Để cứu nguy, Quân đội Sài Gòn đã tăng cường dội bom, bắn pháo hủy diệt vào đội hình quân ta. Đồng thời họ nhanh chóng đưa vào trận chiến này các lực lượng thiện chiến. Đầu tiên là Liên đoàn 81 Biệt kích dù (họ dùng tên Liên đoàn 81 Biệt cách nhảy dù) lực lượng được huấn luyện cho các nhiệm vụ đặc biệt, với chức năng tăng viện, tiếp cứu và thanh toán chiến trường. (Quân đội Sài Gòn sử dụng biệt kích dù làm lực lượng tổng trừ bị cùng với Sư đoàn Nhảy dù, Sư đoàn Thủy quân lục chiến và lực lượng biệt động quân).
Về phía ta, bộ đội trên toàn trận địa, kể cả những bộ phận phục vụ ở tuyến sau, được chuẩn bị tinh thần đánh cận chiến để “đón tiếp” lính thám báo, biệt kích. Nhưng mấy ngày liền không thấy biệt lích dù đụng trận.
Anh Nguyễn Tiến Lộc (Đại đội vận tải) bày tỏ sự nuối tiếc: “Khi nhận mệnh lệnh từ chỉ huy sở, anh em ai cũng náo nức lập công. Trước nay, lính biệt kích dù thường luồn lách vào sau lưng các cơ quan, đơn vị Quân Giải phóng để phục kích bắn lén, phá hoại. Ở đây nếu họ vẫn dùng chiến thuật đó thì lính vận tải chúng tôi ở tuyến sau dễ có cơ hội đụng biệt kích để lập công. Nhưng đám lính “hung thần chiến trường” đó núp sâu trong hang đá nên chúng tôi chẳng có cơ hội nào mà làm ăn”.
Lên núi đối đầu với bộ đội Trinh sát, Đặc công thoắt ẩn, thoắt hiện thì lính biệt kích dù nhớ lại những trận chiến kinh hoàng tại thị xã An Lộc, Bình Long mùa hè năm 1972. Năm đó, trong Chiến dịch Nguyễn Huệ, bộ đội Đặc công đánh cho biệt kích dù tổn thất nặng nề. Họ bị chết nhiều tới mức không kịp (và không dám) chở tử sĩ về Sài Gòn để giao cho gia đình binh lính an táng như thông lệ, nên phải lập riêng một nghĩa địa ngay tại An Lộc để chôn cất.
Ngay khi họ triển khai ý đồ chiến thuật, một toán biệt kích dù bị chiến sĩ ta khóa tay tóm gọn tại khu vực bãi đá. Những tù binh này khai báo: Liên đoàn 81 biệt cách nhảy dù có nhiệm vụ luồn lách vào các hang động trên núi để thám sát, tiêu diệt cộng quân, đồng thời đẩy bộ đội ra khỏi các công sự chiến đấu để pháo binh và không quân bắn phá tiêu diệt, nhằm giải tỏa áp lực cho cứ điểm. Họ rất ngán khi đụng trận với Trinh sát, Đặc công, nhưng các “ông thầy” trấn an lính rằng các bạn nên nhớ chúng ta là những người hùng của lực lượng đặc biệt Liên đoàn 81 biệt kích nhảy dù.
Bị quân ta bao vây trở lại, biệt kích dù rơi vào thế bị động đành núp sâu trong các hang động, không thể phát huy sức mạnh. Khi biệt kích dù không làm được gì, nhằm gỡ thế bế tắc, quân đội Sài Gòn điều động thêm Sư đoàn Nhảy dù đến ứng cứu. Đây là đơn vị đứng đầu lực lượng tổng trừ bị, với chức năng sẵn sàng ứng chiến và phản ứng nhanh để làm thay đổi cán cân chiến trường.
Trực thăng chở lính dù lên trận địa đã được bộ đội ta đón tiếp rất độc đáo. Chỉ huy Đại đội 6, anh Trần Nam Thắng nói hài hước: “Lính mình chiến đấu như làm ảo thuật, khiến quân địch luôn bất ngờ bị động. Khi máy bay oanh tạc, các cỡ súng của ta bắn lên rất rát, hất nó lên cao. Đến pháo kích dọn đường, bộ đội ta rút hết xuống các hang động để bảo toàn lực lượng. Trên mặt đất, nhìn các công sự chiến đấu ở những khe đá trống trơn không bóng người, chẳng khác nào trận địa chết. Hy vọng vào sức hủy diệt của bom pháo đã làm bộ đội thương vong. Tưởng cơ hội đã đến, địch ngưng pháo kích, từng đoàn máy bay trực thăng chở lính dù và hàng tiếp tế nhanh chóng bay vào trận địa. Đúng lúc đó, chiến sĩ ta xuất quỷ nhập thần, đồng loạt bắn dữ dội tạo thành lưới lửa dày đặc khiến máy bay địch phải vội vàng bay khỏi trận địa. Nếu liều mạng đổ quân sẽ bị tiêu diệt”.
Nhiều ngày như vậy, sau khi bom pháo dọn đường, từng đoàn trực thăng chở quân lên núi, nhưng nhìn thấy “bãi bắn” mà bộ đội đã chuẩn bị sẵn, đội quân Sư đoàn Nhảy dù thiện chiến đành phải chịu rút quân, không thể làm gì hơn. Họ không đủ gan để mở đường máu vào cứu nguy cho cứ điểm đang hấp hối.
Diễn biến trên trận địa hoàn toàn đúng kịch bản của chúng ta, nên quân ta làm chủ trận đấu. Do không thể đổ quân chi viện, địch điên cuồng gia tăng cường độ hủy diệt bằng bom pháo. Trinh sát Lê Quang Sung tham gia trận đánh từ đầu đến cuối, anh nói: “Càng ác liệt, bộ đội ta ngày càng xiết chặt vòng vây, các chốt bắn tỉa của ta túc trực ngày đêm, sẵn sàng tác xạ nên lính địch trong cứ điểm không thể ra ngoài để lượm hàng tiếp tế. Ban đêm ta tổ chức đột nhập, diệt dần các ổ đề kháng, làm cho lính địch hoang mang, bất an”.
Đêm gần cuối tháng 12-1974, chiến sĩ ta đột nhập vào cứ điểm phá hủy trạm phát điện, đánh sập phần lớn cơ sở vật chất của trung tâm truyền tin, khiến cho việc phòng thủ của địch càng thêm bế tắc. Trợ lý Tham mưu Tiểu đoàn 47 Trịnh Xuân Diệu nhớ lại: “Quân tiếp viện của địch không tới được trận địa, trên đỉnh núi lính địch bị thương vong, thiếu nước uống, lương thực, thuốc men, đạn dược… không còn đủ sức kháng cự. Trong khi đó, bộ đội ta bất chấp ác liệt, thương vong, luôn đoàn kết gắn bó, sống chết có nhau, chiến đấu kiên cường bất khuất, làm nên một tập thể anh hùng”.
Sư đoàn Nhảy dù muốn phản ứng nhanh để làm thay đổi cán cân chiến trường, nhưng họ đã bất lực trước cách đánh biến hóa của lính quân báo.
(Còn tiếp)