Trong các mô hình trên thì mô hình “Tổ tư vấn tâm lý - pháp lý quân nhân” tuy mới áp dụng, nhưng mang lại hiệu quả thiết thực, giúp cán bộ, chiến sĩ (nhất là chiến sĩ mới) có thêm các kỹ năng sống, trao đổi, chia sẻ những vấn đề còn vướng mắc; nâng cao hiểu biết về pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và các quy định của đơn vị; xây dựng tinh thần lạc quan, hành vi ứng xử đúng đắn, tích cực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, mô hình này cũng giúp cho cấp ủy, chỉ huy nắm chắc tình hình tư tưởng, nhận thức về pháp luật, điều lệnh, điều lệ, kỹ năng sống của bộ đội; từ đó đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả, góp phần thống nhất về tư tưởng và hành động giảm thiểu vi phạm pháp luật, kỷ luật, giữ vững ổn định đơn vị.
Thành viên Tổ tư vấn Tiểu đoàn 4 của Nhà trường trao đổi, chia sẻ với các chiến sĩ trẻ. Ảnh: Việt Thủy
Tuy nhiên, vì đây mô hình mới nên thời gian đầu một số cấp ủy, chỉ huy đơn vị khi tổ chức thực hiện còn lúng túng, nhiều người còn băn khoăn về hiệu quả thực sự của mô hình này; các thành viên của Tổ tư vấn chủ yếu lấy từ cơ sở lên, chưa có kinh nghiệm nắm và giải quyết tâm lý cho bộ đội nên hoạt động còn nhiều khó khăn; quá trình tư vấn còn nặng về hình thức, chưa kết hợp nhiều kênh thông tin để phát hiện những tư tưởng nảy sinh… Điều đó phần nào đã hạn chế đến hiệu quả hoạt động của mô hình và công tác quản lý, rèn luyện kỷ luật của đơn vị.
Từ kết quả hoạt động của các Tổ tư vấn tâm lý - pháp lý quân nhân ở Trường Quân sự Quân khu 7 rút ra một số bài học kinh nghiệm để nâng cao chất lượng hoạt động như sau:
Một là, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần xác định nội dung hoạt động của “Tổ tư vấn tâm lý - pháp lý quân nhân” khoa học, thiết thực, bảo đảm vừa phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ, vừa đáp ứng nhu cầu tâm, sinh lý của bộ đội.
Nội dung hoạt động của mô hình này phải giúp cho bộ đội hiểu rõ những vấn đề cơ bản của pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ Quân đội; quyền và nghĩa vụ quân nhân trong quan hệ pháp luật cụ thể, nảy sinh trong hoạt động quân sự và trong đời sống xã hội; giải đáp những vấn đề về sức khỏe, hạnh phúc gia đình, tuổi trẻ, tình yêu và cuộc sống… Đây chính là cơ sở để định hướng tư tưởng, hành vi ứng xử của các quân nhân theo khuôn khổ pháp luật, điều lệnh, điều lệ Quân đội và quy tắc đạo đức; đồng thời, giúp hòa giải hoặc giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh trong đơn vị, xây dựng môi trường tập thể lành mạnh, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hai là, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị cơ sở phải nhận thức đúng tầm quan trọng của “Tổ tư vấn tâm lý - pháp lý quân nhân” trong định hướng tư tưởng, nâng cao hiệu quả quản lý kỷ luật.
Phải coi hoạt động của Tổ tư vấn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác tư tưởng, nội dung lãnh đạo của cấp ủy, kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị và các tổ chức quần chúng; đồng thời, phải luôn quan tâm, tạo điều kiện để Tổ tư vấn hoạt động theo đúng nội dung, kế hoạch đề ra. Cần xác định rõ cơ cấu, tổ chức, quy chế, phương pháp, kinh phí hoạt động; chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng tư vấn, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác của cán bộ tư vấn; thường xuyên cung cấp thông tin cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi để Tổ tư vấn thực hiện nhiệm vụ. Trong quá trình hoạt động, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị phải thường xuyên kiểm tra, nắm vững thực trạng và hiệu quả hoạt động của mô hình này; chấn chỉnh những biểu hiện không đúng, hiệu quả thấp, bảo đảm cho Tổ tư vấn phải thật sự có uy tín, là chỗ dựa tinh thần để cán bộ, chiến sĩ thổ lộ tâm tư, tình cảm, những vướng mắc về tư tưởng, làm cơ sở để đưa ra các giải pháp khắc phục, không để những sự việc đáng tiếc xảy ra.
Ba là, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để các tổ viên Tổ tư vấn phát huy vai trò, chức năng trong quá trình hoạt động.
