Lá diêu bông
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ
Chị bảo
Đứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng
Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày
Đâu phải lá diêu bông
Mùa đông sau em tìm thấy Lá
Chị lắc đầu trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt chị không nhìn
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời...
...ới diêu bông...!
Hoàng Cầm
|
(QK7 Online) - Nhắc tới Kinh Bắc, người ta không thể không nhắc đến những câu hát quan họ ngọt ngào say đắm lòng người. Kinh Bắc còn là nơi sinh ra nhà thơ Hoàng Cầm cùng những tác phẩm làm nên tên tuổi ông như: Bên kia sông Đuống, Mưa Thuận Thành, Vườn ổi, Về Kinh Bắc... đặc biệt là bài thơ Lá Diêu Bông. Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt (1922- 2010), quê gốc ở xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Cho đến nay nhiều người vẫn phải công nhận ông là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của thơ ca thời kì kháng chiến chống Pháp.
Hoàng Cầm vốn dĩ là người đa tình, trái tim đầy xúc cảm ấy đã làm nên một nhà thơ tài hoa với những vần thơ tài hoa. Thơ ca viết về tình yêu có rất nhiều cung bậc, sắc thái, Hoàng Cầm đã góp vào vườn thơ ấy một câu chuyện cổ tích về tình yêu. Câu chuyện tình trớ trêu, đơn phương đầy lãng mạn, đầy mộng mị, bài thơ mang dáng dấp của một câu chuyện kể, lời kể rất tự nhiên như những lời tâm tình thủ thỉ cứ thế mà thấm vào tâm hồn người đọc.
Chất Kinh Bắc hiện ra qua hình ảnh: “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” của liền chị “thẩn thơ” trên “đồng chiều”. Để rồi từ đó hình bóng người chị cùng mối tình ngây thơ câm lặng đượm buồn ám ảnh mãi trong kí ức của nhà thơ. Chỉ từ một lời nói vu vơ của chị: “Đứa nào tìm được lá diêu bông? Từ nay ta sẽ gọi là chồng” mà đứa em miệt mài tìm lá. Hai ngày sau rồi đến mùa đông sau, chiếc lá cậu bé tìm thấy người chị vẫn chau mày, lắc đầu. Rồi “đến ngày cưới chị”, đáp lại chiếc lá ấy là nụ “cười xe chỉấm trôn kim”. Khi “Chị ba con/ em tìm thấy lá” thì chị “xòe tay phủ mặt không nhìn”. Nào ai biết cái lá Diêu Bông nó là lá gì? Phải chăng lá Diêu Bông chính là tượng trưng cho một tình yêu chân thành mà chị và em hằng khao khát. Suốt một đời tìm lá, nhưng chẳng có chiếc lá nào là lá Diêu Bông mà chỉ có một sự thực nghiệt ngã thi nhân phải đối diện là sự thất vọng, sự cô đơn, sự khát khao cháy bỏng và rất đỗi mơ hồ mộng ảo theo suốt cả cuộc đời. Dù thời gian có trôi qua nhưng tình yêu ấy vẫn không hề thay đổi trong lòng nhưng giữa khát vọng và cuộc đời là một khoảng cách quá xa xôi để mối tình ấy có thể đơm hoa kết trái. Chiếc lá như kỉ niệm buồn, như vật hứa thề trĩu nặng theo bước chân thi sĩ và luôn vang lên tha thiết trong suốt cả bài thơ. Cái mối tình ngây thơ đầu đời ấy tưởng chừng có thể dễ dàng được lãng quên nhưng hóa ra không phải thế. Câu kết của bài thơ ngân lên da diết như một tiếng kêu thương làm rung động trái tim người đọc. Chẳng phải trong cuộc đời này vẫn còn nhiều lắm những mối tình vô vọng như thế. Và chính vì vô vọng nên nó càng đẹp hơn trong trái tim mỗi người để khi những thời khắc nào đó chợt nhớ về mối tình ấy người ta lại thấy lòng bâng khuâng, tiếc nuối. Đó chính là những dư vị, âm ba góp phần tô đẹp cho cảm xúc muôn màu, làm giàu cho tâm hồn con người.
Thành công của bài thơ không chỉ ở nội dung mà còn ở nghệ thuật đặc sắc trong kết cấu và sử dụng ngôn từ. Kết cấu của bài thơ khá lạ, thi nhân đã khéo léo sắp đặt ngôn ngữ khuôn hình chiếc lá. Ngôn từ thơ giản dị, mộc mạc nhưng cũng tràn đầy cả âm và nghĩa, giàu tính nhạc. Chính vì thế sau này các nhạc sĩ Phạm Duy, Trần Tiến đã chắp cánh âm nhạc cho bài thơ. Giúp bài thơ đến gần hơn với công chúng và quả thật bài thơ đã đi sâu bám rễ vào lòng người đọc hôm nay và cả mai sau.
Dương Anh