Từ thầy dạy võ đến phó lãnh binh
Nguyễn Văn Quá là anh hùng thời chống thực dân Pháp. Ông sinh năm 1831, ở làng Mỹ Hạnh (nay là xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa), vốn là người giỏi võ, hiểu rộng, có lòng thương người nên được người dân trong vùng mến mộ. Ông thường xuyên mở lớp dạy võ cho người dân nên được gọi là thầy võ Quá.
Thời điểm đó, Pháp xâm chiếm miền Nam, chúng áp dụng chính sách cai trị tàn ác. Trong bộ máy cai trị có những tên tay sai bạo ngược, hà hiếp dân lành. Khu vực quận Bình Long - Hóc Môn, trong đó có làng Mỹ Hạnh do tên đốc phủ Trần Tử Ca cai quản. Hắn ra sức vơ vét của dân lành, bắt phu, bắt lính, thu tô thuế nặng nề, bắt dân đen phải ngày ngày nộp cỏ nuôi trâu, bò cho hắn. Người dân khổ cực, oán thán hết lời. Với tính cách thương dân, khẳng khái, Nguyễn Văn Quá không cam tâm để người dân bị hà hiếp, ông cùng với ông Phan Văn Hớn (Bà Điểm, Hóc Môn), ông Phạm Văn Hồ (làng Tân Thới Tam), ông Huỳnh Văn Tính (làng Tân Thới Thượng),... dựng cờ khởi nghĩa. Lời kêu gọi của các ông nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của người dân.
Ông Phan Văn Hớn được bầu làm Tổng lãnh binh, ông Nguyễn Văn Quá là chỉ huy phó. Hai ông đã cùng nghĩa quân chia làm 3 ngã, tấn công vào dinh quận từ Bà Điểm, Củ Chi và Bến Cầu vào đêm 08/02/1885. Bị tấn công bất ngờ bởi lực lượng nghĩa quân đông đảo, khí thế hừng hực nên chẳng bao lâu, dinh quận thất thủ, Trần Tử Ca phải đền nợ máu.
Diệt được tên Trần Tử Ca khiến người dân trong vùng hết sức hân hoan. Họ truyền tai nhau câu chuyện đó đến nhiều đời sau. Tuy nhiên, đó như một đòn giáng vào bọn thực dân. Bọn chúng ra sức lùng sục, tìm bắt người đứng đầu cuộc khởi nghĩa, đàn áp, bắt giữ và tra tấn dân lành. Không thể chịu được cảnh đó, 2 ông Phan Văn Hớn và Nguyễn Văn Quá quyết định ra mặt để cứu dân.
Ông Trần Văn Nhỏ (xã Mỹ Hạnh Nam) là cháu cố ngoại của ông Nguyễn Văn Quá kể: “Hồi đó, 2 ông trốn được rồi nhưng tụi Pháp ác lắm! Nó lê máy chém đi khắp nơi, đàn bà, trẻ nhỏ cũng không tha. Để cứu dân, 2 ông mới cho người liên lạc với Pháp là 2 ông sẽ ra cho Pháp bắt, để tụi nó không hại dân nữa. Mới ban đầu, tụi nó cũng dụ dỗ dữ lắm nhưng không được nên mới chém đầu 2 ông, bêu trên trụ đèn”.
Tấm lòng hậu thế
Sau khi 2 ông mất, người dân bí mật đem xác 2 ông về lại quê hương. Ông Nguyễn Văn Quá được người dân và họ tộc chôn cất tại quê nhà thuộc ấp Tràm Lạc, xã Mỹ Hạnh Bắc. Ban đầu, để tránh sự bố ráp của Pháp, mộ ông được đắp đơn sơ bằng đất, về sau, mộ được xây dựng lại, người dân và họ tộc dựng bên cạnh mộ một ngôi miếu thờ ông cho đến ngày nay.
Ông Trần Văn Nhỏ kể, ngôi miếu trước đây rất nhỏ, làm bằng cây lá đơn sơ. Dần về sau, được sự hỗ trợ của họ tộc ông Phan Văn Hớn, người dân và họ tộc ông Nguyễn Văn Quá trùng tu, mở rộng miếu thờ ông Nguyễn Văn Quá. Giờ đây, ngôi miếu nằm trong khu đất khá rộng, được xây dựng kiên cố. Bên cạnh miếu là mộ của ông Nguyễn Văn Quá và vợ.
Hàng năm, họ tộc, người dân và chính quyền địa phương đều tổ chức lễ giỗ ông Nguyễn Văn Quá vào ngày 24/02 Âm lịch. Lễ vật dâng cúng ông do họ tộc và người dân mang đến tùy vào tấm lòng thành kính của mỗi người. Trong lễ cúng ông Nguyễn Văn Quá vào ngày 24/02, họ tộc ông Phan Văn Hớn từ Hóc Môn cũng đến dự. Lễ giỗ được tổ chức tại miếu thờ ông Phan Văn Hớn ở Hóc Môn và có đầy đủ 2 họ tộc.
Ông Mai Xuân Hậu (xã Mỹ Hạnh Bắc) là cháu cố ngoại của ông Nguyễn Văn Quá, cho biết, từ ngày 2 ông mất, mối quan hệ của 2 họ tộc lúc nào cũng gắn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Điều đó xem như một truyền thống tốt đẹp và được con cháu đời sau gìn giữ. Ông Hậu nói: “Hai cụ mất cùng ngày nên 2 dòng họ làm lễ giỗ cùng ngày. Ngày tiên thường, chúng tôi làm lễ cúng cụ Quá, cụ Hớn cúng ngày chánh giỗ”.
Hậu duệ Nguyễn Văn Quá ngày nay vẫn sinh sống và làm việc tại xã Mỹ Hạnh Bắc và có nhiều đóng góp cho địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hạnh Bắc - Ngô Văn Luyện cho biết: “Họ tộc cụ Nguyễn Văn Quá sống quanh vùng đa phần đều có kinh tế ổn định, cuộc sống khá giả, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, có đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Chị Nguyễn Thị Oanh, ngụ ấp Tràm Lạc, là hậu duệ của cụ Quá, chị là mạnh thường quân thường ủng hộ địa phương để tặng quà người nghèo, đặc biệt là trong đợt dịch vừa rồi, chị hỗ trợ khá nhiều”.
Địa danh 18 thôn vườn trầu đã đi vào lịch sử, lòng dân. Câu chuyện về người anh hùng từng tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa 18 thôn vườn trầu ngày ấy, giờ đây vẫn được đời sau nhắc nhớ.