“Hằng năm ăn đâu, làm đâu/Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ” (Nguyễn Khoa Điềm). Một trong những lễ hội thu hút sự tham gia đông đảo của người dân cả nước là Lễ hội Đền Hùng-Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức vào dịp mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm.
Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, năm 2020 tỉnh Phú Thọ dừng tổ chức mọi hoạt động thuộc phần hội, chỉ tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm Quốc Tổ Hùng Vương theo nghi lễ truyền thống.
Mong muốn hành hương về đất Tổ của hàng vạn con Lạc, cháu Hồng trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm nay dẫu chưa toại nguyện bởi ảnh hưởng khách quan từ nguy cơ dịch bệnh, nhưng mỗi người dân Việt vẫn có nhiều cách để bày tỏ tri ân công lao dựng nước của các Vua Hùng.
Nghi lễ Giỗ tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng. Ảnh:qdnd.vn.
Năm nay, tỉnh Phú Thọ khuyến nghị, vận động nhân dân, trước hết là người dân tỉnh Phú Thọ tổ chức nghi lễ cúng giỗ Tổ Hùng Vương ngay tại gia đình vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch. Trong ngày này, gia đình nào có điều kiện thì làm mâm cỗ có đĩa xôi thịt gà và hai món ẩm thực truyền thống gắn liền với truyền thuyết về thời đại Hùng Vương là bánh chưng, bánh giầy để dâng lên Quốc Tổ. Tuy vậy, cũng không nhất thiết phải làm mâm cao cỗ đầy, mà mỗi nhà có thể bày tỏ tấm lòng thành kính Quốc Tổ bằng việc trưng bày hoa quả và thắp hương tưởng nhớ anh linh các đức Vua Hùng trên ban thờ tổ tiên của gia đình mình.
Trước đây, trong thời bao cấp, người dân ở nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh Vĩnh Phú cũ (nay là hai tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc) đã duy trì lễ cúng giỗ Tổ Hùng Vương tại gia đình vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch. Điển hình nhất là 100% gia đình ở thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc suốt mấy chục năm qua vẫn duy trì mỹ tục cúng giỗ Quốc Tổ vào đúng ngày này và bà con địa phương coi đây là một trong những ngày lễ trọng trong năm.
Theo các chuyên gia văn hóa, việc tri ân, cúng giỗ các đức Quốc Tổ Hùng Vương trong mỗi gia đình người Việt là một mỹ tục rất nên giữ gìn, bảo tồn trong xã hội đương đại. Bởi duy trì được nghi lễ truyền thống tốt đẹp này sẽ góp phần gắn kết sợi dây tâm linh giữa quá khứ và hiện tại, qua đó giáo dục con người tinh thần hướng thiện, ý thức trân trọng cội nguồn, tình yêu quê hương đất nước một cách nhẹ nhàng mà sâu sắc.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi con người, nhất là người trẻ luôn có xu hướng dịch chuyển, tăng cường các hoạt động tham quan, du lịch ở nước ngoài, tiếp xúc với các nền văn hóa của các dân tộc khác, nguy cơ lãng quên, xa rời, thậm chí đánh mất bản sắc văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc rất dễ xảy ra. Mặt khác, nhịp sống của xã hội hiện đại cũng khiến nhiều gia đình, nhất là gia đình trẻ, gia đình ở khu vực đô thị thường ít quan tâm đến nền nếp gia giáo, gia phong. Từ thực tế này như nhắc nhớ chúng ta càng phải chú trọng hơn việc giáo dục con cháu trân trọng, giữ gìn và phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Có thể nói rằng, việc bảo tồn mỹ tục thờ cúng Quốc Tổ Hùng Vương trong mỗi gia đình Việt vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch là việc làm "nhất cử lưỡng tiện". Trong gia đình, khi con cháu thắp hương tri ân Quốc Tổ là tự thân mỗi người tìm lại khoảnh khắc thư thái, thanh tịnh trong đời sống văn hóa tâm linh. Trên phương diện quốc gia, khi nhân dân cả nước đồng lòng hưởng ứng hành vi tín ngưỡng ý nghĩa này sẽ góp phần làm sâu sắc thêm bản sắc văn hóa Việt, tăng thêm sức mạnh tinh thần Việt và qua đó góp thêm một giá trị nhân văn vào bảo tàng văn hóa nhân loại.
Anh Thảo
Nguồn: qdnd.vn