Dẫn tôi ra thăm ao cá của đơn vị, Thượng úy Lê Văn Thạch, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 giới thiệu: Nuôi cá bằng lồng bè thường được bà con nhân dân bố trí tại các khúc sông rộng; lồng được làm bằng vật liệu tre, gỗ và các thùng sắt, hoặc thùng nhựa ghép lại. Thấy diện tích mặt nước ao cá của đơn vị khá rộng, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 5 quyết định tổ chức thực hiện mô hình nuôi cá lóc bè. Do là cách làm mới, nên mô hình này được đưa ra thảo luận, cán bộ, chiến sĩ đóng góp ý kiến rất nhiệt tình, trách nhiệm và thống nhất cao trong sinh hoạt hội đồng quân nhân. Gọi là bè, nhưng thực ra là Tiểu đoàn sử dụng tấm lưới ngoài thị trường bán dùng để che mát, che mưa cho giàn phong lan hay vườn rau. Các tấm lưới được liên kết kỹ lại với nhau rồi cố định xuống ao bằng các cây tầm vông theo hình chữ nhật có diện tích từ 70 mét vuông trở lên; chiều cao của lưới xung quanh “bè” cao 2,5 mét. Trong đó, phần cao nổi từ mặt nước lên là 1,5 mét để cho cá không thể phóng ra ngoài. Do thiết kế bằng lưới và cây tầm vông nên giá thành của “bè” tương đối rẻ và dễ làm.
Dừng chân bên bờ ao xung quanh có hàng dừa rợp bóng mát, sai trĩu quả, chỉ tay về “bè” cá, Thượng úy Lê Văn Thạch phấn khởi nói tiếp: Sau hơn 5 tháng vừa nuôi, vừa tìm hiểu kỹ thuật, kinh nghiệm, đầu tháng 7 vừa qua Tiểu đoàn thu hoạch lứa cá đầu tiên được 1,4 tấn. Bình quân sản lượng đạt trên 15 kg cá/một mét vuông. Quá trình nuôi, đơn vị tận dụng một số phế phẩm dư thừa của bếp ăn để nuôi cá nên chi phí đầu vào giảm đáng kể. Từ thành công của lứa cá đầu tiên, đơn vị tiếp tục mở rộng diện tích “bè” lên gấp đôi. Tuy nhiên, dù thành công nhưng diện tích “bè” nuôi cá lóc đơn vị cũng chỉ mở rộng đến vậy thôi là thích hợp. Nếu nuôi nhiều hơn sẽ tăng mật độ cá, ảnh hưởng môi trường nước, không tốt cho sức phát triển của tổng đàn cá trong ao.
Không có nhiều diện tích mặt nước Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 5 đã phát triển nuôi ếch. Qua tìm hiểu, tôi thật bất ngờ về mô hình nuôi ếch của Tiểu đoàn 6 lại là sáng kiến của một chiến sĩ. Đó là hạ sỹ Huỳnh Nhật Trương, nhập ngũ tháng 2.2016, quê ở huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.
Vừa say mê cùng các bạn kiểm tra sức phát triển và tách đàn cho ếch trong các ngăn nuôi, Huỳnh Nhật Trương vừa kể cho tôi nghe: Trước khi nhập ngũ, do đã nhiều năm phụ giúp gia đình nuôi heo, nuôi vịt, đồng thời bản thân Trương cũng rất yêu thích công việc chăn nuôi. Do đó, chỉ huy Tiểu đoàn tin tưởng giao cho Trương phụ trách khu chăn nuôi heo và gia cầm của đơn vị. Thấy khu chăn nuôi thoáng, mát, chưa tận dụng hết diện tích, sau nhiều lần suy tính, Trương mạnh dạn đề nghị chỉ huy cho thử nghiệm nuôi ếch. Lứa ếch đầu vì chưa có kinh nghiệm nên gần 30 m2 bể nuôi chỉ thu hoạch được gần 2 tạ. Không nản chí, Trương cùng các bạn đảm nhiệm khu chăn nuôi của đơn vị mua sách hướng dẫn về tìm hiểu, cùng nhau trao đổi, so sánh kỹ thuật nuôi trong tài liệu với thực tế cách thức nuôi lứa ếch đầu. Nguyên nhân kết quả chưa cao được xác định là: Vị trí bể nuôi không phù hợp, bị nắng nhiều, dẫn đến nóng, độ ẩm thiếu; cách phát hiện bệnh, tách đàn cho ếch chưa kịp thời…Đến lứa thứ hai, bể nuôi được chuyển đến vị trí thoáng mát hơn, có hệ thống phun sương để tăng độ ẩm khi thời tiết nắng, nóng. Vì thế, đàn ếch đang phát triển rất đều và nhanh. Lứa ếch thứ hai này tuy mới được 20 ngày tuổi mà có trọng lượng tương đương với ếch trên 30 ngày tuổi của lứa đầu.
Thượng tá Liêu Văn Dũng, Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 5 cho biết: Sư đoàn đang phát động các Tiểu đoàn còn lại tùy theo điều kiện tăng gia, sản xuất cụ thể của đơn vị mình, nhân rộng mô hình nuôi cá lóc bè, ếch, cá rô phi đầu vuông, dế cơm…nhằm tạo thêm được nhiều loại thực phẩm, giúp thuận tiện cho việc chế biến món ăn tại bếp thêm phong phú, hấp dẫn. Qua đó, góp phần thực hiện tốt chủ trương “ăn ngon, uống sạch” cho bộ đội.