Trong một bài viết với tiêu đề “Ambitious and smart, youths in Ho Chi Minh are building Asia’s Silicon Valley” (Tạm dịch: Hoài bão và thông minh, giới trẻ ở TP Hồ Chí Minh đang xây dựng Thung lũng Silicon của châu Á) đăng trên tờ Channel News Asia, hai tác giả Stephanie Jones và Rafael Masters khẳng định, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ dân số trẻ với tinh thần cầu tiến và có đầu óc kinh doanh. Báo Quân đội nhân dân xin giới thiệu nội dung chính bài viết.
“Đại bản doanh” của các start-up Việt Nam
Trong vài năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh, trung bình đạt 6,15%/năm kể từ năm 2000. Quá trình đô thị hóa cùng với sự gia tăng tầng lớp trung lưu chính là động lực cho tăng trưởng kinh tế và mang lại những cơ hội đầu tư kinh doanh mới. 50% dân số Việt Nam sử dụng internet và hơn 1/3 dân số sử dụng điện thoại thông minh. Cùng với đó, Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư mới và nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước cũng tăng lên nhanh chóng ngay cả khi phải cạnh tranh với Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) và các “ngôi sao” khu vực khác. Đặc biệt, ngành công nghiệp phần mềm hiện đang hướng tới mục tiêu trở thành Thung lũng Silicon của châu Á, nhất là dự án mang tên Thành phố Silicon trị giá 1,5 tỷ USD ở ngoại ô TP Hồ Chí Minh.
Trên thực tế, TP Hồ Chí Minh chính là “viên đá quý” trong câu chuyện thành công của Việt Nam. Là đô thị lớn nhất và phát triển nhất của Việt Nam, TP Hồ Chí Minh chính là động lực tăng trưởng của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng đạt 8,5%/năm, TP Hồ Chí Minh đã chuyển mình vượt bậc trong thập niên qua. Đây cũng là “đại bản doanh” của các công ty khởi nghiệp (start-up), nơi tập trung phần lớn trong số 3.000 start-up Việt Nam. Hồi tháng 5-2016, Quỹ Đầu tư mạo hiểm 500 Startups tại Thung lũng Silicon của Mỹ đã tuyên bố khởi động mộtt quỹ có giá trị 10 triệu USD để đầu tư cho các start-up tại Việt Nam. Các công ty đầu tư mạo hiểm khác như CyberAgent, Ventures và SeedCom cũng hoạt động tích cực và đang đầu tư vào các doanh nghiệp mới.
TP Hồ Chí Minh thậm chí còn là “cái nôi” của công ty phát hành trò chơi VNG-được đánh giá là một trong những “kỳ lân” của Đông Nam Á. VNG đã trở thành công ty công nghệ đầu tiên của Việt Nam phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Mỹ hồi tháng 6 vừa qua. Chỉ riêng ứng dụng Zalo của VNG đã có hơn 70 triệu người dùng ở Việt Nam, Myanmar, Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia.
Làm sao TP Hồ Chí Minh có thể đạt được thành công như ngày nay và điều gì lý giải cho sự phát triển ngoạn mục của các start-up tại thành phố này?
Nguồn nhân lực trẻ, có trình độ và tinh thần cầu tiến
Các start-up có thể phát triển nhờ sự xuất hiện của các công nghệ mới, nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là yếu tố con người. Trong thập niên qua, hàng nghìn doanh nhân trẻ đầy hoài bão ở Việt Nam đã chuyển đến TP Hồ Chí Minh lập nên những start-up của riêng mình, nhiều trong số đó là về lĩnh vực phát triển giải pháp công nghệ, bao gồm nền tảng thương mại điện tử, ứng dụng và trò chơi. Các quán café và không gian làm việc chung mọc lên khắp nơi trong thành phố để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận các doanh nhân thường xuyên kết nối và làm việc theo nhóm nhỏ mà không có văn phòng chuyên dụng.
