Một góc huyện Sóc Sơn.
Theo dự kiến trước đó, phiên đấu giá 36 thửa đất này dự kiến diễn ra vào sáng 28/12. Các thửa đất đấu giá có diện tích 90-220,6m2/thửa; giá khởi điểm hơn 2,4 triệu đồng/m2.
Người tham gia đấu giá phải nộp khoản tiền đặt trước theo quy định là 20% giá khởi điểm, tương đương từ trên 44 triệu đồng đến hơn 109 triệu đồng, tùy theo thửa đất.
Trước đó, ngày 3/12, Cơ quan CSĐT - Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định tạm giữ đối với 5 đối tượng liên quan đến vụ trả giá 30 tỷ đồng/m2 tại phiên đấu giá diễn ra ở thôn Đông Lai, xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn) rồi "xin" rút.
Có 36/58 lô đất bị các đối tượng trên thông đồng, trả cao tới gần 100 triệu đồng/m2 rồi bỏ không đấu nữa. Trong đó cá biệt có thửa được trả với mức giá trên 30 tỷ đồng/m2, cao gấp 12.000 lần so với giá khởi điểm.
Đây không phải lần đầu Hà Nội hoãn việc thực hiện các phiên đấu giá đất. Trước đó, nhiều địa phương trên địa bàn TP. Hà Nội cũng hoãn kế hoạch tổ chức một số phiên đấu giá như Hoài Đức, Thanh Oai, Đan Phượng... sau yêu cầu chấn chỉnh công tác đấu giá đất của cơ quan quản lý.
Các phiên đấu giá tại các huyện vùng ven như Thanh Oai, Hoài Đức,... được tạm dừng khi giá trúng gấp nhiều lần khởi điểm, trong đó cao nhất hơn 100 triệu đồng/m2 (gấp 18 lần khởi điểm), gây xôn xao thị trường.
Đáng chú ý, trong số 68 lô đất trúng đấu giá ở huyện Thanh Oai, mới có 13 nhà đầu tư nộp tiền dù đã hết thời hạn thanh toán. Các lô này chỉ có giá trúng từ 51,6-55 triệu/m2. Còn 55 lô trúng từ 80 triệu đến hơn 100 triệu đồng/m2 đều bỏ cọc, không nộp tiền.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Đức Toản, CEO EZ Property cho rằng, thị trường đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung mới, đây là vấn đề xuyên suốt nhức nhối của thị trường Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung trong giai đoạn vừa qua. Khi cả nước với gần 10 triệu dân nhưng các dự án đưa vào kinh doanh đếm trên đầu ngón tay, việc thiếu sản phẩm khiến những người có nhu cầu ở, nhu cầu đầu tư đổ xô tham gia các cuộc đấu giá.
Bên cạnh đó, xảy ra tình trạng giá trúng đấu giá cao bất thường là do sự chậm trễ trong việc theo kịp thị trường của các địa phương khi dùng những quy định cũ, xây dựng giá đấu khởi điểm dựa trên bảng giá đất công bố thấp hơn giá thị trường cả chục lần, dẫn tới số tiền đặt cọc thấp, nhiều người tham gia sẵn sàng đấu đến cùng bất chấp giá là bao nhiêu do nếu đấu trúng thì việc bán chênh được một lô đất sẽ bù lại thậm chí có lãi đối với những lô bỏ cọc.
Ngoài ra, quy định lỏng lẻo cho phép người trúng đấu giá được chuyển nhượng hoặc ủy quyền ngay sau khi đấu giá làm kích thích lòng tham đối với những người tham gia, kỳ vọng kiếm được lợi nhuận từ việc bán chênh trong khi rủi ro thấp càng làm cho cuộc đấu giá trở lên méo mó khi giá đấu cao gấp nhiều lần giá thị trường xung quanh.
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng đánh giá, việc quản lý, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại một số khu vực, địa phương chưa tốt, có hiện tượng nhiều nhà đầu tư thành lập hội, nhóm tham gia đấu giá; trả giá đất cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, rồi có thể “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá đất nhằm mục đích thiết lập mặt bằng giá ảo tại khu vực để kiếm lời.
Vị này đề nghị cơ quan quản lý cần kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Tâm An