(QK7 Online) - Chắc hẳn 16 bác sĩ được đến học khóa hệ sĩ quan dự bị tại Trường Quân sự Quân khu 7 từ ngày 2/3/2020 sẽ không thể nào ngờ, từ ngôi trường này họ lại trở thành người lính thực thụ trên mặt trận chống dịch COVID 19.
Các anh là những bác sĩ trẻ ở các trung tâm y tế, bệnh viện 7 tỉnh thành từ Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ về trường trong tâm thế háo hức. Mới được hai tuần theo học thì được nhận thông báo sẽ tạm ngừng để làm nhiệm vụ đột xuất. Đó là chung tay cùng CB, CS Trường Quân sự Quân khu 7 đón tiếp các công dân từ nước ngoài về cách ly.
Công tác chuẩn bị bắt đầu bằng việc dọn dẹp khu nhà ở của các sĩ quan, học viên. Nhiều tòa nhà 2-3 lầu, mỗi lầu có 11 phòng. Từ mỗi phòng có 5 giường, các anh phải di chuyển đi 2 giường để đảm bảo khoảng cách an toàn giữa các công dân đến cách ly là 1,5m. Cứ đi lại trong không gian rộng mênh mông vậy, đã thấy “đuối”. Mỗi người cách ly được Trường trang bị một bộ chăn, gối, chiếu, màn, xô, chậu đúng tiêu chuẩn bộ đội với màu xanh đặc trưng của người lính cùng một túi nhu yếu phẩm cá nhân, đảm bảo cho mọi người đến đây đều có thể an tâm sinh hoạt. Và tất nhiên mọi việc sắp xếp, trang bị ấy đều do các anh làm. Cùng với phòng ốc thì khuôn viên của Trường cũng phải được dọn dẹp phun thuốc sạch sẽ trước khi đón tiếp công dân.
Lấy mẫu xét nghiệm người cách ly
17/3/2020, tốp cách ly đầu tiên được đưa về đây. Sau khi đo nhiệt độ và lấy thông tin, các anh trong trang phục bảo hộ từ đầu đến chân, mắt kính và khẩu trang chuyên dụng, hỗ trợ kéo va li người cách ly di chuyển đến nhận phòng. Có những chiếc va li to đùng hàng mấy chục ký phải vác trên vai lên bậc thang khiến các anh vốn không quen “cửu vạn”, mặt đỏ bừng. Chắc hẳn ai trong số những con người mới từ châu Âu trở về đểu cảm nhận rõ rệt cái nắng, cái nóng của Sài Gòn tầm 3 giờ chiều. Vậy mà các bác sĩ, áo quần mấy lớp, mồ hôi nhễ nhại vẫn vui vẻ hỏi thăm từng người, làm vơi bớt sự lo lắng người chân ướt chân ráo về quê hương. Rồi các anh ân cần đến tận nơi, hỏi thăm xem mọi thứ có ổn không, có cần nhu cầu gì. Ai ăn chay, ai cần sim điện thoại để liên lạc với người nhà? Đâu đó đã vang lên những tiếng khóc của một số “tiểu thư”, khi họ nghĩ phải bắt đầu cuộc sống như bộ đội trên những chiếc giường chiếu cứng thay vì những chiếc nệm êm ái hay những phòng tắm đầy đủ tiện nghi. Ngay cả những người bạn đi cùng còn cảm thấy khó chịu với tiếng khóc vô duyên ấy thì các anh vẫn rất nhẹ nhàng, điềm tĩnh, trấn an chỗ này, động viên chỗ kia. Công việc đón tiếp quần quật từ sáng đến khuya theo các chuyến bay về đây. Đến hết ngày 18/3/2020, khu B đã tiếp nhận tổng cộng 339 công dân đến cách ly, chủ yếu từ tâm dịch châu Âu.
