tặng hoa chúc mừng các tân binh TP.HCM. Ảnh: Ngọc Tuân.
Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng gây hấn tiến công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Sáng ngày 23/9/1945, tại đường Cây Mai (Chợ Lớn), Xứ ủy Nam Bộ họp khẩn cấp, quyết định phát động kháng chiến và thành lập Ủy ban kháng chiến Nam Bộ để điều hành cuộc kháng chiến. Quân dân Sài Gòn sôi sục bước vào cuộc kháng chiến. Mặc dù đại đa số chưa trải qua huấn luyện, thiếu kinh nghiệm tác chiến nhưng với tinh thần “thà chết chớ lui”, lực lượng tự vệ và các đơn vị bộ đội tập trung đã anh dũng chiến đấu, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại. Quân Pháp bị vây chặt trong trung tâm thành phố không điện, không nước, không chợ búa.
Đầu tháng 10/1945, quân Pháp mở rộng phạm vi chiến sự ra các khu vực xa trung tâm thành phố Sài Gòn. Lực lượng kháng chiến của ta lùi dần ra vùng ngoại ô, hình thành bốn mặt trận bao vây xung quanh thành phố. Các đơn vị vũ trang ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ và bộ đội Nam tiến cùng trụ bám chiến đấu tại các mặt trận này. Trên các chiến tuyến, các đơn vị vũ trang xây dựng công sự, chiến đấu ngăn chặn quân địch tiến công ra các hướng. Đêm đến, ta tổ chức những toán nhỏ lẻ, bí mật luồn sâu vào nội đô đánh tập kích hoặc phá hoại công sở, nhà máy, kho tàng của địch. Trong nội đô, lực lượng tự vệ chiến đấu được Nhân dân giúp đỡ tiến hành các hoạt động quấy rối địch, phục kích tiêu hao quân Pháp, trừng trị Việt gian.
Ngày 23/10/1945, có thêm viện binh, lại được quân Anh và Nhật hỗ trợ, quân Pháp bắt đầu tổ chức các cuộc tiến công chọc thủng vòng vây xung quanh Sài Gòn, lần lượt đánh chiếm các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Trên các đường tiến quân của quân Pháp, lực lượng vũ trang các địa phương lập các tuyến chướng ngại vật, liên tục chiến đấu ngăn chặn. Các đơn vị bộ đội ở Biên Hòa, Thủ Dầu Một đốn ngã cây trên các đoạn đường hiểm yếu, phục kích diệt nhiều địch. Bộ đội Chợ Lớn, Tân An phục kích chặn đánh tàu địch trên Rừng Sác, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ. Bộ đội Gia Định, Tây Ninh đào phá nhiều đoạn trên Quốc lộ 1 làm chậm tốc độ hành quân của địch.
Trước hành động xâm lược của giặc Pháp, chỉ trong một thời gian ngắn, LLVT cách mạng đã phát triển hết sức nhanh chóng. Tuy nhiên, do thành phần hợp thành khá phức tạp, hầu hết chưa có kinh nghiệm chiến đấu và thiếu trang bị. Từng đơn vị hoạt động chiến đấu độc lập, thiếu chỉ huy chung, thậm chí một số đơn vị nằm ngoài sự lãnh đạo, quản lý của tổ chức Đảng và chính quyền cách mạng địa phương. Tình hình đặt ra cần thống nhất, xây dựng LLVT cách mạng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của cuộc kháng chiến.
Trước đó, sau Hội nghị của Thường vụ Trung ương Đảng thông qua chủ trương kháng chiến Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ gửi lệnh và thư động viên quân dân Nam Bộ kháng chiến; đồng thời, cử đồng chí Nguyễn Bình - nguyên Tư lệnh Chiến khu Đông Triều, một cán bộ đầy bản lĩnh, có nhiều kinh nghiệm xây dựng lực lượng và căn cứ địa làm phái viên quân sự cho Chính phủ vào Nam Bộ với nhiệm vụ tổ chức thống nhất chỉ huy lực lượng vũ trang cách mạng.
Ngày 20/11/1945, đồng chí Nguyễn Bình chủ trì Hội nghị Quân sự Nam Bộ lần thứ nhất tại An Phú xã, Gia Định. Hội nghị đề ra các nội dung như: Thống nhất các LLVT Nam Bộ, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; thống nhất xây dựng lực lượng chủ lực làm nòng cốt; đồng thời phát động chiến tranh du kích ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, kìm chân thực dân Pháp ở Nam Bộ, tạo khoảng thời gian 1 năm chuẩn bị cho cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Bình được cử làm Tổng Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ. Cơ quan chỉ huy Giải phóng quân Nam Bộ đóng tại Tân Uyên (Chiến khu Đ), gọi là Tổng hành dinh. Như vậy, Hội nghị An Phú xã đánh dấu sự hình thành bước đầu thống nhất về tổ chức chỉ huy các LLVT cách mạng ở Nam Bộ.
