Chiến lược phát triển đô thị hiện đại và bền vững
Kế hoạch nhấn mạnh vai trò của các dự án động lực và trọng điểm trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Các dự án này không chỉ tạo không gian phát triển mới mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố, tập trung vào các lĩnh vực:
Hạ tầng giao thông và đô thị (TOD): Đầu tư phát triển các tuyến giao thông kết hợp với không gian đô thị hiện đại.
Hạ tầng kỹ thuật: Phục vụ các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dịch vụ hậu cần nghề cá và du lịch.
Hạ tầng số: Ưu tiên chuyển đổi số, phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực công nghệ cao khác.
Thích ứng biến đổi khí hậu: Xây dựng các dự án thủy lợi, đê, kè và hệ thống bảo vệ môi trường.
Những định hướng này phù hợp với các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và Quốc hội về phát triển đô thị Đà Nẵng theo hướng văn minh, hiện đại, gắn với bền vững.
Huy động nguồn vốn đầu tư khổng lồ
Trong giai đoạn 2021-2030, Đà Nẵng dự kiến huy động khoảng 800.000 tỷ đồng vốn đầu tư, tương đương 40% GRDP. Nguồn vốn sẽ được phân bổ như sau: Vốn Nhà nước: 25% tổng vốn đầu tư; Vốn khu vực kinh tế ngoài Nhà nước: 60-65%; Vốn FDI: 10-15%.
Để đạt được mục tiêu này, Đà Nẵng sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, ưu tiên những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh và hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ vi mạch bán dẫn, năng lượng sạch và hạ tầng thông minh.
Về kế hoạch sử dụng đất, Đà Nẵng sẽ trình phê duyệt các kế hoạch 5 năm 2021-2025 và 2026-2030. Thành phố đặt mục tiêu quản lý hiệu quả quỹ đất, tạo điều kiện để triển khai các dự án lớn đã được xác định trong quy hoạch quốc gia và thành phố. Bên cạnh đó, Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến đất đai nhằm khai thác tối đa tiềm năng từ quỹ đất hiện có.
Đột phá trong thu hút đầu tư
Kế hoạch cũng đề ra các giải pháp thu hút đầu tư theo định hướng:
Tăng cường xúc tiến đầu tư tại các thị trường trọng điểm, kết nối với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.
Đa dạng hóa hình thức hợp tác, thúc đẩy các dự án có khả năng lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế.
Xúc tiến đầu tư trong các lĩnh vực logistics, năng lượng tái tạo, chế biến chế tạo công nghệ cao và các dịch vụ thương mại hiện đại.
Đà Nẵng sẽ ưu tiên nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Thành phố cũng đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, đặc biệt là lĩnh vực chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh.
Ngoài ra, các chương trình hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu cũng sẽ được tăng cường, góp phần nâng cao chất lượng lao động và năng lực cạnh tranh.
Đà Nẵng sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện quốc tế, kết hợp ngoại giao kinh tế và văn hóa để thu hút sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế. Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp với các nguồn lực nước ngoài, thúc đẩy sáng tạo và đổi mới.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng sẽ chịu trách nhiệm phổ biến và triển khai kế hoạch, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và địa phương. Đồng thời, thành phố sẽ nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách mới để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu chiến lược.
Với các bước đi rõ ràng và quyết liệt, Đà Nẵng đang từng bước khẳng định vị thế trung tâm kinh tế, văn hóa và công nghệ của khu vực miền Trung, hướng tới mục tiêu trở thành một đô thị hiện đại và bền vững hàng đầu Việt Nam và khu vực.
N.Đăng