Đây là việc làm rất quan trọng để các thành viên của Tổ tư vấn nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa của công tác tư vấn về tâm lý, pháp lý quân nhân; đề cao tinh thần trách nhiệm, tích cực học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt, nhất là am hiểu các văn bản pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ của Quân đội, quy định của đơn vị, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, các vấn đề dân tộc, tôn giáo, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội, đơn vị và địa phương. Bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng tư vấn, đặc biệt là kiến thức về tâm lý học, giáo dục học, biết kiên nhẫn lắng nghe ý kiến của người được tư vấn một cách chân thành; khắc phục biểu hiện mệnh lệnh, hành chính cứng nhắc, thiếu sự mềm dẻo, linh hoạt. Các thành viên trong Tổ tư vấn làm nhiệm vụ tư vấn phải tôn trọng và giữ bí mật thông tin nếu người được tư vấn yêu cầu và cũng phải biết phản hồi để hiểu chính xác thông tin, từ đó có hướng tư vấn và giúp đỡ người được tư vấn. Ngoài ra, phải đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ hiểu được ý nghĩa, nội dung hoạt động của Tổ tư vấn để họ mạnh dạn tìm đến và bày tỏ với Tổ tư vấn những vấn đề còn băn khoăn, khó giải quyết trong cuộc sống, tình cảm, công việc và gia đình.
Thường xuyên kết hợp với các hoạt động giao lưu, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tạo sân chơi lành mạnh, phong phú cho cán bộ, chiến sĩ nhà trường
Các thành viên Tổ tư vấn được lựa chọn phải là những đồng chí thực sự gương mẫu về đạo đức, lối sống; thực hiện nói đi đôi với làm, tuyên truyền, tư vấn gắn với hành động cụ thể trong thực tiễn. Để Tổ tư vấn hoạt động có hiệu quả, thực sự là chỗ dựa tin cậy cho cán bộ, chiến sĩ mạnh dạn bộc lộ tâm tư, nguyện vọng của mình thì thành viên của Tổ tư vấn phải là những người có uy tín trong tập thể; từ lời nói đến hành động phải có sự cảm hóa cao. Cần tránh tình trạng thành lập cho đủ thành phần Tổ tư vấn, không chú ý tiêu chuẩn thành viên, làm cho cán bộ, chiến sĩ mất lòng tin, dẫn đến hiệu quả hoạt động không cao, thậm chí còn phản tác dụng. Các đơn vị phải có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ tư vấn cho các thành viên. Bên cạnh việc mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng tư vấn, các cấp nên tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm cho các thành viên trong Tổ tư vấn; thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu giữa cán bộ có nhiều tuổi đời, tuổi quân với cán bộ, chiến sĩ trẻ. Qua đó, giúp cán bộ tư vấn hiểu thêm về tâm lý của bộ đội theo từng lứa tuổi; nắm vững đặc điểm, tính cách, hoàn cảnh của từng người để có hướng tư vấn được linh hoạt và hiệu quả hơn.
Năm là, thường xuyên trao đổi, rút kinh nghiệm và kiểm tra hoạt động của các Tổ tư vấn.
Hằng tuần, các đơn vị nên tổ chức rút kinh nghiệm trong Tổ tư vấn; hằng tháng, tổ chức diễn đàn để các thành viên trao đổi kinh nghiệm, xác định những việc cần làm và cần tránh trong quá trình tư vấn; đề xuất những cách làm hay, mô hình hoạt động có hiệu quả để học hỏi lẫn nhau. Trong quá trình trao đổi, rút kinh nghiệm, nên có sự tham gia của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị để định hướng hoạt động, đề xuất những chủ trương, biện pháp thực hiện trong thời gian tiếp theo; đồng thời, tạo không khí thân tình, gần gũi giữa chỉ huy và thành viên của Tổ tư vấn để mọi người bộc bạch hết những khó khăn, kinh nghiệm trong quá trình hoạt động. Cấp ủy, Ban chỉ huy cấp trên phải có kế hoạch kiểm tra và chấn chỉnh kịp thời những Tổ tư vấn hoạt động không hiệu quả, tìm ra nguyên nhân và phương hướng khắc phục; duy trì nghiêm chế độ báo cáo kết quả và tình trạng hoạt động của Tổ tư vấn hằng tuần; kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động của các Tổ tư vấn với các tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân, tổ 3 người, chiến sĩ bảo vệ… để giúp người chỉ huy nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị được kịp thời, đầy đủ, tránh tình trạng ngồi chờ, thụ động.
Sáu là, tổng kết và khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình hoạt động tư vấn.
Trên cơ sở quy chế đã được xác định các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị làm tốt công tác tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động; lấy sự ổn định về mặt tư tưởng, sự tiến bộ trong chấp hành kỷ luật làm cơ sở để đánh giá hiệu quả của công tác tư vấn và là một tiêu chí bình xét khen thưởng đối với các thành viên. Cần biểu dương, khen thưởng đột xuất những thành viên của Tổ tư vấn có thành tích xuất sắc trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm kỷ luật, những diễn biến tư tưởng phức tạp trong cán bộ, chiến sĩ làm ảnh hưởng đến thành tích chung của đơn vị. Qua hoạt động thực tiễn, phát hiện những tấm gương điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trong hoạt động tư vấn, từ đó, kịp thời tuyên truyền, nhân rộng để mọi người học tập và noi theo. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với những thành viên trốn tránh nhiệm vụ, lợi dụng hoạt động tư vấn để kích động quân nhân phạm tội, hoặc cố tình che giấu, không báo cáo lên trên những vấn đề có tính chất, dấu hiệu vi phạm mà bản thân phát hiện trong quá trình tư vấn.
Trưởng bộ môn lý luận Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Trường QSQK7