(QK7 Online) - Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã tổ chức thành công Hội thảo kinh tế - MB Economic Insights 2018 với chủ đề “Trật tự thế giới chuyển dịch - Sự phổ biến của bình thường hóa lãi suất”. Đây là hội thảo kinh tế thường niên được MB tổ chức với mong muốn trao đổi góc nhìn, nhận định về triển vọng kinh tế thế giới và trong nước; đồng thời khuyến nghị các giải pháp tài chính cho doanh nghiệp trong năm 2019.
Ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc MB phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc MB cho biết Hội thảo năm nay được tổ chức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có những chuyển dịch mạnh mẽ trên nhiều phương diện từ các dòng hàng hóa thương mại, dòng vốn đầu tư đến chính sách tiền tệ; đặc biệt là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang. Thực tế này đòi hỏi kinh tế Việt Nam phải nhanh nhạy, sắc bén cũng như có sự linh hoạt, phù hợp với tình hình. “Với thế mạnh vượt trội trong Top các ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu, MB luôn đồng hành, chia sẻ với khách hàng; giữ vững mục tiêu trở thành ngân hàng thuận tiện nhất và top 5 hệ thống Ngân hàng Việt Nam về hiệu quả kinh doanh và an toàn đến năm 2021. MB mong muốn những hội thảo kinh tế tài chính chuyên sâu hay các sản phẩm ngân hàng số với hàm lượng ứng dụng công nghệ cao, tiềm năng trong tương lai sẽ là kim chỉ nam, những giá trị gia tăng, đóng góp hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thương mại của doanh nghiệp tại Việt Nam”, ông Thái nhấn mạnh.
Chủ đề Hội thảo năm nay: “Trật tự thế giới chuyển dịch - Sự phổ biến của bình thường hóa lãi suất” được đánh giá là mang tính thời sự nổi bật và nhận được nhiều sự quan tâm của gần 300 khách hàng doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam.
Quang cảnh Hội thảo kinh tế “MB economic Insights 2018”
Mở đầu Hội thảo là phần trình bày về “Triển vọng kinh tế toàn cầu 2019 - Cục diện thương mại thay đổi tạo ra nhiều thách thức” của ông Sebastian Eckardt - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới. Trong phần trình bày, ông Sebastian Eckardt dự báo kinh tế Việt Nam 2019 tăng trưởng ở mức 6,6% với CPI ở quanh mức 4% trên cơ sở nhận định nhu cầu toàn cầu tăng và hưởng lợi từ sự tăng tốc của việc tái cấu trúc nền kinh tế. Tuy nhiên, sự căng thẳng thương mại leo thang, sự suy giảm nhu cầu bên ngoài cũng như các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn và sự chậm lại của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng có thể là những rủi ro bất lợi cho năm tới. Tiếp sau đó là phần chia sẻ về kinh tế vĩ mô Việt Nam với các vấn đề tăng trưởng, lạm phát, lãi suất, tỷ giá và chiến tranh thương mại của ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc phát triển, Đại học Fulbright Việt Nam, Cán bộ nghiên cứu cao cấp Đại học Harvard Kennedy. Bện cạnh đó, MB cũng đưa ra góc nhìn riêng về thị trường tài chính năm 2019, đồng thời khuyến nghị những giải pháp, sản phẩm tài chính ngân hàng phù hợp với diễn biến thực tế.
Sau phần trình bày của các diễn giả, chuyên gia kinh tế, Hội thảo còn tổ chức phần thảo luận, trả lời câu hỏi thông qua hệ thống đặt câu hỏi trực tuyến; tạo ra kênh thông tin đa chiều, giúp giải đáp các thắc mắc đến từ các vị đại biểu, các khách mời.
“MB Economic Insights” đã trở thành diễn đàn chuyên môn về kinh tế mang tầm đẳng cấp quốc tế, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tại Việt Nam nâng cao năng lực quản trị kinh doanh và tài chính trong bối cảnh trật tự thế giới chuyển dịch và cục diện thương mại thay đổi sâu sắc trên quy mô toàn cầu. Sau 4 năm triển khai, Hội thảo đã trở thành sự kiện đặc biệt của MB được các khách hàng doanh nghiệp đánh giá cao bởi tại đây các doanh nghiệp được lắng nghe những chia sẻ, quan điểm của các chuyên gia kinh tế danh tiếng hàng đầu quốc tế và Việt Nam cũng như nhận được những khuyến nghị thị trường, sản phẩm tài chính sâu sát nhất của đội ngũ chuyên gia MB.
MB là ngân hàng thương mại cổ phần top đầu trong việc cung ứng các Sản phẩm ngoại hối (giao ngay, kỳ hạn, hoán đổi, đa ngoại tệ); Sản phẩm phái sinh tiền tệ (hoán đổi tiền tệ chéo, hoán đổi lãi suất, AIRS); Sản phẩm giao dịch phái sinh giá cả hàng hóa (mặt hàng cà phê, đường, cotton; dầu thô; kim loại màu; cao su, LPG,…).
P.V