(QK7 Online) - Cuộc tìm kiếm máy bay trực thăng EC 130-T2, số hiệu 8632 mất tích vào sáng 18-10 đã kết thúc vào lúc 15h20 phút chiều 19-10. Một phép màu đã không thể xảy ra, cả 3 cán bộ, chiến sĩ của Trung tâm huấn luyện, Công ty bay trực thăng miền Nam đều hy sinh. Trong chiến dịch tìm kiếm, cứu nạn này, Bộ CHQS tỉnh BR-VT, đơn vị được Bộ Quốc phòng và Quân khu 7 giao nhiệm vụ huy động cán bộ, chiến sĩ tìm kiếm máy bay bị mất tích, đã thể hiện được tinh thần, trách nhiệm cao nhất, nhanh chóng tìm thấy máy bay và các nạn nhân bị nạn sau khoảng 30 giờ, trong điều kiện địa hình và thời tiết vô cùng phức tạp, hiểm trở.
Chạy đua với thời gian để tìm đồng đội
Vào lúc 8h30 phút ngày 18-10, Bộ CHQS tỉnh BR-VT nhận được thông báo của Trung tâm điều hành bay - Công ty bay trực thăng miền Nam về việc không liên lạc được với máy bay trực thăng EC 130, T2, số hiệu 8632, màu sơn trắng - đỏ bị mất liên lạc lúc 8h00 phút, tại khu vực rộng, giáp ranh các xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức; xã Châu Pha, huyện Tân Thành và xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu. Trên máy bay có 3 người gồm: Đại úy Dương Lê Minh, giảng viên bay; Trung úy Đặng Đình Duy và Trung úy Nguyễn Văn Tùng là học viên bay.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn.
Ngay lập tức, Bộ CHQS BR-VT đã chỉ đạo cho các địa phương trên địa bàn triển khai gần 400 bộ đội, dân quân, phối hợp với gần 80 chiến sĩ Bộ đội biên phòng tỉnh; cùng chính quyền thành phố Vũng Tàu, thành phố Bà Rịa, huyện Tân Thành, huyện Châu Đức và Công ty bay trực thăng miền Nam tổ chức tìm kiếm trên khu vực rộng lớn hàng chục km2 trong điều kiện: không nắm được sơ đồ bay, kế hoạch bay và địa hình đồi núi, mưa kéo dài.
Các lực lượng quân và dân vẫn tìm kiếm các nạn nhân trong điều kiện thời tiết xấu
Mặc dù vậy, các lực lượng của tỉnh đã kiên trì nắm bắt từng manh mối nhỏ, chia thành 4 mũi tìm kiếm máy bay bị nạn tại khu vực xã đảo Long Sơn - thành phố Vũng Tàu; Núi Dinh, giáp ranh phường Kim Dinh, thành phố Bà Rịa với xã Tân Hải, huyện Tân Thành, cách sân bay Vũng Tàu khoảng 25 km, cách TP.HCM 80 km. Chiều rộng khu vực tìm kiếm khoảng 7-8km2.
Công tác triển khai càng khẩn trương, quyết liệt sau khi Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam giao cho Bộ CHQS tỉnh là đơn vị chỉ huy và trực tiếp điều hành các lực lượng phối hợp. Qua nhiều nguồn tin thu thập được, khu vực tìm kiếm được thu hẹp hơn, tập trung vào các địa bàn xã Phước Hòa, Tân Hòa, Tóc Tiên của huyện Tân Thành.
Từ 17h đến 22h00 ngày 18-10, dưới sự chủ trì của Thượng tướng Võ Văn Tuấn, các lực lượng tham gia tìm kiếm đã họp tìm ra phương án cụ thể.
Thủ trưởng Bộ CHQS Bà Rịa - Vũng Tàu báo cáo thủ trưởng Bộ Quốc phòng công tác triển khai tìm kiếm
tại Sở chỉ huy tiền phương
Từ 5h sáng ngày 19-10, 400 cán bộ, chiến sĩ, dân quân của tỉnh được chia thành 4 mũi để tiếp cận hiện trường. Tham gia tìm kiếm còn có lực lượng kiểm lâm, những người dân thông thạo địa hình, trong đó có nhiều nữ chiến sĩ DQTV cũng xung phong đi tìm đồng đội. Lần đầu tiên, LLVT tỉnh bất ngờ được huy động với số lượng lớn để làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn trong khi chưa từng được đào tạo, huấn luyện kỹ năng. Việc phối hợp giữa các mũi tìm kiếm gặp nhiều trắc trở vì nhiều khu vực trên núi không có sóng điện thoại. Có thời điểm, cả 4 mũi tìm kiếm đều đến khu vực tọa độ xác định trực thăng bị nạn, nhưng do núi cao, sương mù dày đặc nên mắt thường không phát hiện được gì khả nghi.
Không khí căng thẳng không chỉ diễn ra ngoài hiện trường mà tại sở chỉ huy tiền phương đặt tại trụ sở UBND xã Châu Pha, huyện Tân Thành, với sự có mặt của Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh BRVT, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh QK7, Bộ CHQS tỉnh BR-VT và chỉ huy các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn khác cũng hết sức khẩn trương. Vào 10h sáng, lệnh điều máy bay trực thăng, máy bay không người lái tìm kiếm máy bay bị nạn, hỗ trợ cho lực lượng trên núi được ban hành.
