Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, với tầm nhìn chiến lược, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẩn trương xây dựng LLVT cách mạng. Nhưng do mới giành độc lập, cán bộ thiếu, nhất là cán bộ quân sự, trước yêu cầu cấp thiết đó, ngày 7/7/1946, lớp huấn luyện bổ túc quân sự đầu tiên được khai giảng tại Sơn Tây. Đây là mốc son đánh dấu sự ra đời của Học viện Lục quân. Tháng 10/1946, lớp huấn luyện vinh dự được Bác Hồ đến thăm và căn dặn: “Đất nước ta đã độc lập rồi nhưng tình hình đang căng lắm, nhiều kẻ thù ở cả phía Nam và phía Bắc đều quấy rầy ta. Ta phải ráo riết chuẩn bị mọi mặt để khi quân địch có tiến công xâm lược thì cả nước ta phải đánh thắng”. Các khóa học được mở liên tiếp nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng các đơn vị vũ trang khắp cả nước. Học viên vừa ra trường bước ngay vào cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.
Ngày 15/3/1948, tại tỉnh Thái Nguyên, trên cơ sở lớp huấn luyện bổ túc quân sự, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ký quyết định thành lập Trường Bổ túc Quân chính trung cấp; tiếp đó thành lập Trường Bổ túc Quân sự trung, cao cấp, rồi Học viện Quân chính.
Trước yêu cầu phát triển của Quân đội và cuộc kháng chiến chống Mỹ, năm 1965, Học viện Quân chính tách thành thành Học viện Quân sự và Học viện Chính trị. Học viện Quân sự có nhiệm vụ: huấn luyện, bổ túc quân sự và tập huấn chiến dịch cho cán bộ trung, cao cấp. Đây là sự kiện lớn đánh dấu chặng đường phát triển mới của Học viện Lục quân.
Tháng 9/1965, nhiều cán bộ chủ trì các phòng, khoa và giảng viên của Học viện được điều động vào chiến trường miền Nam nghiên cứu cách đánh Mỹ, ngụy. Những bài học trên giảng đường cùng bản lĩnh, phẩm chất, tài năng của cán bộ, giảng viên được phát huy cao độ, chỉ huy bộ đội lập nhiều chiến công, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tô thắm truyền thống: Kiên định vững vàng - đoàn kết nhất trí - chủ động sáng tạo - khắc phục khó khăn - hoàn thành nhiệm vụ.
Tháng 10/1975, Học viện chuyển từ Hà Nội vào thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và đến năm 1982 đổi tên thành Học viện Lục quân với nhiệm vụ đào tạo, bổ túc sĩ quan chỉ huy - tham mưu cấp chiến thuật, chiến dịch; đào tạo giáo viên chiến thuật và nghiên cứu khoa học nghệ thuật quân sự.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao trong giai đoạn mới, Học viện kiện toàn tổ chức. Từ 5 giáo viên những ngày đầu thành lập, đến nay nhà trường có 17 khoa với hàng trăm giảng viên có học hàm, học vị cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiến thức tổng hợp và tri thức quân sự sâu rộng, trong đó có 5 giáo sư, 91 Phó giáo sư, 2 Nhà giáo Nhân dân, 22 Nhà giáo ưu tú, 65 nhà giáo giỏi cấp Bộ Quốc phòng.
Học viện đào tạo, bồi dưỡng trên 500 khóa học với hơn 50 ngàn học viên, trong đó gần 2 ngàn thạc sĩ, tiến sĩ quân sự. Hầu hết học viên được đào tạo tại Học viện sau khi tốt nghiệp ra trường hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều đồng chí trở thành tướng lĩnh, giữ các cương vị trọng yếu của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta và hai nước Lào, Campuchia. Song song với giáo dục - đào tạo, Học viện hoàn thành hàng ngàn đề tài khoa học cấp Bộ, cấp ngành và cấp Học viện, góp phần làm phong phú nghệ thuật quân sự Việt Nam.