Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam đã chỉ đạo các lực lượng vũ trang cùng toàn dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược, lập lại hòa bình ở miền Bắc. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó có sự đóng góp to lớn của Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam; thể hiện tài mưu lược, sáng suốt, nhạy bén, kịp thời của “cơ quan quân sự cơ mật của đoàn thể (Đảng), là cơ quan quan trọng của Quân đội” [1] .
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 12/1953 tại Tỉn Keo, Phú Bình, Định Hóa, Thái Nguyên. (ảnh tư liệu)
Sau khi biết lực lượng chủ lực của ta di chuyển lên hướng Tây Bắc, Thượng Lào, lo sợ bị mất quyền kiểm soát khu vực quan trọng này, thực dân Pháp quyết định lựa chọn và xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, một pháo đài “không thể công phá” và là “nơi thu hút, tiêu diệt bộ đội chủ lực của Việt Minh”. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng nhận định, quân địch ở Điện Biên Phủ tuy mạnh nhưng bị cô lập bởi rừng núi; còn ta, tuy có khó khăn nhưng có thể giải quyết được. Với quyết tâm ta sẽ thắng địch trong cuộc đối đầu lịch sử này và một chiến thắng ở Điện Biên Phủ sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc cổ vũ tinh thần cho toàn quân, toàn dân đánh bại thực dân Pháp.
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị đã họp và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ; xác định đây là trận quyết chiến chiến lược. Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng Chiến dịch; Tổng Tham mưu phó Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng, đồng chí Lê Liêm làm Chủ nhiệm Chính trị và đồng chí Đặng Kim Giang làm Chủ nhiệm Cung cấp. Quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị là “tập trung lực lượng tiêu diệt toàn bộ địch ở Điện Biên Phủ theo nguyên tắc: đánh chắc, tiến chắc”. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của chiến dịch, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã quyết định sử dụng lực lượng gồm 4 đại đoàn bộ binh (308, 312, 316, 304), Đại đoàn Công pháo 351 và một số đơn vị binh chủng, cùng lực lượng lớn dân công, nhân dân phục vụ chiến dịch.
Đảng ủy Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ họp tại Sở Chỉ huy Mường Phăng bàn kế hoạch tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. (ảnh tư liệu)
Ngày 12/1, Sở Chỉ huy tiền phương tổ chức họp bàn phương án tác chiến. Thời gian này, địch ở Điện Biên Phủ có 10 tiểu đoàn và đang khẩn trương tăng viện từ khu vực đồng bằng lên. Ngày 14/1/1954, cơ quan tham mưu chiến dịch triệu tập cán bộ từ cấp Trung đoàn trở lên về họp tại sở chỉ huy mới ở hang Thẩm Púa để Bộ Chỉ huy chiến dịch giao nhiệm vụ. Sau cuộc họp, đồng chí Hoàng Văn Thái họp riêng với cán bộ chủ chốt trong cơ quan Tham mưu nhằm thực hiện chỉ thị của đồng chí Chỉ huy trưởng chiến dịch Võ Nguyên Giáp về nắm địch, nắm ta, bảo đảm thông tin thông suốt, hợp đồng giữa các lực lượng tham gia chiến dịch. Tiếp đó đồng chí Hoàng Văn Thái cùng một số cán bộ tham mưu, pháo binh, công binh đi trinh sát đường kéo pháo vào trận địa; kiểm tra công tác chiến đấu của các đơn vị.
Đến sáng 26/1/1954, thời gian nổ súng mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ , theo giờ đồng hồ đã ở con số trên dưới 10 tiếng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định, không thể đánh theo kế hoạch đã được phổ biến trước đó. Nếu đánh là thất bại. Đại tướng tướng Võ Nguyên Giáp đã trao đổi điều này với đồng chí Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc và nhận được sự đồng thuận. Ngay sau đó, Đảng ủy mặt trận đã được triệu tập họp khẩn cấp. Tại cuộc họp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kết luận: “Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm chiến dịch từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn mặt trận lui về vị trí tập kết và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm chấp hành triệt để mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới” [2]. Ngay sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết thư hỏa tốc gửi về báo cáo Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị nhất trí.