Cuối tháng 11/1945, tình hình Nam Bộ diễn biến phức tạp, thực dân Pháp đã khai thông một số tuyến giao thông quan trọng. Chiến tranh lan ra khắp các tỉnh cực Nam Trung bộ. Trước tình thế hiểm nghèo, ngày 25/11/1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”. Thực hiện chỉ thị, ngày 10/12/1945, tại Bình Hòa Nam (Chợ Lớn), Xứ ủy lâm thời Nam Bộ họp hội nghị mở rộng, quyết định tổ chức chiến trường Nam Bộ thành 3 khu 7, 8, 9; xây dựng các chiến khu Lạc An, Đồng Tháp, U Minh. Đồng chí Nguyễn Bình được chỉ định làm Khu trưởng Khu 7.
Sau Hội nghị Bình Hòa Nam, hệ thống tổ chức quân sự Khu 7 tiếp tục được xây dựng, thống nhất trên toàn địa bàn. Cùng với công tác củng cố, phát triển lực lượng tự vệ, du kích địa phương, Khu 7 lần lượt xây dựng các chi đội Vệ quốc đoàn (tương đương cấp trung đoàn). Đến giữa năm 1946, trên chiến trường miền Đông Nam bộ có 16 chi đội và 1 tiểu đoàn. Ngoài ra còn có đơn vị bộ đội lưu động của Hoàng Thọ, Chi đội 5 của Phạm Hữu Đức và Chi đội 8 của Cao Đài. Có thể nói, việc hình thành các chi đội Vệ quốc đoàn ở miền Đông Nam bộ đánh dấu bước phát triển quan trọng trên bước đường xây dựng LLVT cách mạng; đánh dấu sự thống nhất về tổ chức biên chế, chỉ huy và hoạt động xây dựng, chiến đấu của các đơn vị vũ trang tập trung, tạo điều kiện để tiến hành những trận đánh lớn sau đó.
Vừa xây dựng, kiện toàn tổ chức, tăng cường trang bị vũ khí, các LLVT miền Đông Nam Bộ vừa tranh thủ huấn luyện, tổ chức chiến đấu chống càn quét và chủ động phục kích, tiến công quân địch. Hàng loạt trận đánh diễn ra, Tiêu biểu nhất là trận chống càn ở Trung Hưng - Ràng (Gia Định) ngày 17/12/1946 của Chi đội 6 Gia Định với sự phối hợp của Chi đội 11 Tây Ninh. Toàn bộ lực lượng bán lữ đoàn lê dương số 13 Pháp đóng ở Thành Quan Năm và lực lượng quân ngụy ở các bót Mây Sắc, Cầu Trắng đã càn vào hai xã Trung Lập và An Nhơn Tây. Sau 1 ngày chiến đấu, ta đã diệt gần 300 tên địch, đốt cháy 14 xe cơ giới, thu 2 đại liên, 6 trung liên và gần 300 súng trường các loại.
Các hoạt động tác chiến không chỉ có tác dụng ngăn chặn quá trình mở rộng phạm vi tái chiếm của thực dân Pháp mà còn có ý nghĩa rèn luyện, nâng cao trình độ quản lý chỉ huy của cán bộ, trình độ kỹ chiến thuật của chiến sĩ và bổ sung trang bị, vũ khí cho LLVT miền Đông Nam Bộ trong thời kỳ đầu thành lập. Hoạt động chiến đấu bao vây quân địch trong thành phố Sài Gòn và ngăn chặn làm chậm quá trình mở rộng đánh chiếm ra các tỉnh miền Đông Nam Bộ của chúng là phác thảo đầu tiên của bức tranh toàn dân kháng chiến với nội dung và hình thức vô cùng sinh động, phong phú.
Lịch sử hào hùng của những ngày Nam Bộ kháng chiến mãi mãi là nguồn cổ vũ lớn lao, là động lực mạnh mẽ thúc đẩy LLVT Quân khu 7 tiếp tục phát huy truyền thống “Trung thành vô hạn - Chủ động sáng tạo - Tự lực tự cường - Đoàn kết quyết thắng”, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, góp phần xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong nền quốc phòng toàn dân, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng