Hình minh họa
Bình Định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án khu đô thị gần 800 tỷ đồng
UBND tỉnh Bình Định điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án Khu đô thị phía Nam cây xăng dầu Việt Hưng tại phường Tam Quan và phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn.
Theo quyết định vừa được phê duyệt, tiến độ thực hiện dự án là từ quý 3/2021 - quý 2/2026. Cụ thể: Tiến độ hoàn thành các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng từ quý 3/2021 - quý 1/2025; tiến độ khởi công công trình là quý 1/2025; tiến độ xây dựng các hạng mục công trình là từ quý 1/2025 - quý 2/2026; tiến độ hoàn thành dự án đưa vào sử dụng là quý 2/2026.
UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Công ty TNHH Grand Việt Hưng tập trung nguồn lực tài chính, sớm triển khai dự án, đảm bảo tiến độ thực hiện để dự án sớm hoàn thành và đi vào hoạt động.
Trong một diễn biến có liên quan, vừa qua Sở Xây dựng tỉnh Bình Định đã công bố công khai các dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh. Theo đó, dự án Khu đô thị phía Nam cây xăng dầu Việt Hưng tại thị xã Hoài Nhơn do Công ty TNHH Grand Việt Hưng làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô sử dụng đất khoảng 9,9 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 793 tỷ đồng.
Metro số 1 đạt kết quả tích cực, TP.HCM lên kế hoạch khởi công nhiều tuyến metro cùng lúc
Chủ tịch UBND TP.HCM, TP.HCM và Hà Nội đang phối hợp cùng Bộ Giao thông Vận tải để chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội về đề án đường sắt đô thị. Dự kiến, đề án này sẽ được trình vào giữa năm nay để ban hành nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù trong phát triển đường sắt đô thị.
Các chính sách được đề xuất sẽ tập trung vào rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án còn từ 3-5 năm, thay vì kéo dài như trước, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công xuống còn 3-5 năm. Thành phố cũng sẽ huy động nguồn vốn, đào tạo nhân lực và triển khai mô hình TOD (phát triển đô thị theo trục giao thông công cộng) để tối ưu hóa hiệu quả của hệ thống đường sắt đô thị.
Sau khi nghị quyết được Quốc hội thông qua, TP.HCM dự kiến khởi công trước tuyến metro số 2, đồng thời áp dụng các cơ chế, chính sách mới để thí điểm. Sau đó, Thành phố sẽ triển khai các tuyến metro khác theo nhóm thay vì lần lượt từng tuyến.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2027-2028, TP.HCM sẽ khởi công 3-4 tuyến metro đầu tiên và hoàn thành vào năm 2031-2032. Tiếp đến, nhóm các tuyến metro tiếp theo sẽ được chuẩn bị để khởi công vào năm 2029-2030 và hoàn thành vào năm 2035.
Diễn biến mới tại dự án cảng biển 5.700 tỷ đồng ở Bà Rịa – Vũng Tàu
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Bến cảng tổng hợp quốc tế Mỹ Xuân (tên trước đây là Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines) của Công ty cổ phần Cảng quốc Tế QTM.
Mục tiêu của dự án là xây dựng mới bến cảng tổng hợp quốc tế Mỹ Xuân tiếp nhận tàu trọng tải đến 60.000 DWT. Quy mô đầu tư dự án gồm 8 bến, trong đó hạ lưu cầu Phước An gồm 2 tuyến bến, tổng chiều dài tuyến bến là 840m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 60.000 DWT.
Thượng lưu cầu Phước An gồm 2 tuyến bến xa bờ, tổng chiều dài tuyến bến là 1.055m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 30.000 DWT. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2025 đến năm 2030. Diện tích đất sử dụng khoảng 71,23 ha. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 5.700 tỷ đồng.
