Một trong những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" được Nghị quyết Trung ương khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ ra là “cổ súy cho tư tưởng dân chủ cực đoan”. Một nguyên nhân dẫn đến biểu hiện ấy là hiểu không đúng về bản chất chế độ dân chủ của ta. Đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện sai trái và những nhận thức lệch lạc ấy là việc làm không thể xem nhẹ trong tình hình hiện nay.
Sinh thời, vận dụng lý luận Mác-Lênin về dân chủ vào điều kiện cụ thể của nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài viết, bài nói về vấn đề dân chủ, về xây dựng nền dân chủ nhân dân ở nước ta. Trong đó, đã thể hiện nhất quán, sâu sắc, toàn diện những tư tưởng của Người về dân chủ, về bản chất của chế độ dân chủ, về xây dựng nền dân chủ ở nước ta. Người coi “Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân"(1) và Người đã gắn chặt độc lập dân tộc với dân chủ, với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Người nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(2).
Ảnh minh họa. Nguồn: baodatviet.vn
Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân phải được thể hiện ở địa vị làm chủ, quyền được làm chủ và quyền lợi của nhân dân trong nền dân chủ nhân dân. Hồ Chí Minh cho rằng, “Nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”(3). “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(4).
Dân chủ nghĩa là mọi lợi ích về vật chất và tinh thần mà Đảng và Nhà nước đem lại phải phục vụ cuộc sống của nhân dân. Dân là chủ còn được thể hiện trong quyền hạn của nhân dân. Dân là người có quyền hạn và trách nhiệm trong công cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dân là người cử ra chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương. Địa vị và quyền lợi của nhân dân trong nền dân chủ nhân dân phải được bảo đảm trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội và phải được thể hiện ở mọi tầng lớp nhân dân, công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên, phụ nữ và ở các dân tộc, tôn giáo… Muốn bảo đảm địa vị và quyền lợi của nhân dân, muốn nhân dân thực sự được dân chủ và được làm chủ thì phải chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Để thực hiện đầy đủ địa vị và quyền lợi của nhân dân, bảo đảm cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ trên thực tế, Đảng phải hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách phù hợp với sự phát triển của thực tiễn cách mạng và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Mọi hoạt động của chính quyền đều phải hướng tới phục vụ nhân dân, bảo đảm cho nhân dân có được địa vị và quyền lợi trong thực hiện quyền làm chủ của mình. Đồng thời, phải phát huy vai trò to lớn của các đoàn thể trong xây dựng và thực hành nền dân chủ nhân dân. Bởi vì, các tổ chức đoàn thể là cầu nối, là khâu quan trọng để liên lạc giữa nhân dân và Chính phủ, làm cho mọi nguyện vọng chính đáng của nhân dân đều được phản ánh đến Chính phủ và mọi chủ trương, chính sách của Chính phủ đều đến được với nhân dân, để dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và được hưởng các quyền lợi về vật chất và tinh thần.
Thực hiện những tư tưởng của Hồ Chí Minh về dân chủ, về xây dựng nền dân chủ nhân dân, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã lãnh đạo và chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi những tư tưởng của Người về dân chủ, về xây dựng nền dân chủ nhân dân. Đảng đã lãnh đạo và tổ chức nhân dân thực hiện dân chủ trong Cách mạng Tháng Tám, đập tan ách thống trị của chế độ thực dân, phong kiến, đưa dân tộc ta, nhân dân ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do, nhân dân được làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Đảng ta đã lãnh đạo và tổ chức nhân dân thực hiện dân chủ, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn của toàn dân, của cả nước để tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, Đảng ta đã lãnh đạo và tổ chức nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ sau năm 1975 đến nay, thực hiện dân chủ rộng rãi, phát huy sức mạnh to lớn của toàn dân ta, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (XHCN) vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Những thành tựu to lớn của Đảng, Nhà nước và của nhân dân ta trong quán triệt và thực hành nền dân chủ nhân dân là một thực tế sinh động không ai có thể phủ nhận được. Ấy vậy mà các thế lực thù địch vẫn ra sức xuyên tạc bản chất của chế độ dân chủ và những thành tựu về dân chủ ở nước ta với những thủ đoạn, biện pháp vừa trắng trợn, vừa tinh vi và đều nhằm tới mục đích là chống phá cách mạng Việt Nam, hạ thấp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vai trò của Nhà nước XHCN, phủ nhận bản chất ưu việt của chế độ dân chủ ở nước ta.
