LLVT tỉnh huấn luyện vượt sông.
Thành tựu mà Bình Phước đạt được trong những năm qua là kết quả minh chứng cho sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, Nhân dân, lực lượng vũ trang (LLVT) và các dân tộc trong tỉnh; sự đoàn kết của đội ngũ cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân. Trong đó, LLVT tỉnh xứng đáng là nòng cốt trong sự nghiệp củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra, góp phần đưa Bình Phước trở thành tỉnh năng động, phát triển trên tất cả lĩnh vực, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 xin trao đổi với các cấp ủy Đảng, chính quyền và LLVT tỉnh Bình Phước một số giải pháp sau:
Một là, đánh giá, dự báo đúng tình hình, nhất là những động thái liên quan, tác động trực tiếp đến quốc phòng - an ninh trên địa bàn, bảo đảm chủ động trong mọi tình huống.
Quốc phòng - an ninh là một lĩnh vực đặc thù, nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, để hoàn thành nhiệm vụ đó, yêu cầu trước hết là phải thường xuyên nắm chắc, đánh giá, dự báo đúng tình hình mọi mặt, nhất là những yếu tố tác động trực tiếp đến quốc phòng - an ninh. Bình Phước là tỉnh tiếp giáp với các vùng tiềm ẩn nhiều yếu tố chính trị nhạy cảm như Campuchia, Tây Nguyên… Vì thế, cần phải có sự phối hợp thường xuyên chặt chẽ của các lực lượng, ban, ngành liên quan, nhất là giữa quân sự, an ninh, đối ngoại, để chủ động tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương có đối sách giải quyết tốt mọi tình huống và các vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong quan hệ quốc tế liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ của đất nước. Chủ động ngăn chặn, triệt tiêu những yếu tố có thể gây đột biến, tác động xấu đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, làm nòng cốt để phát huy tiềm lực chính trị, tinh thần.
“Thế trận lòng dân” là nền tảng của nền quốc phòng toàn dân. Để xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong khu vực phòng thủ của tỉnh, nội dung này cần được chú trọng và phát huy, phát triển lên tầm cao mới. Với đặc điểm là tỉnh đa dạng về thành phần dân cư, tôn giáo, vấn đề xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc của Bình Phước đòi hỏi phải tập trung giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của toàn dân đối với nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân vững mạnh. Xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp trên địa bàn, tạo niềm tin vững chắc của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp xã, phường. Tăng cường các hoạt động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, phòng, chống và làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Ba là, phát huy hiệu quả tiềm lực kinh tế kết hợp xây dựng tiềm lực, thế trận quân sự, quốc phòng vững chắc.
Sau khi tái lập, quy hoạch các đơn vị hành chính của tỉnh Bình Phước có sự thay đổi, điều chỉnh. Điều đó tạo thuận lợi để phát huy tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, các ban, ngành cần quan tâm tới xây dựng tiềm lực, thế trận quân sự, quốc phòng vững chắc, vừa bảo đảm phát triển kinh tế nhanh, bền vững vừa luôn ở thế chủ động về quốc phòng, an ninh. Phát triển kinh tế phải bám sát chỉ tiêu trong xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng cơ sở hạ tầng để sẵn sàng huy động cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh; dự kiến các tình huống có thể xảy ra cả trong thời bình và thời chiến. Trong phát triển mạng lưới giao thông cần chú ý kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm lưu thông hàng hóa và kết nối các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, khu vực phòng thủ then chốt, nhất là các huyện biên giới Bù Gia Mập, Bù Đốp và Lộc Ninh.
Bốn là, xây dựng LLVT vững mạnh, thực sự làm nòng cốt về tiềm lực quân sự, an ninh trong khu vực phòng thủ.
Trong năm 2022 - năm triển khai kế hoạch điều chỉnh lực lượng theo quyết định của Bộ Quốc phòng với nhiều yếu tố mới tác động đến xây dựng LLVT Nhân dân, đòi hỏi có sự điều chỉnh về tổ chức, bố trí lực lượng, phương tiện, hình thành thế trận vững chắc trong khu vực phòng thủ. LLVT tỉnh cần làm tốt hơn nữa vai trò tham mưu xây dựng lực lượng, điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng “tinh, gọn, mạnh”. Cùng với đó, LLVT trên địa bàn phải có bước phối hợp mới, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, hình thành thế trận khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc. Công tác giáo dục, đào tạo, huấn luyện các lực lượng cần phải toàn diện, thiết thực, hiệu quả, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.
Đối với lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng quan trọng, trực tiếp bảo vệ cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, tính mạng, tài sản của nhân dân ở địa phương, cơ sở; làm nòng cốt cùng toàn dân thực hiện các nhiệm vụ trong khu vực phòng thủ và đánh giặc khi chiến tranh xảy ra, phải hết sức quan tâm xây dựng vững mạnh về mọi mặt, trong đó chú trọng vững mạnh về chính trị và tổ chức. Mở rộng, nâng cao chất lượng hiệu quả đề án, mô hình chốt dân quân biên giới; điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới; lực lượng chính trị nòng cốt trong cộng đồng tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Năm là, phát huy hiệu quả tiềm lực đối ngoại quốc phòng góp phần bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”.
Là tỉnh biên giới, do vậy, hoạt động đối ngoại của Bình Phước nói chung và đối ngoại quốc phòng của LLVT tỉnh nói riêng rất đa dạng, nhiều yếu tố tác động. Đó vừa là điều kiện thuận lợi để nâng cao hiệu quả tiềm lực đối ngoại trong xây dựng khu vực phòng thủ, đồng thời đòi hỏi có những nội dung, biện pháp hiệu quả để phát huy hiệu lực và giữ vững tính ổn định, bền vững. Phát huy tiềm lực đối ngoại của tỉnh Bình Phước, trước hết cần quan tâm công tác giáo dục, định hướng các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, các đơn vị kinh tế liên doanh với nước ngoài cần nắm chắc luật quốc tế; quan điểm của Đảng, Nhà nước về quan hệ quốc tế, nhất là lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Triển khai đồng bộ, toàn diện nội dung, hình thức đa dạng, phương pháp khéo léo trên cơ sở tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, vì mục đích hòa bình, ổn định và phát triển. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách về đối ngoại có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, chuyên môn nghiệp vụ giỏi; ứng xử khôn khéo, linh hoạt trên thực địa, trong trao đổi đoàn, hội thảo khoa học, hợp tác trên các lĩnh vực... Xử trí tình huống thận trọng, linh hoạt, trong khuôn khổ phạm vi cho phép của từng cấp, không để bị lợi dụng, làm ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế và an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.