Bước qua giai đoạn khó khăn
Năm 2024 đánh dấu sự khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam sau giai đoạn phục hồi và tăng trưởng ổn định. Với các chỉ số vĩ mô tích cực, niềm tin của nhà đầu tư và người dân vào nền kinh tế được củng cố. Thị trường bất động sản (BĐS) cũng không nằm ngoài xu thế đó khi trở thành một trong những lĩnh vực dẫn dắt, đóng góp lớn vào sự phát triển chung.
Thông tin từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, cuối quý đầu năm 2024, thị trường đón nhận một lượng lớn các môi giới BĐS, sàn giao dịch BĐS quay trở lại “vận hành” thị trường khi các chủ đầu tư bắt đầu kích hoạt triển khai hàng loạt dự án với quy mô ngày càng lớn. Một số dự án có tiến độ triển khai tốt đã chính thức nhận cọc. Các dự án mới mở bán, từ sản phẩm đất nền, nhà phố, biệt thự, căn hộ,... đều ghi nhận mức độ quan tâm, giao dịch và giá bán tăng trưởng tốt trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Quý 2/2024, đà phục hồi của thị trường BĐS tiếp tục được duy trì, nguồn cung và lượng giao dịch trong quý tăng trưởng mạnh, lần lượt gấp 3 và gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, thông tin Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và khoản 2, điều 209 của Luật các tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực sớm trước 5 tháng, càng tiếp thêm niềm tin cho các chủ thể hoạt động trong lĩnh vực BĐS “sẵn sàng tái nhập cuộc”.
2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản phát triển trong Kỷ nguyên mới.
Sang đến quý 3, các quy định pháp lý về nhà ở, đất đai và kinh doanh BĐS được chính thức “bấm nút” có hiệu lực, loại bỏ tâm lý “trước giờ G” của cả thị trường. Ngoài sự sôi động của phân khúc đất đấu giá tại các khu vực vùng ven Hà Nội, sức nóng của thị trường còn được dẫn dắt bởi phân khúc căn hộ, khi mặt bằng giá liên tục tăng cao, trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Đến quý cuối năm, trước sự “ấm” lên của thị trường, nhiều chủ đầu tư BĐS thay đổi kế hoạch, “tung” hàng sớm hơn dự kiến, kèm nhiều chính sách ưu đãi, giúp nguồn cung nhà ở “vượt” dự báo.
Nguồn cung tăng trưởng mạnh theo năm
Theo thống kê của VARS, tại thời điểm cuối năm 2024, thị trường BĐS ghi nhận khoảng 56.000 sản phẩm chào bán trên thị trường sơ cấp, tương đương với thời điểm cuối năm 2023 do nhiều dự án “giải phóng” được lượng lớn hàng tồn trong bối cảnh thị trường phục hồi.
Tính chung cả năm 2024, toàn thị trường ghi nhận khoảng gần 81 nghìn sản phẩm chào bán, tăng hơn 40% so với năm 2023. Trong đó, có 65.376 sản phẩm chào bán mới, gấp khoảng 3 lần so với năm 2023, nhưng mới chỉ bằng khoảng 7% so với năm 2018 - năm chưa xảy ra đại dịch. Riêng quý 4/2024, thị trường ghi nhận 28 nghìn sản phẩm chào bán mới, gấp 2 lần so với quý trước và gấp 4 lần cùng kỳ năm 2023.
Lượng giao dịch trong năm 2024 cũng tiếp tục tăng trưởng ổn định khi nguồn cung được cải thiện cả về lượng và chất. Nhu cầu mua BĐS, bao gồm cả để ở và đầu tư rất cao và đang không ngừng tăng cùng tốc độ đô thị hóa và quá trình phát triển kinh tế, trên nền tảng hành lang pháp lý được hoàn thiện. Tính chung cả năm 2024, toàn thị trường ghi nhận hơn 47 nghìn giao dịch thành công, tương đương với tỷ lệ hấp thụ đạt 72%. Với hơn 50% lượng giao dịch sơ cấp được đóng góp bởi nhu cầu đầu tư. Trong đó, có một lượng đầu cơ nhất định.
Giao dịch thấp tầng cũng cải thiện mạnh trong bối cảnh thị trường phục hồi, tỷ lệ hấp thụ các dự án mở bán mới ở mức rất tốt, ước đạt gần 65%, tương đương với gần 9 nghìn giao dịch. Trên thị trường thứ cấp, thanh khoản tập trung chủ yếu ở các sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực và có thể “ở ngay”.
Giá tăng “khó kiểm soát”
Nghiên cứu về chỉ số giá căn hộ cao cấp của VARS cho thấy, tính đến thời điểm cuối năm 2024, giá bán trung bình của cụm mẫu dự án ở TP. Hà Nội đã tăng 72,4% so với quý 2/2019. Theo sau là Đà Nẵng với mức tăng so với kỳ gốc đạt 49,9%. Trong khi TP. HCM chứng kiến mức tăng chậm hơn, khoảng 34,3% so với kỳ gốc khi thị trường mới bắt đầu ghi nhận các dự án mở bán từ quý 3.
Giá bán sơ cấp tăng cao và chưa có dấu hiệu “dừng lại”, tạo động lực dẫn dắt và duy trì mặt bằng giá căn hộ cao cấp thứ cấp “neo” cao, vượt xa giá trị thực. Tuy nhiên, thực tế nguồn cung và thanh khoản ở mức trung bình.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, giá bán nhà ở phục hồi và tăng liên tục từ đầu năm do nguồn cung tăng trưởng mạnh theo năm nhưng vẫn thiếu và yếu so với cầu nhà ở thực tế của thị trường - ước tính tăng thêm 1 triệu đơn vị nhà ở mỗi năm ở khu vực đô thị. Do các dự án mới tiếp tục được hoàn thiện ở mức tiêu chuẩn cao với chi phí đầu tư, nhất là các chi phí liên quan đến đất đai tăng cao, nhất là phân khúc căn hộ cao cấp tại các thành phố lớn.
Giá đất nền, đã tách thửa, pháp lý đầy đủ cũng phục hồi và tăng trưởng mạnh trong bối cảnh nguồn cung đất nền giảm do quy định “siết” phân lô bán nền. Đặc biệt, các lô đất giá trị thấp, khoảng dưới 30 triệu đồng/m2 tại các thành phố có hạ tầng đã phát triển hoặc đã có kế hoạch phát triển được “săn đón”.
Chuyên gia VARS cho rằng, tới thời điểm hiện tại, thị trường BĐS vẫn đang chuyển động tích cực. Thanh khoản trên thị trường đang có xu hướng giảm nhẹ ở phân khúc cao cấp, nhưng vẫn duy trì ổn định ở các sản phẩm nhà ở phù hợp với nhu cầu ở thực, giá trị hợp lý với các yếu tố cấu thành bao gồm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cây xanh, hồ nước, khu vui chơi, thương mại, công tác quản lý, an ninh…
Theo ông Đính, để thị trường phục hồi, phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững, các chủ đầu tư cần đảm bảo mức giá phù hợp với sức mua của thị trường, thay vì tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn.
Tâm An