Lợi dụng sự sụp đổ của chế độ XHCN theo mô hình Xô-viết ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, phủ nhận học thuyết cách mạng và khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin về dân chủ, về nền dân chủ XHCN; xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về dân chủ và chế độ dân chủ. Lợi dụng những sơ hở, sự chưa hoàn thiện về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về dân chủ và xây dựng nền dân chủ nhân dân ở nước ta, cũng như những yếu kém, hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hành dân chủ để xuyên tạc, phủ nhận bản chất của chế độ dân chủ ở nước ta. Lợi dụng các vụ việc phức tạp, những vấn đề liên quan đến quyền lợi vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng khó khăn, phức tạp; lợi dụng những vấn đề liên quan đến chính sách dân tộc, tôn giáo để vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, kích động đấu tranh đòi “dân chủ”!
Để thực hiện mục tiêu xuyên suốt trong chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân, chống phá cách mạng Việt Nam, xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về dân chủ, về xây dựng nền dân chủ ở nước ta, các thế lực thù địch đã, đang và sẽ triệt để lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng, các phần tử bất mãn, thoái hóa, biến chất, những người nước ngoài và những người nước ngoài vào Việt Nam có ý đồ chống phá cách mạng Việt Nam để tuyên truyền, xuyên tạc phủ nhận những thành tựu về dân chủ, về xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam. Đồng thời, họ còn thổi phồng những yếu kém, hạn chế, bất cập về thực hành dân chủ ở Việt Nam, thông qua đó truyền bá, phổ biến các quan điểm tư tưởng dân chủ trái với quan điểm Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước XHCN Việt Nam về dân chủ, về xây dựng và thực hành nền dân chủ XHCN; tô vẽ, ca ngợi nền dân chủ tư sản, làm chệch hướng XHCN về vấn đề dân chủ, về xây dựng nền dân chủ ở nước ta.
Trong bối cảnh hiện nay, trước những tác động to lớn, toàn diện của tình hình thế giới, khu vực, trong nước, sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, thâm độc và những hạn chế, bất cập của việc thực hiện dân chủ ở nước ta, để tiếp tục khẳng định bản chất ưu việt của chế độ dân chủ ở nước ta, cần quan tâm làm tốt một số vấn đề sau đây:
Thường xuyên quan tâm giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân ở những nơi khó khăn, trình độ dân trí còn thấp nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn quan điểm Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về dân chủ, về xây dựng và thực hành nền dân chủ XHCN, một nền dân chủ gấp triệu lần nền dân chủ tư sản.
Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện những quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về dân chủ và xây dựng nền dân chủ XHCN ở nước ta trong điều kiện thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa, hội nhập quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước.
Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, vai trò tổ chức, quản lý, điều hành của Nhà nước trong xây dựng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị-xã hội có phẩm chất chính trị tư tưởng, đạo đức, đoàn kết, dân chủ, kỷ luật tốt, có năng lực, phương pháp, tác phong công tác tốt, nhất là năng lực quán triệt và thực hành dân chủ.
Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội trong tổ chức, thực hành quyền làm chủ của nhân dân, làm cho mỗi tổ chức chính trị-xã hội, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đảm bảo cho mọi thành viên trong tổ chức đó vừa “Làm cho nhân dân biết hưởng quyền làm chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”(5), vừa thực sự có được địa vị và quyền lợi trong thực hành quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm làm chủ của công dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Làm cho mỗi tổ chức chính trị-xã hội thực sự là người đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, là cầu nối quan trọng giữa nhân dân với chính quyền trong xây dựng, phát huy và thực hành dân chủ.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi công dân trong quán triệt và thực hành dân chủ, làm cho mọi người dân Việt Nam, những chủ nhân của đất nước, của chế độ XHCN dù sống và làm việc ở trong nước hay ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc, dù hoạt động trên bất cứ lĩnh vực nào của đời sống xã hội, ở đâu và lúc nào cũng ý thức đầy đủ về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc thực hiện tốt dân chủ, trong xây dựng và phát huy nền dân chủ XHCN, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn mimh.
Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, những địa bàn chiến lược, những căn cứ cách mạng đang gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn; giải quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, làm cho mọi người dân cảm nhận được địa vị và quyền lợi về dân chủ một cách thực sự.
Bằng những hình thức và biện pháp thích hợp để vạch trần và đấu tranh có hiệu quả với những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc, phủ nhận bản chất chế độ dân chủ XHCN, chế độ dân chủ nhân dân; xuyên tạc, phủ nhận quan điểm Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về dân chủ; xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu về dân chủ mà nhân dân ta đã giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước.
PGS, TS NGUYỄN VĨNH THẮNG
------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, t.8, Nxb CTQG. Hà Nội, 1996, tr.279.
(2) Sđd, t.4, tr.56.
(3) Sđd, t.8, tr.276.
(4) Sđd, t.5, tr.698.
(5) Sđd, tập 12, tr.223.