Nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM (hàng trên thứ 5 từ trái sang), gia đình và những người yêu mến nhà văn Trang Thế Hy chụp ảnh lưu niệm.
Tác phẩm đầu tay của Trang Thế Hy là trường ca “Thanh gươm tháng Tám” in trên báo Nhân Dân Nam Bộ vào giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông chuyển sang chuyên chú thể loại văn xuôi trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, với các truyện ngắn “Bên miệng hố bom đìa”, “Hột bụi”, “Quê hương thứ hai của người du kích”, “Vui nhỏ trên đường dây”, “Áo lụa giồng”, “Nắng đẹp miền quê ngoại”… Trong đó, đáng chú ý nhất là truyện ngắn “Anh Thơm râu rồng” được trao giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn Nghệ Giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1965.
Người bào chế thuốc giảm đau của văn chương Nam Bộ
Trong truyện ngắn “Người bào chế thuốc giảm đau” năm 1963, ông viết : “Trong y học, khi thuốc giảm đau gây tác hại thì đó là lỗi của người sử dụng thuốc chứ không phải lỗi của người bào chế thuốc. Trong nghệ thuật, người nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm về bào chế phẩm của mình”.
Nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM phát biểu.
Theo Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, qua văn chương của ông, mỗi con người đều xứng đáng được cảm thông và nâng đỡ để sống lương thiện và an lành, theo cách mà ông tự nhắc nhở bản thân: “Chính vì sợ chất đắng trên trang giấy, mà người cầm bút lại duy trì chất đắng trong cuộc sống, có nghĩa là làm ngược lại cái điều mình mơ ước”. Đọc tác phẩm Trang Thế Hy, mỗi người đều có thể dễ dàng tìm thấy sự chiêm nghiệm và sự bao dung. Đặc biệt, ông luôn ý thức sâu sắc về trách nhiệm của người cầm bút.
Trong buổi tọa đàm, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng nhà văn Trang Thế Hy là một mảnh ghép đặc biệt giúp bức tranh văn chương Nam Bộ định hình tốt hơn. Tiến sĩ Hà Thanh Vân nhận định nhà văn Trang Thế Hy có quan niệm nghệ thuật đặc biệt, một người luôn tìm vẻ đẹp trong những số phận đời thường, những cuộc đời tưởng rằng luôn u tối nhưng vẫn có những ánh sáng đẹp đẽ. Nhà thơ Ngô Thị Hạnh nhớ lại những kỷ niệm xuất bản tập thơ của ông.
Lê Tiến