Ôn lại cống hiến lớn lao của Tổng Bí thư Lê Duẩn để suy ngẫm, xác định trách nhiệm, nghĩa vụ đối với đất nước.
Lê Duẩn, một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh – nhà chiến lược cách mạng, thao lược quân sự với những phẩm chất và tài năng kiệt xuất của dân tộc ta. Nhân kỷ niệm lần thứ 110 ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng là dịp chúng ta khơi dậy, tôn vinh và noi gương một nhân cách lớn để suy ngẫm, xác định trách nhiệm, nghĩa vụ đối với đất nước trong hiện tại và tương lai. Điểm tựa của toàn Đảng, toàn dân quyết tâm đánh thắng Mỹ
Tổng Bí thư Lê Duẩn là một nhà lý luận chính trị sắc xảo đã có những đóng góp to lớn vào hình thành đường lối chiến lược cách mạng và vận dụng sáng tạo vào chỉ đạo đánh Mỹ và thắng Mỹ của Đảng ta. Thân thế và sự nghiệp của ông gắn liền với chiến thắng vang dội của dân tộc, được nhân dân trong nước cũng như trên thế giới kính phục. Tư tưởng cũng như những phẩm chất, năng lực của một chiến sĩ cách mạng lỗi lạc có giá trị bền vững đối với lịch sử dân tộc ta.
Tổng Bí thư Lê Duẩn trò chuyện với các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần IV năm 1976. (Ảnh tư liệu)
Tổng Bí thư Lê Duẩn là biểu trưng sáng ngời về thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Ngay từ cuối những năm 50 của thế kỷ XX, đồng chí Lê Duẩn đã hoạt động, bám sát thực tiễn cách mạng ở miền Nam và nhờ đó có đóng góp quan trọng vào hình thành cơ sở lý luận và thực tiễn cho Nghị quyết 15 của Đảng, trong đó nổi bật nhất là quan hệ giữa hai chiến lược cách mạng của hai miền Nam – Bắc. Tinh thần ấy đã giải đáp những vấn đề cấp thiết nhất của lịch sử là: “Đánh Mỹ hay không đánh Mỹ ” và được trả lời là: “Đánh và nhất định đánh thắng”. Nhờ đó mà tư tưởng chiến lược của ông là trụ cột, là điểm tựa cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta củng cố niềm tin, phát huy ý chí, quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ.
Tổng Bí thư Lê Duẩn còn là điểm sáng, là mẫu mực của tư duy biện chứng khoa học trong đánh giá tình hình, phân tích mâu thuẫn cũng như làm chủ các bước chuyển hóa mâu thuẫn, chuyển hóa tương quan lực lượng khi chỉ đạo chiến lược cách mạng. Những đề xuất của ông bao giờ cũng là sản phẩm kết tinh của phân tích tổng hợp hệ thống các mâu thuẫn của thời đại, của dân tộc và cụ thể hóa vào từng giai đoạn cụ thể… trong chiến lược chung của cách mạng một cách sát hợp, kịp thời.
Một trong những nội dung thuộc tài thao lược của Tổng Bí thư Lê Duẩn là những dự báo khoa học về những diễn biến phức tạp trong chiến tranh cách mạng ở Việt Nam. Những nhận định, đánh giá và chỉ đạo luôn sát với những diễn biến của hiện tại và phù hợp với xu hướng, với tiến trình phát triển chung của cách mạng.
Nhờ tư duy độc lập, sáng tạo tầm chiến lược cho phép ông đề xuất những quan điểm chỉ đạo chiến lược rất độc đáo, sắc xảo, khoa học. Ông đã thống nhất biện chứng giữa chiến lược tiến công với chỉ đạo: “Tiến công từng bước, đánh thắng từng bộ phận, làm thất bại từng âm mưu, chiến lược của chủ nghĩa đế quốc” (Hăng hái tiến lên dưới ngọn cờ của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1968, tr. 11). Tinh thần ấy được hiểu như nguyên tắc chiến lược cơ bản xuyên suốt tiến trình phát triển tư duy và hoàn thiện chiến lược tiến công trong tư tưởng của ông. Vì thế, đã làm cho 4 chiến lược chiến tranh của Mỹ ở chiến trường miền Nam Việt Nam đều sụp đổ.
