Người Nhật Bản cẩn trọng trong làm ăn kinh tế
Trên đây là phát biểu của ông Chi-ca-hi-tô Ma-xu-đa (Chikahito Masuda), Đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam, trong tọa đàm "Gặp gỡ Nhật Bản", do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức sáng 11-12 ở Hà Nội. Tham dự sự kiện này có một số cơ quan xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế của Nhật Bản cùng lãnh đạo, những người phụ trách xúc tiến đầu tư nước ngoài của các tỉnh, thành phố.
Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo, những người phụ trách xúc tiến đầu tư nước ngoài của khoảng 40 tỉnh, thành phố đã có cuộc trao đổi thẳng thắn, thực chất với đại diện của phía Nhật Bản. Phía Việt Nam cũng đã được nghe đại diện của Nhật Bản nêu ra những yêu cầu, mong muốn cũng như chia sẻ về những khó khăn họ gặp phải khi đầu tư vào các địa phương ở Việt Nam.
Ông Si-môn Tô-ku-y-a-ma (Shimon Tokuyama), Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ một số đặc điểm nổi bật của Nhật Bản, trong đó có các doanh nhân: Người Nhật Bản rất cẩn trọng trong làm ăn kinh tế. Mọi ý tưởng hợp tác trước khi xây dựng dự án đều được xem xét kỹ từ những điều nhỏ nhất. Để thuyết phục được các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các địa phương Việt Nam, ngoài sự tin tưởng, vấn đề về cơ sở hạ tầng như: Điện, nước, mặt bằng nhà xưởng, giao thông, y tế, giáo dục phải "chuẩn"; văn hóa địa phương càng gần gũi với người Nhật thì sự hợp tác càng có cơ hội thành công.
Nhấn mạnh tới những cơ hội hợp tác còn nhiều tiềm năng giữa Nhật Bản với Việt Nam, Công sứ Nhật Bản tại Việt Nam Cát-xu-rô Na-gai (Katsuro Nagai) cho biết, đến nay, Nhật Bản là một trong số các nhà đầu tư nước ngoài chiến lược quan trọng nhất của Việt Nam. Tính lũy kế đến giữa năm 2015, các nhà đầu tư Nhật Bản có 2.638 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 37,65 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trên lĩnh vực hợp tác giữa các địa phương, đã có 19 cặp địa phương của Việt Nam và Nhật Bản đang triển khai rất hiệu quả các dự án hợp tác.
Hiện các doanh nghiệp Nhật Bản đang tập trung 6 lĩnh vực ưu tiên gồm: Điện tử; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; công nghệ môi trường và tiết kiệm năng lượng; máy và thiết bị nông nghiệp; ô tô và linh kiện ô tô. Tuy nhiên, hướng đi mới trong hợp tác Việt Nam-Nhật Bản sẽ là thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp trong nông nghiệp, chế biến, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản… Các doanh nghiệp này nằm chủ yếu ở các địa phương Nhật Bản. Chính vì vậy, các địa phương của Việt Nam cần có các chính sách quảng bá thông tin, chia sẻ cơ hội với các doanh nghiệp Nhật Bản để không bị tuột mất cơ hội. Công sứ Na-gai cho rằng, mặc dù đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam đứng ở vị trí thứ hai, nhưng mức đầu tư chỉ khiêm tốn, chưa đến 1% tiềm lực của Nhật Bản. Thời gian tới, Việt Nam nếu có ưu đãi hơn nữa, có thêm các chính sách thông thoáng và nhiều thông tin minh bạch hơn ở cả cấp Trung ương và địa phương, chắc chắn sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.
Vẫn còn đầu tư lệch giữa các địa phương
Giải thích tại sao việc các doanh nghiệp Nhật Bản thường chỉ làm ăn ở những thành phố lớn, ông Si-môn Tô-ku-y-a-ma cho rằng, hiện các doanh nghiệp của Nhật Bản chủ yếu hoạt động ở những khu vực phát triển, các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh. Các doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực ô tô, dịch vụ thương mại, điện tử…, không có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tới những tỉnh còn nhiều khó khăn của Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh miền núi. Nguyên nhân chính, theo ông Si-môn Tô-ku-y-a-ma, những tỉnh này chưa phát triển cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ; hệ thống giao thông chưa thuận lợi; môi trường sống, dịch vụ y tế, giáo dục cho các gia đình doanh nhân Nhật Bản tới làm ăn chưa được bảo đảm. “Môi trường đầu tư trước hết phải xuất phát từ môi trường sinh hoạt, hạ tầng giao thông, trình độ người lao động, ưu đãi của địa phương. Nhà đầu tư sẵn sàng tới địa phương nào đáp ứng được những tiêu chí cơ bản trên”, ông Si-môn Tô-ku-y-a-ma nói.
