“Mình ở phòng 1403, hôm nay, mình đã khỏi bệnh và được về sum họp gia đình. Mình cảm ơn các chiến sĩ dân quân đã chăm sóc, hỗ trợ mình suốt 9 ngày qua. Cùng là nữ, mình thực sự cảm phục khi tại bệnh viện tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhưng có cả nữ dân quân cũng xông pha vào tâm dịch như các nam dân quân. Hình ảnh nữ dân quân xông pha tại tâm dịch đã tiếp thêm tinh thần, nghị lực để mình vững tin vượt qua bạo bệnh. Mình cảm ơn các chiến sĩ dân quân nhiều lắm! Chúc các anh chị em thêm nhiều sức khỏe hoàn thành tốt nhiệm vụ hỗ trợ bệnh nhân”. Đó là thư của chị Lệ Hằng, ngụ TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh là một trong số nhiều lá thư gửi qua Zalo cảm ơn cán bộ, chiến sĩ dân quân phục vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 12, TP Thủ Đức.
Tại Bệnh viện Dã chiến số 12, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh quy mô hơn 3.000 giường điều trị bệnh nhân Covid-19, gần một tháng qua, nữ dân quân Nguyễn Thị Thanh Trúc, Ban CHQS xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh đã tình nguyện lên đường chống dịch phục vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 12, TP Thủ Đức. Công việc của Trúc mỗi ngày là dọn vệ sinh, đưa suất ăn, vật chất đồ dùng cá nhân cho các bệnh nhân điều trị Covid-19. Hôm chúng tôi đến chứng kiến Trúc luôn nhanh nhẹn cùng các nam dân quân sắp xếp vật chất, nhu yếu phẩm, chuyển suất ăn vào bệnh viện. Tính nhẫn nại dịu dàng, công việc bận rộn, cường độ lao động, áp lực cao, song, Trúc luôn nhẹ nhàng khéo léo làm vừa lòng mọi người, chia sẻ động viên mọi người cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nguyễn Thị Thanh Trúc tâm sự: "Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, tại Ban CHQS huyện Hóc Môn, tôi chứng kiến các bạn nam dân quân lên đường chống dịch nên đã thôi thúc tôi tình nguyện lên đường. Trước ngày lên đường, tôi cũng xin ý kiến ba mẹ và đều được ba mẹ đồng tình ủng hộ. Ba mẹ có nói, con đã được học tập rèn luyện trong quân đội, là người chiến sĩ thì khi thấy người dân, quê hương, Tổ quốc cần đến mình, con cứ lên đường làm tròn nhiệm vụ và nhớ giữ gìn sức khỏe, đoàn kết với đồng đội, chấp hành tốt các quy định. Được ba mẹ động viên khích lệ, vẫn biết dịch bệnh phức tạp, nguy hiểm, phận nữ nơi dặm trường, tôi lên đường làm nhiệm vụ không một chút do dự, băn khoăn với quyết tâm cùng đồng đội hoàn thành tốt công tác tại bệnh viện".
Tại quận 4 (TP Hồ Chí Minh), gần ba tháng qua, 30 nữ dân quân LLVT quận 4 cũng tình nguyện xung kích chống dịch phục vụ tại 5 điểm cách ly tập trung và tổ chức các chuyến xe máy rong ruổi chuyển thực phẩm thiết yếu cho người dân tại các khu phong tỏa trên địa bàn quận. Tại Bệnh viện quận 4, mặc dù suốt ngày trong bộ đồ bảo hộ nóng bức, nhưng nữ dân quân Trịnh Lê Thanh Vy, sinh năm 2001, thuộc Ban CHQS phường 2, quận 4 vẫn tích cực phối hợp các lực lượng đo thân nhiệt, hướng dẫn khai báo y tế cho người dân đến khám chữa bệnh đúng quy định, an toàn.
Trịnh Lê Thanh Vy, chia sẻ: "Từ khi dịch bệnh lần thứ tư bùng phát tại thành phố đến nay, mặc dù gia đình nằm trên địa bàn phường, song, em không về nhà mà ăn nghỉ tại Ban CHQS phường. Những lúc tối, em mới có thời gian tranh thủ nhắn tin, điện thoại thông tin với gia đình và hỏi thăm sức khỏe người thân. Tham gia chống dịch, em cũng có thêm nhiều trải nghiệm, bài học quý về công tác quan hệ, ứng xử, tuyên truyền vận động nhân dân trong tình hình dịch bệnh phức tạp, qua đó em hoàn thành tốt nhiệm vụ sau này, trưởng thành hơn trong cuộc sống".
Trên đây là vài câu chuyện cụ thể trong số hàng nghìn nữ “sao vuông” của LLVT thành phố đang ngày đêm xông pha trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Hình ảnh những nữ “sao vuông” hăng hái, tận tâm, trách nhiệm, dũng cảm trong chống “giặc” Covid-19 hôm nay như có bóng dáng hiện về của những nữ dân quân, du kích, nữ Biệt động Sài Gòn mưu trí, dũng cảm kiên cường lập nên chiến công vang dội nơi nội đô - sào huyệt của địch trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khiến chúng tôi thực sự rung động.
Chia sẻ về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, Phó Chính ủy Bộ tư lệnh (BTL) TP Hồ Chí Minh, cho hay: Trong tuyển chọn, huấn luyện, giáo dục nữ dân quân, những năm qua, BTL thành phố đặc biệt quan tâm tuyển chọn nữ dân quân có phẩm chất, sức khỏe và làm tốt công tác giáo dục truyền thống thông qua các tấm gương nữ dân quân, du kích, nữ biệt động Sài Gòn trong kháng chiến với nhiều hình thức sinh động như gặp mặt giao lưu, kể truyện truyền thống, tham quan di tích lịch sử, thăm tặng quà các gia đình chính sách, các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, nữ biệt động Sài Gòn. Bên cạnh đó, BTL thành phố cũng phát động nhiều phong trào cụ thể, đồng thời bảo đảm tốt chế độ chính sách, quan tâm khuyến khích động viên, bồi dưỡng rèn luyện, phát hiện, tạo nguồn cán bộ, đảng viên nữ cho cơ sở. Vì vậy, các nữ dân quân luôn hăng hái tham gia, phát huy tốt truyền thống vào hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, được cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân tin yêu.