Metro Bến Thành – Suối Tiên hơn 43.700 tỷ đồng
Ngày 22/12, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên chính thức vận hành khai thác thương mại sau 12 năm đầu tư xây dựng.
Được phê duyệt từ năm 2007, Metro Bến Thành - Suối Tiên mất 17 năm mới có thể đưa vào khai thác vì quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc. Toàn tuyến dài 19,7 km, gồm 14 nhà ga, trong đó ba ga ngầm ở khu trung tâm lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.
Với tổng mức đầu tư ban đầu gần 17.400 tỷ đồng, dự án không phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương. Tuy nhiên, liên danh tư vấn sau đó tính toán lại, nâng tổng vốn lên hơn 47.300 tỷ đồng. Thủ tướng cho phép UBND TP HCM phê duyệt điều chỉnh dự án theo mức vốn, khởi công gói thầu chính đầu tiên đoạn trên cao vào tháng 8/2012. Nhưng lúc này, dự án thuộc tiêu chí quan trọng quốc gia - phải trình Quốc hội duyệt chủ trương.
Quá trình làm thủ tục điều chỉnh kéo dài khiến dự án gặp nhiều khó khăn, liên tục trong cảnh thiếu vốn, chậm tiến độ. Tháng 11/2019, việc điều chỉnh mới được chấp thuận, tổng vốn đầu tư chốt lại là hơn 43.700 tỷ đồng. Việc duyệt điều chỉnh giúp tuyến tàu điện được gỡ nút thắt kéo dài, bởi đây là cơ sở để Trung ương bố trí vốn ODA mà thành phố vay lại.
Metro số 1 không chỉ giúp kết nối, giảm tải áp lực giao thông khu vực phía Đông TP.HCM mà còn góp phần thúc đẩy nhiều lĩnh vực. Trong đó có thị trường Bất động sản.
Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt
Ngày 28/4, Bộ GTVT khánh thành, đưa vào khai thác dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, đoạn từ Diễn Châu đến nút giao quốc lộ 46B, qua địa phận các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên (Nghệ An).
Cao tốc nối Nghệ An và Hà Tĩnh dài hơn 49 km, được khởi công tháng 5/2021 với tổng vốn đầu tư hơn 11.150 tỷ đồng. Điểm đầu tuyến tại xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, kết nối cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu.
Điểm cuối dự án tại xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, thuộc nút giao nối cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi. Đoạn qua Nghệ An dài 44,4 km, qua Hà Tĩnh dài 4,9 km.
Tuyến đường cùng với quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu tạo trục dọc xuyên suốt từ cao tốc Pháp Vân (Hà Nội) đến thành phố Vinh (Nghệ An) với tổng chiều dài 280 km. Công trình góp phần rút ngắn thời gian từ Hà Nội về thành phố Vinh từ hơn 5 tiếng nếu đi quốc lộ 1 xuống 4 tiếng.
Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo
Đây là một trong ba dự án thành phần được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), tổng kinh phí 8.925 tỷ đồng.
Tuyến qua địa phận thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa); các huyện Thuận Bắc, Bắc Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước và Thuận Nam (Ninh Thuận) và huyện Tuy Phong (Bình Thuận) có chiều dài 78,5 km, quy mô nền đường 17 m. 4 làn xe không có làn khẩn cấp (chỉ có điểm dừng khẩn cấp cách 4-5 km), vận tốc tối đa 90 km/h.
Dự án có điều đầu tại nút giao Cam Ranh (tiếp giáp điểm cuối tốc Nha Trang - Cam Lâm) và điểm cuối gần nút giao Vĩnh Hảo (điểm đầu cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết).
Cam Lâm - Vĩnh Hảo là đoạn cao tốc cuối nối TP.HCM với Nha Trang, cùng với 4 đoạn đã hoàn thành trước đó, giúp rút ngắn thời gian chặng này chỉ còn 4-5 giờ, giảm một nửa thời gian so với chạy quốc lộ 1.
Dự án nối quốc lộ 19 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên
Sau 2 năm thi công, Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên (tỉnh An Giang) với tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng chính thức khánh thành vào ngày 16/6.
