Đang đứng nói chuyện với anh Quân thì Trung úy Trần Tuấn Anh chạy xe máy về chở theo một bó lá buông. Anh Quân đỡ lấy bó lá buông rồi cùng anh em tiếp tục công việc lợp mái lán. Còn Tuấn Anh chạy vội đi trở quần áo đang phơi, vừa nói vừa cười với tôi – “Đêm qua mưa ướt hết, giờ phải tranh thủ phơi cho khô không là đêm nay sau ca gác lại khỏi ngủ”.
“Mưa mấy hôm, chuyện anh em mặc đồ ướt là bình thường vì phơi đâu có kịp khô” anh Quân cười nói và chia sẻ thêm về việc lợp mái lán bằng lá buông thì sẽ đỡ nóng hơn rất nhiều song để lấy được lá buông cũng không hề dễ dàng gì. Như để chứng minh thêm, Tuấn Anh kéo tay áo cho tôi xem những vết thương do gai đâm, lá cắt và kiến cắn để lại. “Muốn lợp được phải chọn lá to, đều, sau khi đuổi kiến đi hết rồi mới chặt được, sau đó loại bỏ hết gai” –Tuấn Anh nói.
Dưới bàn tay của các chiến sĩ, những “ngôi nhà” lá buông trên được phủ bạt đã ra đời với đầy đủ phòng khách, phòng sinh hoạt và bếp. Nói là phòng nhưng thực chất cũng chỉ đủ để kê được 1 chiếc bàn tiếp khách, 2 chiếc giường và nơi để nấu nướng. Thế nhưng cũng chỉ có thể chống chọi được với những ngày nắng, khi mưa gió là “ngôi nhà” tạm bợ lại bị tốc mái ngay. “Mưa xuống sẽ giải quyết được cơn khát nước để sinh hoạt, và nước tưới tiêu cho cây trồng của bà con nông dân nên dù bộ đội chịu cực thêm một chút song ai cũng mong mưa”– Đại úy Quân nói.
Mưa xuống, ngoài khó khăn về nơi ăn ở, sinh hoạt, các chiến sĩ bám chốt còn đối mặt với muôn vàn khó khăn khác. Trung úy Lê Đình Tú, Đội trưởng vũ trang phụ trách tổ chốt số 1, Đồn Biên phòng Bù Gia Mập chia sẻ về những vấn đề gặp phải khi mưa xuống. Đó là vắt rừng, là kiến, mối, bọ đen, muỗi và bọ cạp. Các chiến sĩ Biên phòng ai cũng biết đến cách để xua đuổi những “vị khách” không mời mà đến, đặc biệt là với những chiến sĩ đóng chốt trong vườn Quốc gia Bù Gia Mập.