Người lính viết về người lính
Soạn giả Ngô Hồng Khanh (SN1945), trú huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Gia đình bên ngoại có nhiều người chơi thành thạo dàn nhạc cụ đờn ca tài tử, trong đó các cậu của ông đều là những danh cầm và thạo nghề. Chính vì vậy, ông Khanh đã được chỉ dạy bài bản, nghiêm túc về âm nhạc dân tộc từ gia đình.
Đến tuổi trưởng thành, ông Khanh tham gia phong trào thanh niên, học sinh yêu nước chống sự kìm kẹp của Mỹ - ngụy tại Cái Bè và tỉnh Tiền Giang. Đến năm 1964, ông thoát ly và tham gia làm diễn viên Đoàn văn công Quân giải phóng. Là người lính xông pha trên mặt trận giữa những năm kháng chiến, Ngô Hồng Khanh chứng kiến bao trận đánh giữa ta với địch. Bằng cảm nhận của tâm hồn người nghệ sĩ cộng với trái tim người lính giữa khốc liệt chiến trường đã thôi thúc ông sáng tác nên những bài ca đầy chất thép nhưng thấm đẫm ân tình. Đến năm 1969, những bài ca của ông viết từ các sự kiện có thật càng làm xúc động người thưởng thức: Đêm vành đai nhớ chị, Quyết giữ màu xanh quê mẹ, Thương em nhiều qua lá thư xuân, Vui bước chân ta…
Ngô Hồng Khanh không chỉ thành công qua những bài vọng cổ nổi tiếng, đi sâu vào lòng người mà những vở tuồng do ông viết đã góp phần không nhỏ vào tiến trình phát triển của sân khấu cải lương, góp phần tạo nên tên tuổi cho những nghệ sĩ thể hiện. Điển hình như các vở tuồng: Tình ca đêm chơi vơi, Mưa nguồn, Dòng sông đỏ, Rừng xưa, Bến xưa, Mùa chim lá rụng, Loài hoa không tên...
Dấu chân người lãng tử
Nhắc đến Ngô Hồng Khanh, công chúng sẽ nhớ và thuộc rất nhiều bài ca của ông. Trong số đó, bài ca cổ “Cung đàn mới” như trở thành một hiện tượng độc đáo bởi đã hơn 40 năm kể từ khi ra đời đến nay, “Cung đàn mới” vẫn “sống” trong đời sống tinh thần của bao người. Năm 1972, ông từ miền Đông Nam Bộ vượt Trường Sơn ra Hà Nội học đạo diễn tại Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Đi qua dải đất Tây Nguyên, ông gặp gỡ, giao lưu với bộ đội cùng người dân nơi ấy. Những đêm giao lưu bên nhà sàn, nghe tiếng đàn t’rưng và thưởng thức những điệu múa trở thành kỷ niệm đẹp. “Đến năm 1975, trong không khí cả nước tưng bừng ngày chiến thắng, không khí của ngày, đêm nơi Tây Nguyên năm ấy gợi cho tôi những cảm xúc khó tả. Tôi đã nghĩ tiếng đàn t’rưng năm ấy và khi đó tiếng đàn lại trỗi lên như một cung đàn mới của đất nước đang đón chào niềm vui mới nên tôi đã viết bài Cung đàn mới” - soạn giả Ngô Hồng Khanh chia sẻ.
Bên cạnh những bài ca viết về đề tài chiến tranh thì trong những sáng tác của Ngô Hồng Khanh, chúng ta sẽ bắt gặp dấu chân của một lãng tử thích được ngao du đến mọi miền đất nước. Công chúng sẽ nhớ đến những vùng đất qua các bài ca của ông như: Trăng cao nguyên, Đêm quan họ, Chiều sông Lô, Đêm lâm vông… Mỗi bài ca đã làm nổi bật những nét đặc trưng về văn hóa, đất và con người nơi ấy.
Nặng tình với Bình Phước
Mảnh đất Bình Phước từng là nơi soạn giả Ngô Hồng Khanh gắn bó trong thời kháng chiến. Và ông cũng đến thăm thường xuyên khi Bình Phước đang có nhiều thay đổi. Những chuyến đi đã để lại cho ông nhiều cảm xúc qua các bài ca về Bình Phước, có thể kể đến: Rừng xuân, Cánh đồng huyền thoại, Trăng rừng xưa…
Mỗi bài ca của soạn giả Ngô Hồng Khanh về Bình Phước là những món quà ý nghĩa, là niềm tự hào của người dân Bình Phước về quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm cũng như những đổi thay tích cực của vùng đất kiên trung này. “Tôi luôn yêu quý những con người đang sinh sống trên quê hương Bình Phước. Tôi luôn nhớ về một vùng đất miền Đông từng là chiến trường khốc liệt mà mình từng gắn bó. Mỗi lần được về thăm Bình Phước là tôi lại bồi hồi xúc động” - soạn giả Ngô Hồng Khanh chia sẻ.
Ông Khanh kể, trong một lần từ Tây Nguyên xuống, đoàn công tác ông tham gia có ghé thăm Đồng Xoài. Qua buổi cơm ấm tình hiếu khách và nghe được một ý từ lời “mỗi một giọt mưa là một nốt nhạc buồn”, cộng với cảm xúc năm tháng tham gia chiến đấu nơi chiến trường miền Đông, ông đã viết bài ca cổ “Cánh đồng huyền thoại”. Đặc biệt, trong bài ca là hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong gùi lương, tải đạn. “Vẫn áo bà ba khăn rằn quấn cổ, vẫn nón tai bèo che gương mặt người thương. Vẫn đôi dép cao su vượt suối trèo non, vẫn đôi vai nhỏ gánh ngàn gian khổ. Anh tìm lại đồng xưa, đồng xưa không còn nữa, còn đó chiến công rạng rỡ Đồng Xoài” (trích bài ca cổ “Cánh đồng huyền thoại”). Bài ca này đã được các nghệ sĩ ưu tú Trọng Phúc, Lê Tứ thu âm và được Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) ghi hình, phát sóng.
Năm 2014, ông Khanh được Đài Phát thanh và truyền hình Bình Phước mời tham gia chuyến thực tế sáng tác tại thị xã Phước Long. Trong chuyến đi này, ông nghe kể về câu chuyện của người mẹ S’tiêng, ngực địu con, vai gùi lương thực để nuôi bộ đội. Có những khi người mẹ ấy lại giấu gạo trong ngực mong bọn giặc không phát hiện. Rồi người mẹ ấy đã hy sinh, máu chảy thấm đầy túi gạo. Cảm xúc trước sự hy sinh đó, ông viết bài ca cổ “Trăng rừng xưa” đã được Đài Phát thanh và truyền hình Bình Phước ghi hình phát sóng với sự thể hiện của nghệ sĩ Võ Thành Phê.