Chia sẻ tại Hội nghị gặp mặt báo chí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025 mới đây, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, năm 2024, sản lượng sản xuất clinker 15,94 triệu tấn, đạt 94,3% kế hoạch năm, giảm 3,6% so với thực hiện năm 2023.
Nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ Xi măng, clinker sụt giảm, tồn kho tăng cao, dẫn đến một số công ty phải dừng lò (Hải Vân và Hạ Long), giảm năng suất, thời gian huy động thiết bị so với kế hoạch, để hạn chế đổ clinker ra bãi.
Tổng sản lượng tiêu thụ Xi măng, clinker của Vicem đạt 23,78 triệu tấn, đạt 98,9% so kế hoạch năm 2024, tăng 5,4% so thực hiện năm 2023. Theo đó, doanh thu năm 2024 toàn Vicem đạt 27.151 tỷ đồng.
Tổng công ty Xi măng Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu khoảng 29.400 tỷ đồng năm 2025
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, năm 2024 vừa qua mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng Vicem và các đơn vị thành viên đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong quản lý và hoạt động, nhờ đó đã giảm lỗ so với kế hoạch đề ra.
Cụ thể, Vicem đã chủ động, linh hoạt trong việc vận hành năng suất lò nung, đồng thời bám sát tình hình thực tế; phối hợp chặt chẽ giữa sản xuất, tiêu thụ và quản lý tồn kho để rà soát, xây dựng các kịch bản và lên phương án chạy lò hiệu quả nhất phù hợp với nhu cầu thị trường.
Triển khai các chương trình tiết giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, tiết giảm chi phí, bảo vệ môi trường; nghiên cứu các sản phẩm mới giảm phát thải ra môi trường, các chủng loại xi măng xuất khẩu đáp ứng yêu cầu chất lượng của đơn hàng.
Nhờ đó, Vicem đã giảm lỗ so với kế hoạch đặt ra, đơn vị ghi nhận lỗ 1.378 tỷ đồng trong năm 2024 (giảm lỗ hơn 200 tỷ đồng so với kế hoạch). Trong đó, riêng khoản lỗ của Công ty Xi măng Hạ Long đã chiếm tới 557 tỷ đồng.
Như vậy, đây là năm lỗ thứ hai liên tiếp của ông lớn ngành Xi măng Việt Nam. Năm ngoái, Vicem lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận âm khoảng 1.129 tỷ đồng do nhu cầu giảm mạnh kể từ khi công bố thông tin năm 2016.
Ban lãnh đạo Vicem cho biết, nguyên nhân thua lỗ là do nhu cầu tiêu thụ trong nước rất thấp, xuất khẩu giảm so với năm trước, dẫn đến dư thừa nguồn cung và cạnh tranh gay gắt, giá bán giảm. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao như điện, than... nguyên liệu sản xuất duy trì ở mức cao khiến chi phí sản xuất ngày càng tăng mạnh.
Thị trường bất động sản trầm lắng, các dự án xây dựng từ nguồn đầu tư công tư công chậm ngân, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tiêu thụ của xi măng trong nước.
Dự báo thị trường xi măng năm 2025 vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức nên kế hoạch sản xuất kinh doanh cho năm 2025 được Vicem xây dựng với nhiều thận trọng.
Theo đó, nhà sản xuất xi măng này dự kiến sản lượng clinker khoảng 17,87 triệu tấn, tăng 12% so với năm 2024; sản lượng tiêu thụ xi măng, clinker khoảng 25,58 triệu tấn, tăng 7,6% so với năm trước, trong đó tiêu thụ xi măng trong nước khoảng 19,7 triệu tấn. Doanh thu dự kiến đạt khoảng 29.400 tỷ đồng, tăng 8,3% so với thực hiện năm 2024.
Năm 2025, lãnh đạo Vicem cho biết sẽ tập trung các nhóm lĩnh vực chủ yếu như nhóm dự án đầu tư mỏ nguyên liệu; nhóm dự án đầu tư chiều sâu, cải tạo tăng năng lực sản xuất, giảm tiêu hao, giảm phát thải, tăng cường năng lực sử dụng phế phẩm các ngành công nghiệp khác; nhóm dự án tận dụng nhiệt thừa khí thải phát điện…
Thúy Hà