Kéo pháo ra mặt trận. (ảnh tư liệu)
Để chuẩn bị tiến công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ theo phương án “đánh chắc, tiến chắc”, ngày 7/2/1954, cơ quan tham mưu triệu tập hội nghị cán bộ quán triệt phương châm tác chiến và tiến hành công tác chuẩn bị chiến đấu. Đảng ủy, chỉ huy chiến dịch đề ra một số công việc phải thực hiện. Cụ thể là tổ chức đường cơ động cho pháo, trận địa pháo thật kiên cố; xây dựng trận địa tiến công; giải quyết vấn đề sức khỏe, quân số chiến đấu, chiến thuật, kỹ thuật, mà quan trọng là xây dựng trận địa và hiệp đồng giữa pháo binh và bộ binh; đảm bảo hậu cần… Sau hội nghị, cơ quan tham mưu tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng ủy Chiến dịch đã xác định như trên. Trước tiên là chỉ thị cho các đơn vị tổ chức các chốt xung quanh trận địa thật vững chắc đảm bảo đánh địch phản kích. Tổng Tham mưu phó Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng chiến dịch cùng một số cán bộ tham mưu, pháo binh và công binh đi trinh sát, xác định đường kéo pháo, bố trí trận địa pháo, đài quan sát, xây dựng hầm pháo. Ngoài ra, cơ quan tham mưu cũng tập trung chỉ đạo các đại đoàn xây dựng trận địa tiến công; hướng dẫn huấn luyện bổ sung cho các đơn vị về kỹ thuật, chiến thuật và tổ chức chỉ huy hiệp đồng binh chủng; đồng thời đặt kế hoạch huấn luyện tân binh ở trung tuyến và giao cho bộ phận quân huấn đảm nhiệm. Cùng với đó, cơ quan tham mưu bố trí lại đài quan sát; cử cán bộ tham mưu đi trực tiếp nghiên cứu địa hình, nắm kỹ tình hình địch; nghiên cứu, cải tiến nền nếp, chế độ làm việc như vẽ sơ đồ trận địa tiến công của các đại đoàn; lập biểu đồ vận chuyển lương thực, đạn dược; chế độ kiểm tra nắm tình hình về quân số chiến đấu, vũ khí trang bị, tình hình sinh hoạt, cấp dưỡng, sức khỏe của bộ đội…
Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh tổng công kích quân Pháp đang cố thủ tại hầm ngầm khu trung tâm Tập đoàn cứ địa Điện Biên Phủ. (ảnh tư liệu)
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có tất cả 49 cứ điểm, được chia làm ba phân khu. Trên chiến trường, trong 56 ngày đêm (từ 13/3 - 7/5/1954) ta mở ba đợt tiến công vào Điện Biên Phủ. Đợt một của chiến dịch mở màn ngày 13/3/1954, với trận tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam thuộc vòng ngoài Phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm. Đợt hai diễn ra ngày 30/3/1954, đánh vào phân khu trung tâm. Đợt ba chiến dịch diễn ra ngày 1/5 và kết thúc ngày 7/5/1954, đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau mỗi đợt, cơ quan Tham mưu căn cứ vào chỉ thị, mệnh lệnh của Đảng ủy, Chỉ huy chiến dịch, chỉ đạo các đơn vị tiến công địch, sơ kết rút kinh nghiệm; hướng dẫn các đại đoàn phát triển trận địa tiến công; chỉ đạo các đại đoàn rút kinh nghiệm về chiến thuật và tổ chức chỉ huy tạo thế đánh các mục tiêu được phân công; lên kế hoạch bổ sung lực lượng… Quá trình chiến đấu, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo các đơn vị vận dụng sáng tạo nhiều hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu trong tiến công trận địa, tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm trong một chiến dịch quy mô lớn dài ngày, xa căn cứ hậu phương.
Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên nóc hầm của chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1954. (ảnh tư liệu)
“Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Tổng Tham mưu đã khẳng định bước trưởng thành vượt bậc của một cơ quan tham mưu chiến lược trong việc chỉ đạo và sử dụng hiệu quả các đơn vị chủ lực theo đúng phương châm mà Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy đã xác định là: Tích cực chủ động, cơ động linh hoạt. Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo linh hoạt các cho các đơn vị chủ lực sẵn sàng cơ động đánh địch, khi cần đánh nhỏ thì đánh nhỏ, khi cần đánh lớn thì đánh lớn; từ đánh công kiên có thể chuyển lên đánh vận động, đánh hiệp đồng binh chủng…” [3].
Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của QĐND Việt Nam Anh hùng, Bộ Tổng Tham mưu Anh hùng, bài học lịch sử, kinh nghiệm quý báu từ Chiến thắng Điện Biên Phủ, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tổng Tham mưu ngày nay không ngừng phấn đấu, rèn luyện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao trình độ và năng lực công tác chuyên môn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng QĐND Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
[1] - Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954); Nhà in BTTM; H.1991; tr.7.
[2] - Điện Biên phủ từ góc nhìn của các nhà khoa học Việt - Pháp, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2005, tr.85
[3] - Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam truyền thống hào hùng, chiến thắng vẻ vang (7/9/1945 - 7/9/2015), Nxb Quân đội nhân dân, H.2015, tr.145
Nguồn: mod.gov.vn