Đến khoảng 11h trưa, trực thăng tìm kiếm của công ty bay miền Nam đã phát tín hiệu xác định chính xác nơi máy bay bị nạn, tại điểm cao 525, thuộc địa bàn xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành - chỉ cách vị trí đứng chân của mũi tìm kiếm thứ nhất 40m, mũi tìm kiếm thứ ba 200m. Người dân địa phương gọi đây là bãi Ma Chầu, cách chùa Kim Liên, xã Phước Hòa, huyện Tân Thành hơn hai giờ đi bộ. 10 phút sau, mũi tìm kiếm thứ nhất đã có mặt tại địa điểm máy bay rơi. 30 phút sau, ba mũi khác cũng có mặt để hỗ trợ mũi thứ nhất tìm thi thể nạn nhân và khám nghiệm sơ bộ hiện trường.
Như vỡ òa cảm xúc khi tìm thấy nơi các anh ngã xuống cùng chiếc trực thăng mang số hiệu VN 8632. Trời cũng bắt đầu kéo mây mù rồi mưa như trút. Sườn đồi trơn trượt, mọi người liên tục phải thay nhau tiếp tay nâng đỡ thi thể các anh dưới cơn mưa rừng tầm tã.
Đến 13h30 phút, khi mọi việc đã hoàn tất, mọi người bắt đầu xuống núi thì trời lại đổ mưa lớn khiến cho việc di chuyển thi thể ba cán bộ, chiến sĩ càng khó khăn gấp bội. Nhưng để hạn chế sự trông chờ, giảm bớt nỗi đau cho thân nhân những người bị nạn và không để thi thể đồng đội bị đau thêm một lần nữa, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã thay phiên nhau khiêng thi thể các anh di chuyển liên tục, an toàn suốt 4km đồi núi, vách đá về đến khuôn viên chùa Kim Liên, xã Phước Hòa, huyện Tân Thành vào lúc 15h15 phút.
Tại hiện trường máy bay rơi
Đến 15h20 phút, thi thể của ba cán bộ, chiến sĩ đã được Bộ CHQS tỉnh BR-VT bàn giao cho Bệnh viện Quân y 175, Bộ Quốc phòng đưa về TP.HCM. Bộ CHQS tỉnh tiếp tục được giao nhiệm vụ bảo vệ hiện trường máy bay rơi để phục vụ công tác điều tra. Hộp đen của chiếc trực thăng EC-130 đã được bàn giao cơ quan có thẩm quyền phụ vụ điều tra.
“Trong thâm tâm mỗi cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm đều hiểu rằng một phút đồng hồ trôi qua là vô cùng quý giá, là có thể ảnh hưởng đến tính mạng của đồng đội mình, là sự ngóng trông của những người mẹ, người vợ, và ai cũng mong có một phép màu..., dù có phải chịu đựng nhiều khó khăn, vất vả đến đâu các anh cũng chịu đựng để mong tìm được đồng đội nhanh nhất”. |
Mệnh lệnh từ trái tim
Trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch tìm kiếm, nhiều sĩ quan chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị LLVT tỉnh đã không có thời gian nghỉ ngơi. Có chăng, các anh chỉ được nghỉ vài phút để họp bàn, xác định phương hướng, tọa độ và ăn vội cục lương khô rồi lại tiếp tục tìm kiếm. Trong số đó phải kể đến cán bộ chiến sĩ của Đại đội Trinh sát, Đại đội công binh 46 - Phòng Tham mưu, lực lượng dân quân phường Kim Dinh, Tân Hưng - TP Bà Rịa; cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Tân Thành và lực lượng dân quân các xã Tân Hải, Tóc Tiên, Châu Pha - huyện Tân Thành…
Cán bộ, chiến sĩ các LLVT và nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tích cực cứu hộ, cứu nạn
bằng tình cảm và trách nhiệm cao nhất
Khi được hỏi, nhiều cán bộ chiến sĩ LLVT tỉnh tham gia tìm kiếm đã khẳng định với chúng tôi rằng, việc tìm kiếm các đồng đội đang bị nạn trên núi cao là một nhiệm vụ quan trọng nhất trong lúc này. Hơn ai hết, trong thâm tâm mỗi cán bộ, chiến sĩ đều hiểu rằng một phút đồng hồ trôi qua là vô cùng quý giá, là có thể ảnh hưởng đến tính mạng của đồng đội mình, là sự ngóng trông của những người mẹ, người vợ, bởi ai cũng mong có một phép màu... Chính vì vậy, cho dù có phải chịu đựng nhiều khó khăn, vất vả đến đâu các anh cũng chịu đựng để mong tìm được đồng đội nhanh nhất.
Đại tá Phạm Phú Ý - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh BR-VT, Chỉ huy trưởng đợt tìm kiếm cứu nạn cho biết: khi nhận nhiệm vụ lên đường tham gia tìm kiếm các quân nhân trên chiếc máy bay bị mất tích, cán bộ chiến sĩ LLVT tỉnh đã nhanh chóng triển khai một cách nhanh nhất. Trong suốt thời gian tham gia tìm kiếm cứu nạn, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã thường xuyên theo sát để chỉ đạo, động viên cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia. “Chúng tôi xác định nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn lúc này phải khẩn trương, nhanh nhất, hiệu quả nhất và tuyệt đối an toàn, đây là mệnh lệnh từ trái tim mỗi người lính. Nhờ làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nên cán bộ, chiến sĩ đã vượt qua được những khó khăn trước mắt để hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Đại tá Phạm Phú Ý nhấn mạnh.
Đoàn Sơn
“Chúng tôi xác định nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn lúc này phải khẩn trương, nhanh nhất, hiệu quả nhất và tuyệt đối an toàn, đây là mệnh lệnh từ trái tim mỗi người lính. Nhờ làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nên cán bộ, chiến sĩ đã vượt qua được những khó khăn trước mắt để hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Đại tá Phạm Phú Ý – Chỉ huy trưởng, Bộ CHQS tỉnh BR-VT
|