trao đổi với phóng viên Báo Quân khu 7-Ảnh: Long Hồ
Biệt động Sài Gòn ra đời trong cao trào tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945. Thời điểm này, bác Nguyễn Văn Thiệu ở trong đội thanh niên tiền phong khi vừa tròn 15 tuổi. Biệt động Sài Gòn từ những đơn vị võ trang quần chúng và hình thành các Ban “Công tác thành”, “Tự vệ thành”, “Quyết tử quân Sài Gòn – Chợ Lớn”... dưới sự lãnh đạo của Đảng, được nhân dân đùm bọc, nuôi dưỡng. Lúc đầu, với những phân đội nhỏ từ 2 – 3 người, vừa tác chiến vừa xây dựng lực lượng và thế trận, tấn công vào đầu não giặc Pháp. Sau đó thành lập các đơn vị tự lập như đội “Cảm tử”, “Ám sát”, “Vô hình”... Sau ngày 23-9-1945 thống nhất đặt tên “Giải phóng quân”, sau đổi thành “Ban công tác thành Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định”. Đến năm 1949 - 1950 đổi thành tên “Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn”. Các Ban “Công tác thành”, “Tự vệ thành”, “Đặc công – biệt động Sài Gòn – Chợ Lớn” ra đời trong giai đoạn cầm cự chuẩn bị chuyển sang giai đoạn tổng phản công. Là đội quân của nhân dân, các chiến sĩ “Tự vệ thành”, “Công tác thành”, “Đặc công – biệt động Sài Gòn” đã sống, chiến đấu hòa vào nhân dân với hình thức chiến đấu tại chỗ, hậu cần tại chỗ, cung cấp vũ khí tại chỗ. Sau một thời gian, lực lượng đặc công – biệt động Sài Gòn – Chợ Lớn đã ra sức bố trí lại chiến trường, khẩn trương nâng cao trình độ tác chiến, đồng thời xây dựng lực lượng tinh nhuệ, liên tục tiến công địch lập nhiều chiến công, góp phần cùng cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Lực lượng biệt động Sài Gòn – Gia Định trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ (7/1954 – 4/1975)
Đây là giai đoạn bước đầu khôi phục và phát triển lực lượng võ trang nội đô dưới tên gọi thống nhất biệt động. Lúc này, Bác Nguyễn Văn Thiệu sau thời gian được học tập một số khóa về quân sự, từng làm giáo viên quân sự ở Hòa Bình được rút về Hà Nội. Sau khi thành lập các ban quân sự các tỉnh ở miền Nam, bác Nguyễn Văn Thiệu thuộc “Quân khu Sài Gòn – Gia Định”. Bác là trợ lý tác huấn, xây dựng tổ chức lực lượng biệt động Sài Gòn – Gia Định. Sau một năm hình thành 4 đội biệt động, sáp nhập thành 3 đội gồm trên 100 người. Năm 1962 đội biệt động Sài Gòn – Gia Định bắt đầu hoạt động với phương châm “xây dựng lực lượng tới đâu, đánh tới đó” gắn với các nhiệm vụ như làm giao liên, trinh sát, vận chuyển vũ khí... Bác Nguyễn Văn Thiệu nhớ lại, trong các trận đánh, trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất là trận đánh cao nhất. Đây là trận đánh tập trung tương đối lớn kết hợp đặc công, pháo binh và biệt động. Các trận đánh chiến dịch mùa khô năm 1967, trận đánh Tết Mậu Thân năm 1968 là những giây phút khó quên trong tâm trí bác. Những trận đánh đó đã đưa hết toàn bộ lực lượng tham gia. Lực lượng biệt động tiếp tục giáng cho địch những đòn lớn, góp phần làm nên Mậu Thân lịch sử, phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ (6/1965 – 8/1968).
Vượt qua giai đoạn khó khăn ác liệt góp phần đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, lực lượng biệt động Sài Gòn đã thực hiện hàng loạt trận đánh vang dội giữa lòng thành phố Sài Gòn – Gia Định, sào huyệt của quân xâm lược với những vũ khí thô sơ đến hàng tạ chất nổ... phá hủy kho tàng xăng dầu, đánh chìm chiến hạm 16.500 tấn của địch. Phá hủy hàng trăm phi cơ các loại, loại khỏi vòng chiến đấu hàng vạn sinh lực địch... góp phần đánh bại, bẻ gãy các thủ đoạn, chiến lược của địch, cùng quân chủ lực và nhân dân giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Kỳ 2: Khắc họa những sự kiện tiêu biểu, cách đánh độc đáo