Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN) là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam trong công cuộc đổi mới.
Trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng ta luôn chỉ rõ bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng, không một chút lơi lỏng. Trong công cuộc đổi mới, cùng với quá trình đổi mới tư duy về kinh tế-xã hội mang tính chất sáng tạo, cách mạng và khoa học, Đảng cũng luôn chăm lo xây dựng và từng bước đổi mới hoàn thiện đường lối quân sự, quốc phòng (QS, QP) bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986) là đại hội đổi mới toàn diện, triệt để đất nước. Cùng với những tìm tòi đổi mới mang tính đột phá trong đường lối phát triển kinh tế-xã hội, nhiều chủ trương, chính sách trong lĩnh vực QS, QP, an ninh cũng được đổi mới, nhằm đáp ứng kịp thời với những đổi mới trên các lĩnh vực khác nhau. Định hướng cho sự phát triển đất nước theo con đường XHCN, Đại hội lần thứ VI xác định: “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng tiếp tục thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, đồng thời tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”. Trong giai đoạn mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân luôn thấu suốt quan điểm: “Toàn dân xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc”; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ QS, QP bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội VI cũng chỉ rõ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong thời kỳ đổi mới là phải xây dựng quân đội chính quy, có chất lượng tổng hợp ngày càng cao, có tổ chức hợp lý, có kỷ luật chặt chẽ, có trình độ sẵn sàng chiến đấu cao, luôn gắn liền với phát triển dân quân, tự vệ với số lượng và chất lượng phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội; đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phát triển khoa học và nghệ thuật quân sự nước nhà. Từng bước phát triển công nghiệp quốc phòng đi đôi với tăng cường tiềm lực kinh tế của đất nước.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và các kỳ đại hội tiếp theo, nhiệm vụ QS, QP đã đạt được những thành tựu quan trọng. Từng bước xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân. Trong công tác QS, QP có nhiều điều chỉnh chiến lược lớn, bố trí lại lực lượng trên phạm vi toàn quốc, tạo ra thế trận phòng thủ hợp lý, tăng cường khả năng phòng thủ ở những khu vực trọng điểm. Xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc... Chẳng hạn ở kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã xác định những định hướng lớn về nhiệm vụ QS, QP: Củng cố nền quốc phòng toàn dân bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, hành động phá hoại, xâm lược của kẻ thù. Để tạo ra sức mạnh cho LLVT, đủ sức đối phó trong mọi tình huống, Đại hội VII nhấn mạnh, sự cần thiết, xây dựng các công trình quốc phòng trọng điểm. Không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu của lực lượng vũ trang, xây dựng quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” với cơ cấu tổ chức và quân số hợp lý. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, được huấn luyện và quản lý tốt, bảo đảm khi cần thiết có thể động viên được nhanh chóng theo kế hoạch. Xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ rộng khắp, lấy chất lượng làm chính. Đồng thời không ngừng xây dựng và củng cố vững chắc các khu căn cứ hậu phương chiến lược, chuẩn bị tốt các phương án động viên khi cần thiết. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6-1996), tiếp tục xác định những quan điểm chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ QS, QP bảo vệ Tổ quốc XHCN trong tình hình mới là: Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc XHCN; kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh; gắn nhiệm vụ quốc phòng với nhiệm vụ an ninh; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị để tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh đất nước...
Từ quá trình hình thành, phát triển tư duy của Đảng về QS, QP bảo vệ Tổ quốc (1986-2016), ngày nay, chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về mục tiêu, nhiệm vụ, quan điểm bảo vệ Tổ quốc; về âm mưu, hành động phá hoại của kẻ thù không chỉ bằng biện pháp vũ trang, răn đe quân sự mà bằng cả biện pháp phi vũ trang là chính, kết hợp với đấu tranh vũ trang trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Trong điều kiện mới, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội. Do đó, phương thức bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, một mặt tích cực thực hiện các biện pháp phi vũ trang, hòa bình là chủ yếu, nhưng mặt khác, Đảng ta cũng không coi nhẹ các biện pháp vũ trang, bảo đảm có đủ sức mạnh cần thiết để răn đe, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, giữ vững hòa bình, ổn định và phát triển, đồng thời sẵn sàng đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược mọi quy mô, có sử dụng vũ khí công nghệ cao.
Trong nhiệm vụ QS, QP, nhận thức về đối tượng, đối tác của Đảng ngày càng đầy đủ, sáng rõ và có những nội dung phát triển mới hơn. Đó là, Đảng chủ trương những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác. Bất cứ thế lực nào có âm mưu, hành động chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của ta thì đều là đối tượng đấu tranh. Đó là quan điểm, là nguyên tắc, tiêu chí xác định đối tượng, đối tác. Việc xác định đối tượng, đối tác hết sức linh hoạt. Có trường hợp là đối tượng đấu tranh, nhưng có mặt cần tranh thủ, hợp tác. Có trường hợp là đối tác quan trọng, nhưng có mặt phải cảnh giác và đấu tranh. Phải tỉnh táo, sáng suốt nhận diện về đối tượng, đối tác, khả năng chuyển hóa giữa đối tượng và đối tác. Quan điểm đó được quán triệt trong mọi hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao, nhất là trong hoạt động QS, QP, an ninh.
Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay ngoài những yếu tố phi truyền thống còn là giữ vững hòa bình và ổn định đất nước. Không có ổn định, nguy cơ chiến tranh lập tức xuất hiện và do đó không thể có hòa bình thật sự. Giữ vững hòa bình, ổn định đất nước là một nội dung bảo vệ Tổ quốc. Đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong thời kỳ mới.
Trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược QS, QP là bộ phận cấu thành và là bộ phận chủ đạo. Chiến lược QS, QP dựa trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, gắn bó mật thiết với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược đối ngoại.
Xây dựng, củng cố chiến lược QS, QP phải luôn nắm vững nguyên tắc chiến lược, có tinh thần đổi mới, linh hoạt, sáng tạo, luôn nắm chắc sự biến động của các tình huống đất nước, đặc biệt tình huống xâm lược vũ trang có giới hạn và chiến tranh hiện đại nếu xảy ra để xây dựng chiến lược QS, QP phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế của thời đại ngày nay.
Xây dựng, củng cố sức mạnh QS, QP trong giai đoạn mới là yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, trong đó LLVT là lực lượng nòng cốt. Tình hình, nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam đang đặt ra nhiều nội dung, yêu cầu mới trong chiến lược QS, QP bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục đổi mới, đổi mới hơn nữa để hoàn chỉnh chiến lược QS, QP và nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn. Mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi địa phương và mỗi công dân đều có trách nhiệm, nghĩa vụ góp phần xây dựng và thực hiện chiến lược QS, QP bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá, PGS, TS ĐOÀN NGỌC HẢI
Nguồn: qdnd.vn