Kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925/21-6-2017) là dịp để những người được mang trọng trách, vinh dự của một nhà báo suy ngẫm về nghề nghiệp, trăn trở về những con chữ đã gửi đến độc giả gần xa và hiệu ứng từ mỗi tác phẩm của mình đối với xã hội.
Mỗi ngành nghề đều có những đòi hỏi riêng về đạo đức nghề nghiệp, và nghề báo cũng không nằm ngoài số đó. Với đặc điểm tác động rộng lớn đến nhiều đối tượng bạn đọc bằng thông tin trong mỗi tác phẩm báo chí, nên yêu cầu về đạo đức nghề báo cũng mang tính đặc thù, trong đó có yêu cầu rất cao về tính trung thực.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, báo chí chính thống đang chịu sức ép dữ dội từ thông tin trên các mạng xã hội. Đó là sức ép về tốc độ và tính cập nhật của thông tin. Vậy nhưng, báo chí chính thống vẫn có ưu thế, vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc, bởi trên đó là các tác phẩm của những nhà báo, phóng viên thực thụ; bởi tính chịu trách nhiệm trước bạn đọc, trước pháp luật của các cơ quan báo chí; và quan trọng hơn là bởi bạn đọc luôn gửi gắm niềm tin về tính trung thực của thông tin trên mặt báo.
Vậy nhưng, ở đâu đó, đôi lúc vẫn có những thông tin thiếu chính xác, tin thất thiệt, tin “bịp” xuất hiện trên mặt báo, và không ít trong số đó được khai thác từ các mạng xã hội. Vẫn biết, khai thác thông tin trên mạng xã hội là chuyện khá phổ biến ở các nước có nền báo chí phát triển. Cũng đã có nhiều lớp học về kỹ năng khai thác thông tin trên mạng xã hội phục vụ làm báo, được các giáo viên nước ngoài giảng dạy tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc khai thác thông tin trên các trang mạng xã hội luôn phải tuân thủ quy định kiểm chứng thông tin một cách thận trọng, đa chiều, trước khi đăng tải trên mặt báo.
Thực tế đã có cơ quan báo chí dễ dãi trong quản lý nghiệp vụ phóng viên, do yêu cầu tin “hot” chi phối, hay do sức ép “câu view” gay gắt, mà có những tin, bài được phóng viên tác nghiệp trên salon, trong phòng lạnh, thông qua mạng xã hội, thông qua “truyền miệng, rỉ tai” mà thiếu kiểm chứng, vẫn vô tư xuất hiện trên mặt báo. Hậu quả là độc giả phải tiếp nhận thông tin sai sự thật. Và khi thông tin sai lệch được dẫn từ báo này sang báo khác, cái sai lại càng được phổ biến rộng hơn. Cơ quan báo chí và phóng viên đưa tin thất thiệt đương nhiên sẽ bị xử lý, đó là cái mất đáng phải suy ngẫm. Song đáng suy ngẫm hơn là niềm tin của bạn đọc với báo chí dần suy giảm vì cách tác nghiệp dễ dãi, vô trách nhiệm, thiếu trung thực của một số nhà báo, phóng viên.
Từ những sự việc ấy, lại thêm ngẫm ngợi cách tác nghiệp, sự dấn thân, sống chết với nghề của các nhà báo lão thành- những “cây đa, cây đề” trong làng báo chí cách mạng Việt Nam, một trong số đó có nhà báo lão thành Hà Đăng.
Hẳn nhiều người vẫn nhớ, “Gió Đại Phong” là một phong trào thi đua xây dựng hợp tác xã nông nghiệp thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, được thổi bùng từ thôn Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Góp sức làm lan tỏa phong trào ấy có sự dấn thân, lăn lộn, trải nghiệm cùng thực tế của nhà báo Hà Đăng. Không dừng lại ở việc nghe báo cáo thành tích của Đại Phong trong một hội nghị của Quảng Bình trước đó, ông đã trực tiếp về địa phương, ở nhà dân hàng tuần, đi hỏi chuyện dân, nghe dân nói, xem nhân dân lao động sản xuất, từ đó khái quát, phản ánh “hiện tượng” Đại Phong trên mặt báo.
Vậy nhưng, Nhà báo Hà Đăng vẫn trung thực và khiêm tốn cho rằng, ông không phải là người phát hiện ra “hiện tượng” Đại Phong, bởi hợp tác xã ấy đã được phát hiện, biểu dương trong một hội nghị của Quảng Bình, mà ông chỉ là người đi kiểm chứng, tìm hiểu rõ thêm, để phản ánh qua tác phẩm báo chí. Rồi sau đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Bác Hồ, “Gió Đại Phong” được thổi bùng trong lao động sản xuất, trở thành một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một phong trào thi đua rộng lớn trên mặt trận lao động sản xuất nông nghiệp.
“Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”! Đó là lời chúc mà bạn bè, người thân, độc giả luôn dành cho mỗi nhà báo nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Lời chúc ấy cũng chính là sự kỳ vọng của công chúng về những nhà báo có trình độ chuyên môn sâu, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, có khả năng đem lại những tác phẩm báo chí-món ăn tinh thần lành mạnh, có chất lượng cho bạn đọc. Để có được những phẩm chất ấy, đòi hỏi nhà báo phải phấn đấu hết mình, trong đó có sự dấn thân, lao mình vào thực tiễn để tìm tòi, phát hiện vấn đề; phải chính xác trong từng chi tiết, trách nhiệm trước mỗi thông tin, phải tuyệt đối trung thực với chính mình và độc giả.
Nguồn: qdnd.vn