Quyết định nêu rõ, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, Thủ tướng, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư, quyết định giao đất, thu hồi đất, theo dõi, giám sát và xử lý các vấn đề liên quan đến dự án (gồm sự phù hợp của dự án với quy hoạch có liên quan) thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Nghiên cứu thành lập Khu Kinh tế thương mại tự do Vũng Áng gắn với cảng biển nước sâu
Ngày 21/01/2025, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 542/VPCP-QHĐP về việc xử lý kiến nghị của Tỉnh ủy Hà Tĩnh tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Văn bản nêu rõ, về một số kiến nghị, đề xuất của Tỉnh ủy Hà Tĩnh tại Thông báo số 34/TB-VPQH ngày 03/01/2025 của văn phòng Quốc hội về thông báo kết luận của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình có ý kiến như sau.
Về dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh thực hiện theo đúng ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải quyết các kiến nghị về giới thiệu các nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư vào Hà Tĩnh;
Và kiến nghị về việc hỗ trợ nguồn vốn cho tỉnh Hà Tĩnh đối với các dự án kết nối liên vùng có tác động lan tỏa, bao gồm: tuyến đường kết nối thành phố Vinh (Nghệ An) với huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) qua cầu Bến Thủy 3; hệ thống tách nước, phân lũ, phòng chống ngập úng Khu Kinh tế Vũng Áng; dự án đường vành đai phía Đông và cầu Cửa Khẩu nối tuyến đường ven biển của trung tâm Logistics Vũng Áng và Quốc lộ 12C; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Kỳ Anh và Khu Kinh tế Vũng Áng; dự án đường tỉnh ĐT.553 đoạn từ Nam Điền đi Lộc Yên.
Hàng trăm km đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM sẽ có "bước ngoặt" mới
Hà Nội và TP.HCM đang khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.
Lãnh đạo TP. Hà Nội, TP.HCM cho biết hai địa phương đang khấn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tập trung vào 5 nhóm chính sách: Huy động nguồn vốn; rút ngắn tiến độ, phát triển đô thị theo hướng tuyến giao thông (TOD); phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực; các chính sách khác.
Trong đó, 2 thành phố đề xuất 13 chính sách chung, TP. Hà Nội có 6 chính sách riêng, TP.HCM có 17 chính sách riêng.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường kiến nghị áp dụng trình tự thủ tục rút gọn khi xây dựng, ban hành nghị quyết của Quốc hội (sẽ rút ngắn 5-6 tháng); đồng thời phân cấp cho TP.HCM lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án đường sắt, quyết định chủ trương đầu tư…
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông kiến nghị một số nhóm chính sách đặc thù như: Không thực hiện thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư các dự án đường sắt đô thị; thu hồi đất song song với quá trình chuẩn bị đầu tư; lập quy hoạch phương án tuyến, vị trí công trình và khu vực TOD không cần đợi điều chỉnh các quy hoạch liên quan…
Đà Nẵng sắp đón dòng vốn hơn 5.500 tỷ
Ngày 17/1, tại Diễn đàn các thành phố hữu nghị và hợp tác do TP.Đà Nẵng tổ chức, lãnh đạo thành phố đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án lớn với tổng vốn đầu tư hơn 220 triệu USD, tương đương hơn 5.500 tỷ đồng.
Cụ thể, 4 dự án bao gồm trung tâm thương mại Aeon Mall Đà Nẵng - Thanh Khê với tổng vốn đầu tư 3 triệu USD, trung tâm sản xuấ pin nhiên liệu và răng nhân tạo Dentium Việt Nam với tổng vốn đầu tư 177 triệu USD, trung tâm dữ liệu quốc tế Đà Nẵng trị giá 31,4 triệu USD và nhà máy sản xuất khuôn mẫu công nghệ cao VMR 10 triệu USD.
Trong đó, đáng chú ý trung tâm thương mại Aeon Mall Đà Nẵng - Thanh Khê được kỳ vọng sẽ là điểm đến mua sắm, giải trí và ẩm thực lớn bậc nhất tại khu vực. Dự án không chỉ là nơi quy tụ các thương hiệu bán lẻ nổi tiếng trong và ngoài nước mà còn tạo ra hàng trăm cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Bên cạnh Aeon Mall, Đà Nẵng đang triển khai nhiều kế hoạch phát triển các trung tâm thương mại và khu phức hợp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và khách du lịch. Chính quyền thành phố đặt mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ và du lịch hàng đầu khu vực miền Trung.
Hoàng An