Trước nguyện vọng tha thiết của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và kiều bào ta ở nước ngoài, ngày 29/11/1969, Bộ Chính trị họp bàn và quyết định: “Chúng ta phải thực hiện tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài di hài Bác Hồ và xây Lăng Người…”. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng tại trung tâm Quảng trường Ba Đình vào ngày 02/9/1973 và khánh thành vào ngày 29/8/1975. Khi công trình đi vào xây dựng, Nhân dân cả nước cùng góp ý kiến, góp nhân tài vật lực từ tấm lòng kính yêu đối với Bác: cát vàng Kim Bôi, Hòa Bình, cát trắng Thanh Xuyên, Thái Nguyên, đá ngọc đỏ Cao Bằng, đá cẩm thạch Hà Tây…Khi đó, miền Nam dù chưa được giải phóng nhưng cũng tạo mọi điều kiện để góp những sản vật quý, như: gỗ Tây Nguyên, vàng Bồng Miêu…Lăng Bác được xây thành ba cấp: lớp dưới cùng tạo dáng bậc thềm tam cấp, lớp giữa là kết cấu trung tâm của Lăng gồm phòng để thi hài Bác và hành lang cầu thang lên xuống, trên cùng là mái lăng hình tam cấp với mặt chính của Lăng có dòng chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh” bằng đá hồng, màu mận chín. Quanh bốn mặt Lăng là những hàng cột vuông bằng đá hoa cương. Lăng được xây theo hình khối lập phương với chiều cao 21,6 m, dài 320 m, rộng 100m, phía trước có 24 ô cỏ xanh tươi bốn mùa. So với các quần thể kiến trúc xung quanh thì Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là khối tĩnh, biểu trưng cho giấc ngủ vĩnh hằng của Người; hình lập phương nói lên cái tĩnh tại, bền vững của Bác trong lòng Nhân dân. Tổng thể Lăng mang hình một bông hoa sen cách điệu, thể hiện sự thuần khiến, thanh cao của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Mặt khác, Lăng được xây theo trục thần đạo, hướng về phía mặt trời mọc, mang ý nghĩa: Bác là ánh sáng luôn soi đường, chỉ lối cho Nhân dân Việt Nam.
Đối diện với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là Hội trường Ba Đình, nơi diễn ra 7 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, nơi họp và làm việc của Quốc hội nước ta từ khóa 2. Từ khoảng năm 1960 đến nay, đại biểu các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp thường họp mặt tại đây trong các kỳ đại hội, biểu thị ý chí, sức mạnh và quyết tâm đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và toàn dân đã lựa chọn.
Trong quần thể di tích còn có Vườn Phủ Chủ tịch với ngôi nhà sàn – nơi Bác Hồ đã sống và làm việc từ ngày 17/5/1958 cho đến lúc Người qua đời. Nhà sàn gòm 2 tầng: tầng dưới là nơi Người thường hội ý với cán bộ của Bộ Chính trị, tầng trên là nơi Bác làm việc và nghỉ ngơi. Trước ngôi nhà sàn là ao cá, xung quanh ao là những cây bụt mọc. Quanh nhà sàn là những hàng cây râm bụt. Đằng sau nhà sàn là vườn quả với đủ các loài cây quý do các địa phương mang về, như: vú sữa (miền Nam), bưởi (Phú Thọ), cam (Hưng Yên), hồng (Hà Tĩnh)…Nhà sàn Bác Hồ kết hợp những giá trị văn hóa của các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng từng viết về ngôi nhà sàn của Bác như sau: “Nhà sàn của Bác chỉ vẻn vẹn có vài ba phòng, và trong lúc tâm hồn Bác lộng gió thời đại thì căn nhà sàn nho nhỏ đó cũng luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn. Một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao…”.
Và kể từ ngày 19/5/2001, nghi lễ chào cờ trên Quảng trường Ba Đình, ngay trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được thực hiện và duy trì đều đặn hàng ngày vào lúc 6 giờ sáng. Đây là nghi lễ quốc gia gắn kết biểu tượng Tổ quốc với lãnh tụ, do đội danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam thực hiện. Lễ chào cờ trên Quảng trường Ba Đình nghiêm trang và thiêng liêng, gây xúc động lòng người và góp phần bồi đắp niềm tin đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn; đồng thời giáo dục niềm tự hào dân tộc, tình yêu đất nước cho Nhân dân ta…
Quảng trường Ba Đình là quần thể di tích lịch sử tôn nghiêm và thiêng liêng trong trái tim mọi người Việt Nam. Được đến thăm Quảng trường Ba Đình là nguyện vọng tha thiết của mỗi người dân Việt Nam và cả những du khách nước ngoài. Khi đứng giữa quảng trường lộng gió, ngắm lá cờ Tổ quốc phấp phới tung bay trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, lòng mỗi chúng ta lại được trào dâng niềm xúc động, niềm tự hào và tình yêu Tổ quốc…