Cha ông ta có câu nằm lòng: “Khi có thì chẳng ăn de/đến khi ăn hết thì dè chẳng ra”, "Làm khi lành, để dành khi đau”… để răn dạy người đời về bài học tiết kiệm, biết phòng xa, chi tiêu đúng mực vì cuộc sống thường có những biến cố bất ngờ.
Trong những lời răn dạy của cha ông, mỗi chúng ta hãy biết chia ngọt, sẻ bùi, để lúc dư dả hay khi sa cơ, lỡ bước luôn có người bên cạnh. Điều ấy đúng trong mọi hoàn cảnh, nó càng rất đúng trong những ngày vừa qua, khi mà cả đất nước đang gồng mình chống dịch Covid-19.
Tiết kiệm là bản tính tốt đẹp của người Việt Nam, vốn cần cù chịu khó, hay lam hay làm. Trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, nó vẫn vô cùng cần thiết. Và đặc biệt, càng trong điều kiện khó khăn thì tiết kiệm càng phải được phát huy, nhân rộng, trở thành nét văn hóa của mỗi con người. Cần phải hiểu rằng, về bản chất, tiết kiệm hoàn toàn khác với keo kiệt, bủn xỉn. Nó càng không đồng nghĩa với với cụm từ "Của mình thì giữ bo bo/của người thì để cho bò nó ăn". Tiết kiệm là việc gì đáng làm, đáng chi, đáng tiêu, đáng bỏ công sức thì phải quyết tâm thực hiện, ngược lại những gì không đáng thì đừng bao giờ hoang phí.
Ảnh minh họa / TTXVN.
Không ai có thể biết chắc chắn bao giờ dịch bệnh sẽ chấm dứt. Trong điều kiện hiện nay, mỗi người dân hãy thực hành tiết kiệm, đồng hành, đồng cam cộng khổ cùng đất nước. Mỗi chúng ta hãy tiết kiệm mọi thứ có thể, từ tiền bạc chi tiêu, lương thực thực phẩm, vật dụng sinh hoạt, thuốc men... đến bớt những nhu cầu cá nhân để sử dụng khi cần thiết và còn có những người đang gặp hoạn nạn cần đến nó. Chúng ta hãy tiết kiệm sức khỏe vì đây là thứ quý giá nhất; hãy tiết kiệm thời gian để không lãng phí những "giờ vàng"... Trong điều kiện cả đất nước đang gồng mình chống dịch, chúng ta cần lường trước một kịch bản có thể xấu đi, ví dụ như vấn đề an ninh lương thực. Khi ấy mới thấy hết giá trị của sự tiết kiệm.
Thời gian vừa qua, có rất nhiều hình ảnh đẹp của những người trên tuyến đầu chống dịch. Họ là các cán bộ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang, tình nguyện viên ở mọi lĩnh vực... Những việc làm của họ đáng để chúng ta ngưỡng mộ. Mỗi chúng ta thực hành tiết kiệm cũng là góp phần nhân lên một hình ảnh đẹp nữa. Mỗi người dân phải biết cảm thông, chia sẻ với cộng đồng để vượt qua khó khăn trước mắt. Đơn cử như việc thay vì mua sắm tích trữ quá nhiều, chúng ta chỉ nên mua vừa đủ để những người khác có thể mua; hay việc chỉ nên sử dụng khẩu trang y tế khi đến các cơ sở y tế, nơi có nguy cơ lây nhiễm cao và “để dành” mặt hàng này cho lực lượng phòng, chống dịch ở tuyến đầu. Chúng ta cũng không có quyền, không được phép đòi hỏi quá đáng, quá nhiều từ cộng đồng để đáp ứng cái nhu cầu cá nhân ích kỷ. Ấy là ta đã đồng hành vượt khó, là có lòng yêu nước.
Dân tộc ta đã trải qua nhiều thời khắc cam go nhờ tinh thần đoàn kết, kiên cường, bất khuất và đức tính “cần, kiệm”. Giờ đây, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chúng ta cần phát huy cao nhất đức tính ấy để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân sớm vượt qua khó khăn, thử thách.
Nguyễn Đức Tuấn
Nguồn: qdnd.vn