Lịch sử Đảng bộ tỉnh ghi nhận, trong kháng chiến chống Pháp, LLVT Đồng Nai phối hợp với bộ đội chủ lực, làm nòng cốt cho toàn dân nổi dậy kháng chiến, chống kẻ thù, lập nhiều chiến công, tiêu biểu là chiến thắng La Ngà; thắng lợi trong tập kích Tháp canh Cầu Bà Kiên mở ra nghệ thuật đánh tháp canh của bộ đội Đặc công.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Biên Hòa, bằng trí thông minh, sáng tạo, tinh thần quả cảm và lòng căm thù giặc sâu sắc LLVT tỉnh phối hợp đánh địch trên tất cả các mặt trận, các mũi tiến công, các vùng chiến lược; lập nên chiến công hiển hách, tiêu biểu là chiến thắng của cuộc nổi dậy phá Nhà lao Tân Hiệp; trận đánh Nhà máy cưa Biên Hòa; trận pháo kích sân bay Biên Hòa; trận chống càn ở Đất Cuốc chia lửa với Sài Gòn và các đô thị miền Nam góp phần làm thất bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” buộc đế quốc Mỹ đàm phán Hiệp định Paris năm 1973.
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, LLVT tỉnh phối hợp với bộ đội chủ lực chiến đấu ngoan cường mở toang “Cánh cửa thép Xuân Lộc” để đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Năm 1977, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền lớp lớp cán bộ, chiến sĩ không quản gian khổ, hy sinh lên đường, cùng với quân dân miền Đông Nam Bộ và cả nước chiến đấu bảo vệ biên giới và làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả, giúp quân đội và nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, tái thiết và hồi sinh đất nước Chùa Tháp.
Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đang đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, để sớm đạt mục tiêu tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Quán triệt hai chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh luôn nhận thức sâu sắc chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất; nhiệm vụ tham mưu quản lý Nhà nước về công tác quân sự quốc phòng (QSQP) địa phương. Chủ động nghiên cứu, quán triệt nắm vững đường lối, tư tưởng, nghệ thuật quân sự của Đảng; nhất là Nghị quyết số 28 (khóa XI) “về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị số 46 của Bộ Chính trị (khóa XI) “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”; quan điểm, chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về kết hợp giữa phát triển kinh tế, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh và xây dựng LLVT làm nòng cốt, chăm lo xây dựng Đảng bộ TSVM, xây dựng LLVT tỉnh VMTD.
Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh chủ trì phối hợp với ban, ngành, đoàn thể chính trị xã hội, tham cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, triển khai thực hiện và hoàn thành tốt các mặt công tác QSQP và xây dựng LLVT địa phương. Nổi bật là, thực hiện tốt các đề án, chương trình hành động về nhiệm vụ quân sự quốc phòng. Đóng góp nhiều ý kiến có giá trị vào các dự án kết hợp kinh tế với quốc phòng của tỉnh. Khảo sát, quy hoạch, xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình quốc phòng, căn cứ chiến đấu; căn cứ hậu cần, hậu phương cấp tỉnh, cấp huyện liên hoàn, vững chắc, phục vụ diễn tập, luyện tập và bảo đảm tác chiến thắng lợi, khi có chiến tranh xảy ra. Kịp thời điều chỉnh quyết tâm tác chiến phòng thủ của tỉnh phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, với sự phát triển và cách đánh của LLVT; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc. Xây dựng nền QPTD vững chắc trên các tiêu chí: tiềm lực, lực lượng, thế trận và quản lý Nhà nước về quốc phòng; coi trọng đột phá xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần trong xây dựng nền QPTD và khu vực phòng thủ. Thường xuyên nghiên cứu, phát huy, phát triển đường lối, tư tưởng, nghệ thuật quân sự của Đảng và cách đánh truyền thống của LLVT địa phương trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.