Chúng tôi cũng đã gặp hình ảnh Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quần xắn cao, chân đi dép rọ như bao chiến sĩ, lội bùn vào từng nhà dân động viên, thăm hỏi và có hứa với nhân dân vùng lũ sẽ không để học sinh nào vì khó khăn mà không thể đến lớp. Thật ấm áp biết bao khi những chồng chất khó khăn suốt từ đầu năm tới cuối năm luôn được đồng bào cả nước, những người thầy biết cảm thông, sẻ chia.
Ấy vậy mà ngay trong khi việc khắc phục hậu quả bão, lũ, sạt lở đất còn đang bộn bề, thì nhiều người đã khá bất ngờ với thông tin đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Năm học 2021-2022 sẽ tăng học phí bậc đại học thêm 12,5%; học phí bậc mầm non, phổ thông tăng 7,5% so với năm học 2020-2021. Khi gọi điện thoại hỏi một số người dân chúng tôi từng phỏng vấn ở Thừa Thiên-Huế, ở Quảng Bình... những nơi chúng tôi vừa đến để đưa tin về tình hình bão, lũ, sạt lở đất, về khả năng học phí sẽ tăng trong năm học tới, hầu hết người dân có con đang đi học ở huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), người dân ở Phong Điền, ở Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế) đều giật mình ngỡ ngàng, họ nói chưa có thời gian đọc báo. Họ cho biết, nước đang rút, họ còn đang đánh vật với việc cải tạo ruộng đồng; còn đang mải đi kiếm cây, con giống phù hợp cho vụ mùa tiếp theo để khôi phục cuộc sống...
Nước lũ đã cuốn trôi và làm hư hỏng nhiều đồ dùng học tập của học sinh vùng lũ. Ảnh minh họa/qdnd.vn.
"Nói thật em cũng bắt đầu thấy lo lắng. Bố mẹ em chỉ là công nhân. Năm qua, dịch Covid-19 khiến công việc và thu nhập của bố mẹ giảm nhiều. Đơn hàng của công ty nơi bố mẹ em làm không xuất đi được. Chỉ sợ dịch bệnh còn phức tạp, học phí nếu tăng thì có lẽ em sẽ phải đi làm thêm nhiều hơn để chia sẻ gánh nặng với bố mẹ", N.A-sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ khi biết tin năm tới học phí có thể tăng tới hai con số. Chị Nguyễn Thị Vân, một tiểu thương buôn bán ở Hà Nội vừa cùng nhóm thiện nguyện các tiểu thương trở về từ vùng lũ Quảng Bình cách đây hơn 1 tuần đang rất vui vì số sách vở, đồ dùng học tập họ tặng đến đúng lúc học sinh rất cần. Hôm qua đọc báo, khi biết thông tin tới đây học phí sẽ tăng, chị Vân lo lắm, bởi chị biết những nơi chị vừa tới còn khó khăn biết nhường nào. "Nhà tôi ở thành phố, ít chịu ảnh hưởng của thiên tai nhưng dịch Covid-19 cũng khiến việc buôn bán khó khăn, học phí cho hai con đôi lúc cũng là gánh nặng đấy, nhưng tôi cố được. Chỉ thương các cháu ở vùng lũ lụt, khó khăn cứ thêm chồng chất", chị Vân nói.
Có thể thấy, dù nông thôn hay thành thị, dù là người buôn bán hay làm công ăn lương, ai cũng có khó khăn. Sự khó, sự khổ mỗi nơi, mỗi người mỗi khác. Năm 2020 có thể nói là một năm đặc biệt khó khăn với Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Dịch bệnh, bão lũ liên miên khiến nhiều doanh nghiệp, gia đình tổn thất nặng nề. Toàn xã hội đang gồng mình để từng bước khắc phục thiệt hại do dịch bệnh và bão lũ. Mỗi người dân dù rất cố gắng, nhưng ai cũng cần thời gian để trở lại bình thường như lúc chưa xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Chính phủ cũng vì khó khăn chung nên đã điều chỉnh kế hoạch tăng lương cho các đối tượng. Theo đó, năm 2021 sẽ không thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, không điều chỉnh chuẩn nghèo... Thu nhập của hàng triệu lao động vì thế sẽ "giậm chân tại chỗ". Nhưng cả chục triệu người lao động đều hiểu và sẵn lòng san sẻ khó khăn với Nhà nước, Chính phủ và các doanh nghiệp. Trong lúc khó khăn chồng chất, giảm bớt các khoản chi trong cuộc sống, tiền học phí cho con cái... vì thế đặc biệt có ý nghĩa với những gia đình bị mất việc, bị ảnh hưởng trực tiếp từ bão lũ hay dịch bệnh. Một miếng khi đói... lúc này chính là sự thấu cảm và chia sẻ.
Nhiều gia đình rất có trách nhiệm, họ bày tỏ thông cảm với đề xuất tăng học phí của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bởi tăng học phí trước hết là cách mỗi gia đình san sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước; họ hiểu đóng thêm tiền cũng là để tăng nguồn lực tái đầu tư cho trường lớp, thầy cô giáo có điều kiện tốt hơn... nhằm mục đích cuối cùng là nhận lại chất lượng giáo dục cao hơn. Nhiều người chia sẻ: Giá như năm nay đất nước mình không chịu tổn thất quá lớn từ thiên tai, dịch bệnh; giá mà vào thời điểm kinh tế đất nước và mỗi gia đình khấm khá hơn, việc đóng góp cũng sẽ nhẹ nhàng đi rất nhiều.
Nguồn: qdnd.vn