nếu xảy ra), giải pháp cơ bản của chúng ta vẫn là “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc”. Trong đó, việc chăm lo, củng cố “thế trận lòng dân” làm nền tảng để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc là yêu cầu cấp thiết và là nội dung cốt lõi.
Nhận thức rất rõ vấn đề đó, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường xây dựng “thế trận lòng dân” - một trong những nhân tố quan trọng của thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng khối đoàn kết thống nhất, củng cố và giữ vững niềm tin, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách, đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. “Thế trận lòng dân” là sự phản ánh kết quả xây dựng cơ sở chính trị - xã hội của cả hệ thống chính trị trong việc chăm lo công tác quốc phòng - quân sự địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) vững mạnh trên địa bàn, gắn xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần với các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Trên cơ sở đó, thực hiện tốt công tác chính sách xã hội, chính sách hậu phương Quân đội và công tác dân vận trong lực lượng vũ trang các cấp.
Địa bàn Quân khu 7 là một trong những “chiến trường trọng điểm” - nơi mà các thế lực thù địch tập trung, thực hiện ráo riết và tinh vi những thủ đoạn “đánh vào lòng người”, nhằm hủy hoại cơ sở chính trị-xã hội, gây mất ổn định, làm cho dân “xa” Đảng. Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong xây dựng khu vực phòng thủ, bằng những hoạt động thiết thực, lực lượng vũ trang Quân khu luôn tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, tăng cường thế trận lòng dân; chủ động giúp nhân dân phát triển kinh tế-xã hội. Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện gắn với xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh cũng chính là yếu tố quan trọng để lực lượng vũ trang làm tốt công tác dân vận, tạo dựng lòng tin và sự yêu mến của nhân dân; thực hiện quân với dân một ý chí. Xây dựng hạt nhân trong “thế trận lòng dân”, mỗi cán bộ, chiến sĩ, đảng viên trong lực lượng vũ trang Quân khu phải được giáo dục tốt, rèn luyện tốt, phải là một chiến sĩ dân vận, kể cả khi tại ngũ và khi trở về hòa nhập với các tầng lớp nhân dân địa phương, hòa nhập vào guồng máy lao động, hòa nhập vào hệ thống chính trị. Trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, người lính miền Đông Nam Bộ cũng luôn sẵn sàng hy sinh xương máu của mình vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân, vì Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7