Đại tướng Phan Văn Giang giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Đại tướng Phan Văn Giang trân trọng cảm ơn những ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội và cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật. Đề cập đến Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh, Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, việc thành lập quỹ này là rất cần thiết nhằm hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách hoặc để nghiên cứu phát triển sản phẩm quốc phòng, an ninh; các sản phẩm này có tính mới và cũng có tính rủi ro rất cao. “Nếu chúng ta sử dụng ngân sách theo quy trình của sử dụng ngân sách nhà nước thì cũng có những trường hợp không đáp ứng được tính thời sự của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và độ bảo mật cũng hạn chế hơn rất nhiều”, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh đến tính đặc thù của quỹ là để khi cần thì có thể sử dụng được ngay.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Duyệt (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, ĐBQH Nguyễn Quốc Duyệt (Hà Nội) cho biết, các nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển đều thành lập quỹ tài chính để phục vụ cho lĩnh vực này. Việc huy động các nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách nhằm xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh sẽ góp phần giúp giảm gánh nặng đối với ngân sách nhà nước. Theo đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt, hình thành một quỹ tài chính để hỗ trợ ngân sách nhà nước phục vụ cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh là giải pháp, cơ chế đặc thù vượt trội, nhất là trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có tính cấp bách nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị có ý nghĩa chiến lược.
Một số nội dung được các đại biểu quan tâm, thảo luận là về giao nhiệm vụ sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng do Bộ Quốc phòng quản lý, cơ sở công nghiệp an ninh do Bộ Công an quản lý (Điều 15).
Nói thêm về nội dung này, Bộ trưởng Phan Văn Giang nêu rõ: Sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng rất đa dạng, phong phú, mang tính thời sự rất cao để đáp ứng được với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu nhưng đồng thời cũng mang tính đặc thù rất cao.
Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, công nghiệp quốc phòng nước ta tự chủ rất cao. Trước đây nước ta phải nhập khẩu rất nhiều loại, kể cả áo giáp cho cá nhân. Nhưng hiện tại công nghiệp quốc phòng của nước ta đã sản xuất được những áo giáp cá nhân chỉ nặng bằng một nửa các loại áo giáp phải nhập của các nước tiên tiến trước đó.
Trong phần thảo luận, các đại biểu nêu rất nhiều về các loại thiết bị bay không người lái (UAV), có loại cự ly bay xa đến hàng nghìn km, rất nhiều nước dùng. Đại tướng Phan Văn Giang cho hay từ thời đánh Mỹ, máy bay không người lái đã có rồi. Trước đây, UAV bay về mới biết được kết quả. Nhưng hiện nay, UAV bay đến đâu biết kết quả, điều chỉnh nhiệm vụ đến đấy và UAV không dùng hệ thống GPS nữa. "Việc này có nghĩa từ vệ tinh dẫn xuống để điều khiển cho nên radar không phát hiện được. Bài toán này không dễ và chúng ta cũng đang nghiên cứu và đã bước đầu có những thành công nhất định", Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho hay.
Đánh giá về quỹ này, Đại tướng Phan Văn Giang cho rằng: "Việc thành lập quỹ là rất cần thiết nhằm hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, hoặc nghiên cứu phát triển sản phẩm quốc phòng, an ninh mà các sản phẩm này có tính mới và cũng có tính rủi ro rất cao". Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển công nghiệp quốc phòng đã xác định "công nghiệp quốc phòng là ngành đặc thù, phải được chăm lo, xây dựng và phát triển theo một cơ chế đặc thù".