(QK7 Online) - Từ ngày 14/11 – 17/11 (nhằm ngày 14 – 17/10 Âm lịch), tại xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) luôn rộn ràng, náo nhiệt từ không khí Lễ hội truyền thống Nghinh Bà Thủy Long kết hợp với Lễ mừng công Ngư - Diêm dân năm 2024. Những chuyến tàu ra đảo hoạt động hết công suất luôn không còn chỗ trống đưa du khách hòa mình vào không khí lễ hội vùng biển đặc sắc tại TPHCM.
Bộ đội biên phòng TPHCM đồng hành cùng ngư dân xã đảo Thạnh An vươn khơi, bám biển.
Trong năm 2024, các hoạt động ngành ngư nghiệp trên địa bàn xã Thạnh An tiếp tục được duy trì và ổn định sản xuất. Ước tính, tổng sản lượng khai thác ngành thủy sản đạt 12.422 tấn, tương ứng giá trị sản lượng đạt 696.300 triệu, đạt 108% so với kế hoạch, tăng 18,66 % so với cùng kỳ. Trên địa bàn xã hiện có trên 245 phương tiện đánh bắt thủy sản; trong đó, có 5 phương tiện đánh bắt xa bờ, hoạt động khai thác chủ yếu là nghề cào xiêm, lưới cá tôm các loại, te cá cơm… trong năm, nghề đánh bắt thủy sản đạt 8.400 tấn thủy sản các loại, đạt 105% so với kế hoạch và tăng 7% so với cùng kỳ, sản phẩm chủ yếu từ nghề cào xiêm, lưới cá, tôm các loại.
Ngành diêm nghiệp luôn được sự quan tâm và hỗ trợ từ chính quyền địa phương.
Về hoạt động ngành diêm nghiệp, mùa vụ 2023 - 2024, diêm dân trên địa bàn xã tiếp tục đưa vào sản xuất muối trên diện tích 390,8 ha với 152 hộ (diện tích đất sản xuất được trải bạt nhựa 100%). Ước tính sản lượng thu hoạch đạt 32.000 tấn, đạt 160% so với kế hoạch, tăng 88,23% so với vụ mùa năm trước, giá bán giao động từ 900 - 1.200 đ/kg tùy thời điểm.
Ghe "Bà" là chiếc thuyền lớn dẫn đầu đoàn Nghinh Bà Thủy Long được trang trí lộng lẫy. Ảnh: Kha Thiên Lộc.
Không giống như những lễ hội vùng biển trên đất nước ta, lễ hội tại xã đảo Thạnh An mang nhiều nét đặc trưng đặc sắc. Đây là lễ hội hàng năm được người dân trên xã đảo quan tâm. Những ngày tết có thể vì những lý do đặc biệt mà không trở về nhà nhưng ngày lễ hội này nhất định mọi người phải có mặt. Dù ở bất cứ nơi đâu, con cháu phải trở về đoàn tụ như dịp họp mặt duy nhất trong năm và đã thành nếp sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa tinh thần rất lớn cho người dân vùng xã đảo.
Theo sau ghe "Bà", hàng chục ghe, thuyền được trang trí cờ hoa rực rỡ; tiếng trống, tiếng kèn và những tiếng reo hò vang cả vùng biển. Ảnh Kha Thiên Lộc.
Vào khoảng 12h30 trưa ngày 15 âm lịch, ghe "Bà" (ghe lớn, có trang trí cờ lễ hội, cờ nước) sau khi làm xong các nghi thức cúng tại Miễu, bắt đầu chạy ra, dẫn đầu đoàn ghe của các ngư dân chạy vòng quanh xã đảo Thạnh An, sau có ghe UBND xã, ca nô, tàu kiểm ngư của các lực lượng có liên quan được phân công để làm nhiệm vụ điều phối lộ trình di chuyển, hướng dẫn các ghe, tàu chạy theo thứ tự. Tất cả các ghe, tàu lớn nhỏ đi nghinh đều trang trí cờ hoa, xếp trật tự, luôn luôn đi sau chiếc ghe “Bà”.
Bên cạnh những nghi lễ tế tự tại miễu Bà Ngũ Hành, nhân dân địa phương còn có dịp thưởng thức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tổ chức các giải cờ tướng, bi sắt, bóng chuyền, bóng đá mini và các trò chơi dân gian như: kéo co, gánh muối vượt chướng ngại vật, đan lưới, rải chài, cột giá thể hàu,…
Lễ hội nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của địa phương, ôn lại truyền thống, tổng kết các hoạt động phong trào thi đua sản xuất ngư, diêm nghiệp trong năm 2024.
Lê Tiến, Phương Uyên