Giữa cái nắng chang chang nhưng dọc tuyến biên giới, những nông dân tỉnh Long An (Việt Nam) và tỉnh Svay Rieng, Prey Veng (Campuchia) vẫn ra đồng thăm ruộng lúa, cùng chia sẻ kỹ thuật sản xuất.
Chia sẻ kỹ thuật trồng lúa
Hơn 8 giờ sáng, ông Đặng Văn Thật, 59 tuổi, ngụ ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường và các ông Xà Ran, Tà Ngươi, T Rum bên xã Thơ Mây, huyện Kông Pông Rồ, Svay Rieng ra thăm ruộng lúa cặp biên giới. Gặp nhau, các ông cười nói vui vẻ, lúc nói tiếng Việt, lúc nói tiếng Campuchia.
Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Bình Hòa Tây phối hợp UBND huyện Mộc Hóa chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa cho chính quyền, lực lượng vũ trang và nông dân xã Tà Nốt, huyện Kongpongro, tỉnh Svay Rieng
Ông Thật và ông Xà Ran, Tà Ngươi, T Rum có ruộng liền kề nhau. Dù có cái bờ ngăn cách nhưng tình cảm thân thiết, hữu nghị của các ông vẫn không có ranh giới trong cả chục năm làm ruộng bên nhau. Cái bờ ruộng cũng là đường phân định ranh giới của 2 nước. “Ngoài đi mần ruộng, chúng tôi còn có trách nhiệm giữ gìn đường biên, cột mốc” - ông Thật nói.
Sau một lúc trò chuyện, các ông xắn quần lội ruộng kiểm tra tận gốc lúa. “Thời điểm này mưa cuối mùa nên cây lúa rất dễ bị nhiễm bệnh. Tôi thấy có vùng tim cây lúa bị héo, đây là dấu hiệu của bệnh sâu đục thân. Cần mua thuốc đặc trị ngay” - ông Thật nói với ông Xà Ran.
Ông Xà Ran hỏi ông Thật bằng tiếng Việt, bông lúa có biểu hiện bị khô thì bệnh gì? “Đó là dấu hiệu bệnh thối cổ gié” - ông Thật trả lời. Sau đó, ông Xà Ran nói “On Cun, On Cun”, câu nói đó được ông Thật giải thích với tôi có nghĩa là “Cảm ơn”.
Khi mặt trời lên cao, tỏa nắng chói chang, các ông cùng nhau về nhà ông Thật lai rai và tiếp tục bàn chuyện làm nông. Cũng qua những lần gặp gỡ này, nhiều người gọi căn nhà nhỏ cấp bốn đơn sơ của gia đình ông Thật ở ngã ba Bình Hiệp là địa điểm thường xuyên tiếp khách quốc tế.
Đầu giờ chiều, chúng tôi rời xã Bình Hiệp đi qua xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng. Điểm giống nhau là ở đây, hầu hết các bảng hiệu ở cửa hàng đều ghi chữ viết Việt Nam và Campuchia.
Tại Cửa hàng phân bón Năm Điệp ở ấp Trung Chánh, xã Thái Bình Trung, chúng tôi gặp chị Som Nuol ở xã Samdong, Kông Pông Rồ, tỉnh Svay Rieng. Chị Som Nuol tuần nào cũng sang Thái Bình Trung, khi thì đi buôn bán, có lúc đi khám bệnh. “Lần này, tôi sang mua thuốc trừ sâu về phun xịt cho lúa Đông Xuân và trả 2 triệu đồng nợ tiền phân bón cho chủ cửa hàng trong vụ Hè Thu vừa rồi” - chị Som Nuol vui vẻ nói.
Nhận tiền xong, chị Điệp - chủ cửa hàng lật cuốn sổ nợ ra gạch tên Som Nuol. Ở đây ai cũng biết, cứ đầu vụ sản xuất, chị Điệp đều bán thiếu vật tư nông nghiệp cho vài chục người dân bên xã Samdong và xã Tiakrăng, có người 1-2 triệu đồng, có người đến 4-5 triệu đồng. “Những nông dân như Som Nuol, Sockhim, Som An, Tà Uôn,... đều uy tín, giữ đúng lời hứa, thu hoạch xong họ đều sang thanh toán nợ rất sòng phẳng. Có khi thanh toán bằng tiền, có khi là lúa” - chị Điệp kể.