Nhà thao lược quân sự nổi tiếng
Tổng Bí thư Lê Duẩn là “bậc thầy” về tư tưởng sức mạnh tổng hợp. Ông đã nắm bắt kịp thời, chính xác xu thế, sức mạnh thời đại với sức mạnh của dân tộc và kết hợp một cách nhuần nhuyễn các sức mạnh ấy trong tính chỉnh thể tạo sức mạnh tổng hợp để đánh và thắng Mỹ. Trên cơ sở xác định chính xác chiến tranh cách mạng ở Việt Nam là “cuộc đụng đầu lịch sử” giữa các lực lượng phản cách mạng, đứng đầu là Mỹ với các lực lượng thuộc ba dòng thác cách mạng và sức mạnh của dân tộc ta ở chiến trường miền Nam với tính chất quyết liệt, ác liệt rất cao.
Tư tưởng của ông đã phản ánh đúng đắn mối quan hệ giữa các lực lượng cách mạng của thời đại làm cơ sở cho đường lối đối nội và đối ngọai của Đảng ta. Ông đã nổi lên với tầm tư duy chiến lược trong nhận biết, phân tích về khoét sâu vào mâu thuẫn nội bộ của địch, phân hóa kẻ thù và quy tập lực lượng qua từng giai đoạn cụ thể để góp phần tạo dựng sức mạnh tổng hợp trong chiến tranh cách mạng, đi đến thắng lợi.
Nhắc đến Tổng Bí thư Lê Duẩn là nhắc đến một nhà thao lược quân sự nổi tiếng. Ông đã kết hợp giữa lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin về cách mạng, về chiến tranh cách mạng, quân đội với nghệ thuật chiến tranh nhân dân thuộc truyền thống dân tộc một cách hoàn hảo nhất.
Biểu hiện tập trung nhất ở tư tưởng về sức mạnh tổng hợp; về bạo lực cách mạng với những lực lượng tạo thành như: lực lượng chính trị của quần chúng, lực lượng vũ trang nhân dân; đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; xây dựng ba thứ quân; tiến công địch cả ba vùng chiến lược; kết hợp giữa đánh lâu dài đồng thời với chủ động tiến công chiến lược; biện chứng giữa thế và lực… để làm thay đổi cục diện chiến tranh từng giai đoạn, tiến tới tổng tiến công và nổi dậy đè bẹp quân địch, giành thắng lợi hoàn toàn.
Lê Duẩn chỉ rõ: Chúng ta nhận rõ tính chất khó khăn, phức tạp của cuộc chiến tranh để biết đánh và biết thắng. Đã biết mở đầu đúng, biết đánh lâu dài, thì chúng ta phải biết kết thúc đúng” (Thư vào Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986, tr. 255).
Với những cống hiến và phẩm chất nhân cách, tài năng Tổng Bí thư Lê Duẩn có giá trị rất to lớn để ôn lại, để tôn vinh; để cho các thế hệ sau những bài học quý báu. Bản lĩnh, tinh thần cách mạng tiến công; nghệ thuật tạo sức mạnh tổng hợp; tư duy biện chứng khoa học sắc xảo, nhanh nhạy và chính xác trước những diễn biến phức tạp, khó khăn vẫn phải kiên định, vững vàng; đặc biệt là tinh thần làm chủ của nhân dân…
Sự cống hiến hy sinh suốt đời của Tổng Bí thư Lê Duẩn cho Đảng, cho dân tộc, cho chủ nghĩa xã hội có ý nghĩa to lớn soi rọi, thức tỉnh mỗi con người trong sự nghiệp đổi mới ở nước ta để từng bước vượt qua khó khăn, thách thức tiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Đại tá,TS Nguyễn Văn Thanh
Phó chủ nhiệm Khoa Triết học
Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng
Nguồn: vov.vn