Trao từng suất ăn cho các phòng
Buổi sáng của các anh từ ngày trở thành các chiến sĩ trên mặt trận chống dịch cũng phải bắt đầu rất sớm. Quét dọn khuôn viên trường, bảo đảm cho mọi người luôn có một không gian sạch sẽ thể dục ngày mới. Sau đấy vẫn là các anh với bộ đồng phục xanh quen thuộc, khệ nệ mang đồ ăn sáng, nước uống đến tận phòng cho bà con, luôn tay phân chia khẩu phần và dặn dò mọi người ăn uống đầy đủ để có sức chống lại con virus nguy hiểm này. Nhìn những bóng dáng ấy, ai chưa biết, đều nghĩ đây là các anh bộ đội quen với thao trường nắng gió cùng các bài tập nặng về thể chất chứ không hay rằng đây là những “đôi bàn tay vàng” ngành y. Mấy lần, có một bác lớn tuổi không ăn được cơm, các anh lại tất tả đi đổi lấy cháo và nhanh chóng điều chỉnh bữa ăn sau phù hợp với từng thể trạng. Không những thế, có hôm nhà cung cấp đem đồ ăn trưa đến muộn, mọi người ai cũng đói, than phiền khắp nơi. Dù không phải do mình, các anh vẫn vui vẻ xin lỗi rồi tất tả mang vội suất ăn đến người cách ly khi chính bản thân còn chưa được ăn trưa.
Công việc một ngày của các anh còn phải đến từng phòng phát khẩu trang, căn dặn bà con luôn đeo nhằm hạn chế virus có thể phát tán trong không khí. Cùng các chị bên CDC (Trung tâm phòng chống dịch bệnh TP Hồ Chí Minh) đi đo nhiệt độ 2 lần/một ngày người cách ly. Nhanh chóng phát hiện ra ai có biểu hiện của bệnh để đề xuất xử lý kịp thời. Những ngày đầu, khi thân nhân gửi đồ cá nhân vào, thậm chí đưa vào cả những thùng đồ to, nặng, các anh vẫn nhiệt tình không than thở, dù chạy đi chạy lại mấy chục lần như vậy. Không phải thợ điện nước, vậy mà có phòng hư quạt, tắc vòi nước. các bác sĩ đều nhanh chóng xử lý, sửa chữa, thay thế, có khi hì hục cả giờ liền.
Các bạn phòng 208 với các bác sĩ phục vụ
Mỗi công dân ở đây đều nôn nóng đếm từng ngày để đến ngày về nhà nhưng có ai biết được những chiến sĩ trên mặt trận chống dịch này cũng có những gia đình nhỏ riêng mà các anh chưa biết khi nào được gặp lại bởi nhiệm vụ vẫn còn tiếp tục. Đằng sau những ánh mắt lúc nào cũng sáng lên niềm vui ấy là một sự hy sinh to lớn của các anh dành cho đồng bào mình. Mỗi anh đều luôn tự nhủ phải tự bảo vệ bản thân để tiếp tục chiến dịch dài hạn này. Hẳn các đức tính có sẵn của một bác sĩ như giàu lòng thương người, sự kiên nhẫn, sự cần cù và tạo sự tin cậy cho mọi người đã khiến các anh dù “trái nghề” vẫn chu toàn, trọn vẹn. Tất cả thành viên ở đây ai cũng quý mến và dành lòng biết ơn sâu sắc đến Trường Quân sự Quân khu 7 trong 14 ngày và những bác sĩ hệ dự bị động viên. Được rèn luyện trong môi trường Quân độị, các anh cũng là người lính thực thụ. Tổ quốc hiện hữu từ những người gần gũi mà mọi người tiếp xúc hàng ngày chính là các anh. Luôn mong các anh bình an trong cuộc chiến “Chống dịch như chống giặc” còn nhiều cam go này.
Những kỷ niệm về không gian xanh và các bác sĩ áo xanh trên đường Tô Ký, quận 12, sẽ mãi không phai nhòa trong tấm trí những bà con xa xứ trở về.
TRẦN LÊ VI
(Công dân cách ly trở về từ Châu Âu)