Lắng nghe các khuyến nghị và ý kiến từ phía Nhật Bản, đại điện các địa phương như: Cần Thơ, Tuyên Quang, Cao Bằng, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Trị, Long An… đều cho rằng, tình hình thực tế thu hút đầu tư, trong đó có thu hút đầu tư từ Nhật Bản còn hạn chế so với tiềm năng sẵn có. Nguyên nhân trước hết là do chưa có sự đột phá về cơ sở hạ tầng để làm nền tảng cho sự hợp tác bền vững, lâu dài. Trình độ và kỹ năng làm việc của người lao động nhiều khâu còn yếu, không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng Nhật Bản. Trong khi đó, thủ tục hành chính vẫn chưa nhanh và thông thoáng…
Để thu hút hơn nữa đầu tư từ Nhật Bản, các ý kiến cho rằng ngoài nhanh chóng khắc phục những điểm yếu đã được nêu ra trong thời gian ngắn nhất, việc chia sẻ thông tin những nét đặc thù của mỗi tỉnh tới các doanh nghiệp Nhật Bản cũng là yếu tố vô cùng quan trọng.
Không kêu gọi đầu tư dàn trải
Sau khi đã đi hơn 30 tỉnh, thành phố của Việt Nam để tìm hiểu, khảo sát cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Na-ô-ki Tê-kê-u-chi (Naoki Tekeuchi), Giám đốc Cơ quan xúc tiến Thương mại-Đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng: Những tỉnh có thái độ nghiêm túc nhất, nhiệt tình nhất, đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư chuyên nghiệp nhất, người dân nhiệt tình ủng hộ các dự án và lãnh đạo tỉnh quyết liệt thi hành bằng các ưu đãi phù hợp với pháp luật, bằng hạ tầng cơ sở đồng bộ, bằng những quan tâm tới đời sống người Nhật, những tỉnh đó sẽ thu hút được nhiều dự án hợp tác với Nhật Bản nhất. Ông Na-ô-ki Tê-kê-u-chi nhấn mạnh, các tỉnh cần tận dụng tối đa các cơ hội quảng bá, trước hết từ những việc nhỏ nhất như văn bản giấy tờ liên quan tới xúc tiến đầu tư, giới thiệu những lĩnh vực thế mạnh đều phải bằng tiếng Anh, nếu được bằng tiếng Nhật thì còn tốt hơn rất nhiều. “Hầu hết các doanh nghiệp đầu tư tại các địa phương của Việt Nam là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì vậy, những yếu tố bảo đảm cuộc sống gần gũi với văn hóa Nhật Bản và môi trường kinh doanh minh bạch sẽ tạo ra sự tin tưởng, thiện cảm cho các doanh nhân Nhật Bản”, ông Na-ô-ki Tê-kê-u-chi nói.
Chia sẻ tại "Gặp gỡ Nhật Bản", Công sứ Na-gai cho rằng, cơ hội hợp tác phải đến từ hai phía. Cần biết cách tận dụng mọi cơ hội để giới thiệu những thế mạnh của mình thông qua các cơ quan của Bộ Ngoại giao Việt Nam; các tổ chức giúp xúc tiến đầu tư, thương mại từ phía Nhật Bản; gặp gỡ trực tiếp giữa các doanh nghiệp của các địa phương... Tuy nhiên, cũng không dàn trải kêu gọi đầu tư nhiều lĩnh vực, hạng mục. “Mỗi tỉnh có một thế mạnh, cần kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nào thì phải nhấn vào lĩnh vực trọng điểm đó, không quảng bá, kêu gọi đầu tư một cách dàn trải. Ví dụ, Cao Bằng có thế mạnh là nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, chứ không thể phát triển công nghiệp lớn ở đây”, Công sứ Na-gai nói.
Bài và ảnh: HOA HUYỀN