Kết quả hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, việc nắm bắt và giải quyết các vấn đề tâm lý, tư tưởng là nhân tố có vai trò rất quan trọng, giúp cho chiến sĩ mới nhanh chóng thích ứng với môi trường quân ngũ; ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc; tạo nên sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động, đoàn kết, gắn bó, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Thời gian qua, Trung đoàn 5, Sư đoàn 5 đã thực hiện tốt vấn đề này.
Các chiến sĩ mới Trung đoàn 5 an tâm tư tưởng hăng say huấn luyện trên thao trường
Như một lẽ tự nhiên, khi mới bước vào quân ngũ, hầu hết các chiến sỹ mới đều có những thay đổi về tâm lý, tư tưởng, đó là tình trạng nhớ nhà, nhớ người thân. Tiếp đến là trạng thái lo lắng từ hoạt động quân sự với áp lực cao trong huấn luyện, lao động, học tập. Những trạng thái tâm lý trên cộng với hoàn cảnh riêng của mỗi chiến sĩ mới nếu không được kịp thời phát hiện, quan tâm, động viên, rất dễ dẫn đến tình trạng dao động, không hoàn thành nhiệm vụ. Trao đổi với trung úy Nguyễn Duy Điệp - Trung đội trưởng trung đội 5, Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung Đoàn 5, Sư đoàn 5 đồng chí cho biết: Trước khi bước vào đơn vị, các chiến sĩ mới từ nhiều địa phương, có lối sống bên ngoài xã hội khác nhau. Vào quân đội gắn với tính kỷ luật, chấp hành các chế độ nền nếp chính quy trong đơn vị, các chiến sĩ mới sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn. Do đó, đối với cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cần nắm bắt và kịp thời giải quyết những vấn đề tâm lý, tư tưởng của chiến sĩ mới và có những tác động phù hợp, giúp chiến sĩ mới khắc phục được những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, ổn định tâm lý, tư tưởng. Tạo điều kiện giúp các chiến sĩ xác định tốt phương châm “coi đơn vị là nhà, cán bộ chiến sĩ là anh em” để thật sự yên tâm gắn bó, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
“Công tác tư tưởng phải được coi là nhiệm vụ đầu tiên, là công tác quan trọng then chốt”. Đó là chia sẻ của trung tá Phạm Tiến Cường – Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 5, Sư đoàn 5. Đối với những đồng chí cá biệt, đặc biệt như trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những trường hợp đã có vợ con, những trường hợp đang có công ăn việc làm, là lao động chính của gia đình… tất cả đều ảnh hưởng đến tư tưởng của các chiến sĩ rất nhiều khi họ bước vào con đường quân ngũ. Vì vậy, cán bộ các cấp cần nắm bắt tư tưởng của bộ đội. Nắm được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình. Từ đó phân loại những đồng chí cần quan tâm nhiều, quan tâm đặc biệt. Nhờ được sự quan tâm sâu sát, kịp thời của chỉ huy đơn vị, đến nay các chiến sĩ tại trung đoàn đều có sự phát triển toàn diện, quen dần với môi trường rèn luyện, thích ứng với sinh hoạt tập thể. 100% các chiến sĩ đã thực hiện tốt các nền nếp chế độ ngày, tuần và các chức trách nhiệm vụ của người chiến sĩ.
Trên thao trường huấn luyện của Trung đội 5, giọng của đồng chí chỉ huy luôn vang lên: “yếu lĩnh động tác”, “ghì súng cho chắc”, “động tác dứt khoát”… Người chỉ huy trung đội luôn bám nắm, thực hiện sửa sai, uốn nắn theo dõi hàng ngày từng động tác cho các chiến sĩ mới. Sự quan tâm sâu sát của người chỉ huy đơn vị ở mọi lúc, mọi nơi làm động lực thúc đẩy ý chí quyết tâm rèn luyện phấn đấu hoàn thành tốt khóa huấn luyện tân binh cũng như hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao trong thời gian tại ngũ của các chiến sĩ.
Khi tư tưởng đã “thông” các chiến sĩ tại Trung đoàn 5, Sư đoàn 5 đều ra sức huấn luyện, phấn đấu lập nhiều thành tích cao hướng tới kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đồng thời đơn vị đang đẩy mạnh các phong trào thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trung đoàn bộ binh 5 (31/5/1965 – 31/5/2015), đơn vị hai lần anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Bài, ảnh: LÊ HOAN