Các start-up đã có được thành công một phần nhờ vào nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam. Chính phủ đã cam kết hỗ trợ 90 triệu USD cho hơn 2.000 start-up công nghệ cao và có kế hoạch thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, qua đó cung cấp các chương trình đào tạo, tư vấn pháp lý và các hoạt động kết nối nhằm liên kết các start-up với các trường đại học và trung tâm nghiên cứu.
Thế nhưng, điểm khác biệt then chốt khiến các start-up của Việt Nam phát triển mạnh mẽ chính là chất lượng nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, có trình độ học vấn ngày càng cao, năng động và am hiểu công nghệ. Việt Nam xếp thứ 17/65 nước tham gia khảo sát Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Những cam kết của chính phủ trong việc nâng cao năng lực, trình độ cho lực lượng lao động đang mang lại “trái ngọt”. Giáo dục cũng tiếp tục chiếm 20% ngân sách chi tiêu của chính phủ.
Những năm gần đây, sinh viên đại học và cao đẳng của Việt Nam đạt điểm rất cao trong các bài kiểm tra chuẩn quốc tế và đây chính là một đội ngũ lao động có tay nghề cao cho các doanh nghiệp. Giới trẻ Việt Nam đi du học cũng nhiều. Sau khi tốt nghiệp, họ về nước mang theo những ý tưởng lớn về việc thành lập công ty riêng. Trong năm ngoái, ước tính có 21.000 sinh viên Việt Nam theo học tại các trường đại học của Mỹ và Việt Nam xếp thứ 6 về số lượng du học sinh tại “xứ cờ hoa”. Những sinh viên mà chúng tôi được tiếp xúc ở TP Hồ Chí Minh đều là những người thông minh, nhanh nhẹn và năng động.
Không giống các nước phát triển như Singapore, Việt Nam đang được hưởng lợi từ sự bùng nổ dân số. 70% dân số Việt Nam dưới 30 tuổi và giới trẻ Việt Nam có tinh thần cầu tiến và “đầu óc quốc tế”. Họ lấy ý tưởng từ những loại hình dịch vụ vận tải mới như Grab và Uber rồi cố gắng triển khai chúng theo cách phù hợp hơn với thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều Việt kiều trẻ, những người sinh ra và học tập ở nước ngoài, trở về quê hương, đóng góp thêm cho nguồn nhân lực chất lượng trong nước.
Mặc dù Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn với các nhà quản lý trẻ đầy hoài bão từ khắp châu Á, thế nhưng nhiều người trong số họ cho biết khó có thể cạnh tranh được với nguồn nhân lực chất lượng tại đây. Điều này không có gì là đáng ngạc nhiên.
Sự hỗ trợ mạnh mẽ của gia đình
Giới trẻ Việt Nam có thể tập trung xây dựng các công ty khởi nghiệp cũng còn nhờ vào sự hỗ trợ từ gia đình. Các gia đình ở Việt Nam thường có ba thế hệ cùng chung sống. Con cái chăm sóc bố mẹ khi về già, ông bà hỗ trợ trông nom các cháu trong khi những ông bố, bà mẹ trẻ ra ngoài làm việc. Mô hình gia đình kiểu này chính là sự hỗ trợ quan trọng cho các doanh nhân trẻ Việt Nam. Họ có thể dành nhiều thời gian, công sức hơn vào công việc, yên tâm rằng nhà cửa và con cái đã được bố mẹ chăm lo. Về phương diện này, người lao động Việt Nam có lợi thế lớn hơn so với ở các nước khác, cũng như so với những người nước ngoài sống tại Việt Nam.
Nói tóm lại, Việt Nam đang ở một vị thế không thể thuận lợi hơn. Mức độ thuận lợi kinh doanh của Việt Nam sánh ngang với Trung Quốc và nhu cầu tuyển dụng đã tăng 32%. Theo Ngân hàng Thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, trung bình ở mức 6,3% trong vòng 3 năm tới. Với dân số trẻ, có tinh thần cầu tiến và đầu óc kinh doanh thì đó cũng là điều dễ hiểu.
HOÀNG VŨ (lược dịch)