Trước lúc về, chị Som Nuol còn hỏi chị Điệp về cách bón phân cho lúa sao cho hợp lý, lúa bị bệnh nào thì nên xịt loại thuốc gì cho hiệu quả cao. Những thắc mắc đó đều được chị Điệp tận tình hướng dẫn. Chị Điệp còn hướng dẫn sản xuất theo mô hình bên Việt Nam đang áp dụng hiệu quả là “3 giảm - 3 tăng”; “1 phải - 5 giảm”.
Đào tạo kỹ thuật nông nghiệp cho cán bộ của bạn
Không chỉ có người dân 2 bên biên giới giúp nhau chuyển giao kỹ thuật trồng lúa mà các cấp chính quyền cũng vậy. Giai đoạn từ 2013 đến tháng 11-2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Ngoại vụ tổ chức các lớp đào tạo kiến thức kỹ thuật nông nghiệp cho 12 cán bộ của 2 tỉnh Svay Rieng và Prey Veng.
Nông dân 2 bên biên giới trao đổi kỹ thuật nông nghiệp cho nhau
“Trong số 12 bạn, có 7 bạn được đào tạo theo chương trình chuyên sâu 2 năm, còn 5 bạn được đào tạo theo các khóa học ngắn hạn vài tháng” - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh - Trịnh Hoàng Việt thông tin.
Các khóa đào tạo đều do cán bộ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh trình bày bằng tiếng Việt Nam và được thông dịch viên của Sở Ngoại vụ dịch ra tiếng Campuchia.
Theo ông Việt, các bạn Nghet Chanbo, Chuong Saray,... đều học tập rất nghiêm túc. Những lần đi thực tế ở đồng ruộng, vườn thanh long, các bạn đều rất hào hứng, thích thú. Điều vui mừng là sau khi kết thúc các khóa học, các bạn nắm rất rõ kiến thức nông nghiệp, kỹ thuật sản xuất từ lúa đến một số cây trồng khác.
Không chỉ ở tỉnh, tại xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường, vài năm trở lại đây, hàng năm đều có 1 đến 2 đoàn (mỗi đoàn khoảng 40 người) từ xã Kh Sết và xã Nhô, huyện Kông Pông Rồ sang trao đổi, học tập, tham quan các mô hình sản xuất.
“Mỗi lần sang bên mình, các bạn Campuchia đều rất chịu khó học hỏi. Điều gì còn thắc mắc, chưa hiểu, các bạn hỏi liền. Mỗi khi xuống thăm các mô hình, nông dân nước bạn đều ghi chép rất cẩn thận những gì được thấy, được nghe. Còn mình có kiến thức gì cũng nhiệt tình truyền tải cho bạn biết” - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Trị - Trương Văn Y cho biết.
Theo Thượng tá Đoàn Văn An - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, giúp đỡ nhau sản xuất nông nghiệp là việc làm gắn kết thêm tình đoàn kết giữa nhân dân 2 nước. Những việc làm, nghĩa cử của người dân 2 bên biên giới đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ bình yên biên giới, giữ gìn cột mốc. Chính người dân 2 bên biên giới là thành lũy vững chắc nhất trong bảo vệ biên giới, lãnh thổ quốc gia.
“Chúng ta phải luôn ý thức và có nhiều việc làm tốt, hữu ích, bồi đắp thêm tình cảm, quan hệ thân thiết giữa người dân 2 bên biên giới” - Thượng tá Đoàn Văn An nói.
Từ những gì nghe được, tận mắt chứng kiến, chúng tôi lại nhớ đến những điều quen thuộc của người dân biên giới vẫn thường nói: Quốc gia có đường biên giới để phân định nhưng tình cảm người dân 2 bên không bao giờ bị ngăn cách bởi làn ranh mà luôn gần gũi, đoàn kết, thân thiết như anh em ruột thịt./.
Nguồn: baolongan.vn