Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, lớn lên ở mảnh đất Củ Chi đất thép thành đồng. Năm 1962, bà tham gia cách mạng khi mới 15 tuổi, sau đó thoát ly và công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Củ Chi. Năm 1967, bà hoạt động ở Đội võ trang Trung Dũng Quận Nhì (nay là Quận 1). Khoảng thời gian này, 2 lần bà bị địch bắt nhưng do không khai thác được gì, bà được chúng thả tự do.
Ngày 6/5/1968, bà tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đợt 2 (5/5/1968) ở xóm 8 Cầu Kho, Sài Gòn thì bị địch bắt giữ và giam ở các nhà giam khác nhau: Ti cát Quận Nhì, Nha Cảnh sát Đô thành Sài Gòn, Tổng nha Cảnh sát để tra tấn, thẩm vấn lấy lời khai, khi không thể lay chuyển được ý chí của người cộng sản kiên trung này, chúng chuyển bà sang nhiều nhà tù của chế độ Mỹ - ngụy, như nhà tù Thủ Đức, Khám Chí Hòa. Ở đây, chúng tra tấn bà dã man hơn, cứ 3 lần 1 ngày, chúng lại đánh đập bằng dùi cui, roi điện khi bà và các đồng đội đấu tranh chống chào cờ, không chấp hành nội quy.
Tại đây, chúng nhốt bà và một đồng chí nữ khác vào phòng giam số 16. Gọi là phòng nhưng thực chất là một khoảng nhỏ vừa đủ chỗ cho một người nằm và đứng. Chân bị xiềng xích, mọi ăn uống, sinh hoạt đều tại chỗ. Nước uống chỉ được phát nửa lon sữa bò/người/ngày. Bà và các tù nhân khác phải đấu tranh mới được tắm 1 tuần 1 lần, 1 lần vài phút, có khi cả tháng không được tắm. Thậm chí chúng cho tù nhân ăn những đồ bỏ đi, hư hỏng như khô mực, mắm đắng, tương chua. Không những vậy, ở Chuồng Cọp, nhiệt độ ban ngày lên đến 40-45 độ C, ban đêm gió từ biển thổi vào lạnh thấu xương, từng ấy sự khắc nghiệt cũng đủ khiến người tù chết dần, chết mòn.
Ngoài những lần bị bỏ đói, bà và tù nhân khác còn phải hứng chịu những trận đòn tra tấn man rợn khi bị đem ra thẩm vấn, truy xét. Bà chẳng thể nhớ nổi bao nhiêu lần bị chúng đánh đập, phơi nắng, rắc vôi bột, đổ nước sôi, chích điện vào các đầu ngón tay hay bị cai ngục cầm lao đâm vào đùi, vào vai, bà vẫn nhất quyết không hé răng dù chỉ một lời. Bởi trong trái tim của người phụ nữ kiên trung ấy chỉ có một ý chí “Vào tù cũng là một mặt trận - nếu có hy sinh cũng là hoàn thành nhiệm vụ”.
Tháng 7/1970, chúng tiếp tục đưa bà về nhà tù Thủ Đức, Tân Hiệp rồi sau đó đưa bà quay trở lại “địa ngục trần gian” một lần nữa ở Trại giam Phú Hải vào năm 1972, chịu mọi sự tra tấn, cực hình đau đớn. Đến tháng 10/1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, bà mới được trả tự do.
Khi hòa bình lập lại, bà giữ nhiều chức vụ quan trọng như Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận Tân Bình (1983); Thành ủy viên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy (1988); Bí thư Quận ủy Tân Bình (1994),…Năm 2004, bà nghỉ hưu và giữ chức Trưởng ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh Quận Tân Bình đồng thời là Chủ tịch Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Bình Phú Đông. Dù trên người vẫn còn những vết thương chưa lành sẹo nhưng với bà, còn được trở về, còn được sống thì bà sẽ sống thật xứng đáng với sự hy sinh của đồng chí đồng đội.