Da sạm nám, tay chai sần, phồng rộp, có người sụt đến 5-6 kg. Và đã có các đồng chí ở cơ sở trong quá trình làm nhiệm vụ cũng đã trở thành F0, nhưng ở nơi cách ly vẫn tiếp tục đồng hành cùng với đồng chí của mình trực điện thoại tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, cập nhật danh sách người khó khăn...
Hơn 20 giờ tối, ngoài trời mưa rất to nhưng chị Phạm Thị Mỹ Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường 8, quận Tân Bình vẫn đội mưa cùng các bạn trong Tổ “đi chợ giúp” đến từng hộ dân trao trả đơn hàng. Dù trước đó bức xúc khi đặt hàng mấy ngày chưa có, nhưng khi nhìn hình ảnh cán bộ như vậy khiến cô Hạnh, một người nhờ đi chợ giúp đã tiêu tan hết sự hờn giận trong lòng mà chỉ còn biết gửi lời cảm ơn và động viên các bạn cố gắng giữ gìn sức khỏe và cảm thông với sự quá tải của cán bộ địa phương.
Cũng như chị Mỹ Linh, hơn 22 giờ đêm mới hoàn thành xong việc trao trả đơn hàng cho người dân, chị Chu Thị Thư, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Phường 6 gần như quá mệt vì cả ngày đi nhiều chỗ để tìm mua theo danh mục dân nhờ từ: thực phẩm, thuốc tây, sữa,... xong về phân loại, sắp xếp danh mục hàng hóa, rồi cùng các đồng chí cán bộ địa phương đóng thùng và đem đến cho các hộ dân. Công việc khẩn trương, liên tục nên cả ngày chị chưa kịp ăn gì, chỉ có hộp sữa đậu nành lót dạ vào buổi trưa. Mệt và đói nhưng chị vẫn vui với việc làm của mình nhất là khi nghe những lời cảm ơn chân thành của người dân.
Hơn 2 giờ đêm nhưng Bí thư Đảng ủy Phường 6 Nguyễn Thành Danh chưa ngủ, đồng chí vẫn thức để sắp xếp công việc, kiểm tra những việc phải làm cho ngày mới. Từ khi dịch bệnh bùng phát, đồng chí Bí thư cũng tạm biệt gia đình và vào luôn cơ quan ở cùng anh em để tiện điều hành công việc vì dịch bệnh thì đâu có giờ nghỉ.
Chị Chu Thị Thư, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 6 đi chợ giúp dân.
Từ một lãnh đạo cao nhất của địa phương, nay hết mình cùng anh em đi bốc xếp hàng hóa bất kể thời gian, chuẩn bị các túi quà để vận chuyển xuống khu dân cư, đi từng ngõ, gõ từng nhà trao tặng, rồi lái xe phun thuốc khử khuẩn; cùng Chủ tịch UBND phường tìm nguồn hàng hóa, thực phẩm ngon, rẻ để cung cấp cho dân, thậm chí đi từng nhà dân vận động tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Cũng như các đồng chí cán bộ ở cơ sở lúc này, xa gia đình để đảm bảo an toàn cho người thân, gần 2 tháng qua Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Phường 6 Bùi Thị Ánh Nguyệt chỉ còn được trò chuyện cùng chồng con qua điện thoại vào mỗi buổi tối vì ban ngày chị cùng cán bộ địa phương phân chia hàng hóa, nhặt lựa rau củ, tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, nhiều lúc còn phải trực tiếp đi các nơi nhận hàng hỗ trợ khi trời đã nhá nhem hay thời tiết không thuận lợi. Bên cạnh đó công việc chuyên môn vẫn phải duy trì nên phải thức khuya, dậy sớm, ăn uống tạm bợ để cùng anh em hoàn thành công việc, chỉ mong sao có được nhiều hàng hóa để kịp hỗ trợ người dân
“Nhưng điều buồn nhất là có những chủ trương, chính sách đưa ra, một số người dân đọc báo hiểu chưa đầy đủ nên gọi điện thoại phản ánh là sao tôi chưa nhận được gì, khi giải thích thì họ dùng những từ ngữ khó nghe, thậm chí có người còn buông lời chửi bới khiến anh em nhiều lúc nuốt nước mắt vào trong” – chị Ánh Nguyệt chia sẻ.
Vất vả không kể siết, cũng như các nhân viên y tế, cán bộ ở cơ sở còn đối diện với nỗi lo lây nhiễm khi họ cũng là người phải tiếp xúc rất nhiều đối tượng vì hàng ngày đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, vận động, chăm lo và đã có những người phải tạm xa rời đồng đội để cách ly, điều trị.
Phó Bí thư Đảng ủy Phường 6 Bùi Thị Ánh Nguyệt (áo xanh) cùng cán bộ và chiến sĩ chuyển các túi an sinh lên xe để kịp trao tặng trong ngày 2/9.
Đồng chí Lê Thị Hằng Loan, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Phường 2 sau những ngày đi khắp nơi tiếp nhận hàng hóa, rồi chuyên chở đến từng người dân trao tặng đã phải tạm ngưng nhiệm vụ do là F0. Những ngày trong khu cách ly, ngoài lo cho người thân (cha, mẹ, em gái và cháu cũng bị nhiễm), chị vẫn tiếp tục hỗ trợ xử lý một số công việc của người lãnh đạo Mặt trận. Rồi cha chị vì tuổi cao không qua khỏi. Nén đau thương sau khi hết thời gian cách ly điều trị, chị lại tiếp tục trở về sát cánh cùng đồng động chăm lo cho dân.
Cũng ở Phường 2, đồng chí Trần Thị Phi Yến, Phó Chủ tịch UBND phường luôn căng mình chống dịch, hết đi tầm soát F0, tuần tra địa bàn, tất bật chuẩn bị các túi quà chăm lo an sinh xã hội cho người dân, thậm chí khi nguồn cán bộ y tế tại chỗ thiếu hụt, chị cũng trực tiếp tham gia lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho dân sau khi được tập huấn ngắn hạn.
Do làm việc bất kể thời tiết nắng mưa, giờ giấc lại tiếp xúc trực tiếp nhiều, nên bản thân chị Phi Yến và gia đình cũng đã trở thành F0. Trong những ngày cách ly để điều trị, đồng chí đã viết trên trang cá nhân: “Kết quả đó đã được xác định ngay từ những ngày đầu bùng phát dịch… Chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Cái mà mình lo lắng không phải là bản thân mình. Cái cần lo lắng là gia đình, là những F0 khác ngoài cộng đồng còn cần mình, còn vô số các trường hợp người dân khó khăn cần mình”.
Từ đầu mùa dịch đến nay hầu như tất cả cán bộ cơ sở từ lãnh đạo Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể phải làm việc với cường độ gấp 3, 4 lần ngày thường. Họ phải hy sinh bản thân rất nhiều chỉ với một điều mong muốn rằng người dân cảm thông với sự nỗ lực của địa phương mà yên tâm ở nhà, chung sức, đồng lòng cùng với địa phương, với Thành phố nhanh đẩy lùi dịch bệnh để cuộc sống sớm trở lại như xưa.
Nguồn: hcmcpv.org.vn