CCB Nguyễn Văn Lạc kể: “Vào cuối năm 1969, tôi làm Trưởng ban Tuyên huấn và vinh dự được Đảng ủy Quân sự tỉnh Long An ủy quyền trao quyết định phong quân hàm chuẩn úy cho Trung đội trưởng Trinh sát Đặng Công Thạch tại kênh Huỳnh Đảnh (huyện Đức Hòa, Long An). Lúc bấy giờ, Đức Hòa là nơi có vị trí chiến lược quan trọng, số lượng quân địch ở đây được tăng cường rất đông. Cuộc chiến diễn ra hết sức ác liệt nhưng anh Thạch đã thể hiện bản lĩnh chính trị kiên định, kiên cường bám trụ chiến trường”.
Để nắm được yếu điểm của địch, đồng chí Thạch cùng đồng đội nhiều đêm đột nhập vào doanh trại của chúng, dò la nắm chắc số lượng quân, vũ khí trang bị và quy luật hoạt động. Sau đó, bản báo cáo chi tiết những nội dung nắm được nhanh chóng được đồng chí Thạch gửi về tỉnh đội Long An. Đó là cơ sở quan trọng để cấp trên chỉ đạo các đơn vị tác chiến trên địa bàn. Các trận đánh vang danh của quân dân Long An tại Đức Hòa gắn với các địa danh như: Vườn Thơm, Hiệp Hòa, Đức Lập… làm quân địch khiếp sợ, chính là nhờ sự cung cấp tình báo chính xác của trung đội trinh sát do đồng chí Đặng Công Thạch chỉ huy.
Khi trên cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 45 (K45), đồng chí Thạch đã chỉ huy đơn vị sử dụng chiến thuật đánh bồi, đánh nhồi nhiều trận lớn, nhỏ khiến kẻ thù khiếp sợ. Trong đó trận đánh tại đồn Ao Quang, huyện Châu Thành, tỉnh Long An đầu năm 1974 là một điển hình. Lúc bấy giờ, Đại úy Đặng Công Thạch, Tiểu đoàn trưởng chỉ huy đơn vị bắt sống toàn bộ binh lính đồn Ao Quang làm tù binh. Trước đó, để chuẩn bị cho trận đánh, lực lượng trinh sát tiểu đoàn đã nhiều đêm tiếp cận mục tiêu nắm chắc quy luật hoạt động của địch. Trên cơ sở đó, đồng chí Thạch xây dựng kế hoạch đánh đồn và được sự nhất trí của Đảng ủy Quân sự tỉnh Long An. Với kế hoạch được xây dựng tỉ mỉ, cùng với sự quyết đoán của người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm đã tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của anh em trong đơn vị.
Đúng 12 giờ đêm hôm sau, đơn vị hành quân chiếm lĩnh trận địa. Lực lượng trinh sát đi trước bò qua 7 lớp hàng rào, khắc phục vật cản, mở đường cho bộ binh bí mật tiếp cận mục tiêu. Chờ đến 5 giờ sáng, địch mất cảnh giác ra sân tập thể dục, ta nổ súng diệt địch. Do bị bất ngờ, chúng không kịp phản kháng, buộc phải giơ tay đầu hàng.
Hòa bình lặp lại, Đại úy Đặng Công Thạch còn đảm đương các chức vụ như Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Long An; Trung đoàn trưởng Trung đoàn Vàm Cỏ… Đầu năm 1979, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, diễn biến ngày càng phức tạp, Trung đoàn Vàm Cỏ trực thuộc tỉnh đội Long An được thành lập để bảo vệ tuyến biên giới có chiều dài hơn 100 km và giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng.
Trong cuộc chiến với Pôn Pốt, Gò Măng Đa, Kiến Tường (nay thuộc huyện Vĩnh Hưng) là địa danh diễn ra cuộc giằng co với địch rất quyết liệt. Nhận thấy Gò Măng Đa là điểm then chốt, quan trọng, vị trí địa lý chiến lược, giữ vững Gò Măng Đa sẽ tạo được sức mạnh liên hoàn với các căn cứ khác, đồng thời bảo vệ an toàn cho nhân dân huyện Kiến Tường cũng như toàn tuyến biên giới. Bằng trí tuệ, bản lĩnh và kinh nghiệm chiến trường, đồng chí Thạch đưa ra kế hoạch sát hợp, đồng thời lãnh đạo, chỉ huy kiên quyết, thể hiện thái độ nghiêm túc đối với nhiệm vụ. Ông cùng đồng đội bám trụ, giữ vững từng tấc đất, dù đói khổ vẫn luôn sát cánh, động viên nhau cùng chiến đấu. Quân địch tập trung lực lượng quyết chiếm Gò Măng Đa nhưng trước sự chiến đấu quyết liệt của ta, chúng đã bị tổn thất nặng nề về lực lượng, buộc phải tháo chạy để bảo đảm an toàn.
Ngoài ra, để giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, ông Thạch chỉ huy trung đoàn phối hợp với các đơn vị bạn truy kích địch, tiêu diệt đến tận hang ổ của chúng. Cùng với việc chiến đấu giải phóng nhiều tỉnh thành của đất nước Chùa Tháp, đơn vị ông còn giúp nhân dân nước bạn quay về với bản làng sửa sang nhà cửa, xây dựng lại cuộc sống mới. Chăm sóc sức khỏe cho người ốm đau, chia sẻ lương thực cứu đói cho nhân dân đã để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng người dân nước bạn với Quân tình nguyện Việt Nam nói chung, Trung đoàn Vàm Cỏ nói riêng.