Dự án là một công trình lớn, trọng điểm của Bộ GTVT và nằm trong tổng thể quy mô chung của Dự án Kết nối đồng bằng Mekong, đi qua huyện Vĩnh Thạnh, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) và TP Long Xuyên (tỉnh An Giang).
Dự án có chiều dài tuyến xây dựng mới là 15,3km và đoạn nâng cấp cải tạo Quốc lộ 80 với chiều dài khoảng 2km. Tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Đại lộ TP. Vinh - TX. Cửa Lò (GĐ2) – Nghệ An
Ngày 29/8/2024, dự án đại lộ TP. Vinh – Thị xã Cửa Lò chính thức thông xe. Dự án có tổng chiều dài 10,8km, đi qua địa bàn thành phố Vinh 3.4km, huyện Nghi Lộc 4.8km và thị xã Cửa Lò 2.63km, là tuyến giao thông có chiều rộng mặt đường lớn nhất tỉnh Nghệ An; thiết kế 8 làn xe cơ giới, mỗi bên rộng 16m gồm 4 làn xe;
Tuyến đường sau khi hoàn thành tạo trục giao thông kết nối nhanh 2 khu vực đô thị là TP. Vinh và TX du lịch Cửa Lò, góp phần hoàn thành Đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.415 tỷ đồng.
Cầu Cửa Lục 3 (Cầu Bình Minh) – Quảng Ninh
Cầu Cửa Lục 3 có tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng được thông xe vào đầu năm 2024. Dự án có tổng chiều dài 2.6km (phần cầu 1.6km; phần đường 976.27m);
Điểm đầu nối với tuyến đường bao biển Cao Xanh - Hà Khánh; điểm cuối nối với Quốc lộ 279 tại Km16+415, xã Thông Nhất, Hoành Bồ;
Dự án giúp phát triển và mở rộng không gian đô thị nhằm thu hút đầu tư vào các KCN, CCN và các dự án phát triển đô thị trên địa bàn TP. Hạ Long; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; giảm tải lưu lượng giao thông qua cầu Bãi Cháy và QL.18.
Đường nối Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa – TP.HCM
Tuyến đường này có chiều dài 4km, tổng chiều dài 2 đoạn đã thông xe là 1.2 km; Đoạn Phan Thúc Duyên: Nối đường Thăng Long với đường 18E; Đoạn 18E: Nối đường phan Thúc Duyên đến đường Cộng Hòa.
Mục đích dự án là xây dựng tuyến đường mới nối đường Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hòa, kết nối trực tiếp với nhà ga T3 của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Dự án có tổng vốn đầu tư gần 4.800 tỷ đồng. Được thông xe từ ngày 7/11/2024.
Cầu Trần Hoàng Na (TP. Cần Thơ)
Cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ nối hai quận Ninh Kiều và Cái Răng (TP Cần Thơ) đã chính thức thông xe đưa vào sử dụng vào tháng 4/2024.
Cầu Trần Hoàng Na thuộc dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của đô thị, có tổng mức đầu tư 791 tỉ đồng. Dự án được khởi công xây dựng tháng 9.2020 nhưng do nhiều nguyên nhân, công trình thi công chậm tiến độ, trì hoãn nhiều lần, đến ngày 30.12.2023, cầu mới được thông xe kỹ thuật.
Cầu có 4 chân vòm thép có 32 bộ đèn led, mỗi bộ gồm 2 đèn, với 144 bóng đèn. Ngoài ra, còn có hệ thống đèn chiếu sáng hệ thống dây văng, dầm dọc chính hai bên cầu và các mố trụ dưới mặt cầu.
Cầu Trần Hoàng Na có chiều dài toàn tuyến 820m. Trong đó, phần cầu chính dài gần 600m, bắc qua sông Cần Thơ. Đây là công trình giao thông cấp 1, quy mô 4 làn xe, rộng 23m, vận tốc thiết kế 60km/h, thiết kế dạng cầu vòm gồm 3 nhịp kết cấu thép
Cầu Trần Hoàng Na là công trình có kiến trúc đẹp, tạo điểm nhấn cho đô thị Cần Thơ, mở ra cơ hội để ngành du lịch, thương mại, dịch vụ tăng tốc, bứt phá trong tương lai…
Phong Vân