Cách mạng Tháng Tám diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: T. L
Một trong những chiêu trò mà các thế lực thù địch thường sử dụng để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá các nước không cùng quỹ đạo là phủ nhận ý nghĩa, giá trị của những thắng lợi, thành quả mà các quốc gia ấy đã giành được. Đối với cách mạng Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Những kẻ cố tình không nhìn ra giá trị của Cách mạng Tháng Tám lập luận rằng, vào đầu năm 1945, Việt Nam không còn là thuộc địa của Pháp. Kể từ sau cuộc đảo chính ngày 9-3-1945, Nhật đã hất cẳng Pháp. Và khi phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện thì ở Việt Nam xuất hiện “khoảng trống quyền lực”. Họ cho rằng, khi xuất hiện “khoảng trống quyền lực” thì không chỉ với Việt Nam mà ở mọi quốc gia trên thế giới, cách mạng cứ nổ ra là giành thắng lợi. Từ cách nhìn phiến diện và đơn giản ấy, họ cho rằng Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam thành công “là một sự ăn may”. Vậy sự thật ở đây là gì? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nhìn lại sự kiện Cách mạng Tháng Tám năm 1945 một cách thấu đáo.
Trước năm 1930, các phong trào yêu nước của Nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp liên tục nổ ra, nhưng kết quả cuối cùng đều không thành công và bị thực dân Pháp dìm trong biển máu. Các phong trào ấy thất bại bởi nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là bế tắc về đường lối đấu tranh. Xuất phát từ lòng yêu nước, thương nòi, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết ra đi tìm đường cứu nước. Sau bao năm bôn ba, Người đã đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin và truyền bá về Việt Nam. Có thể nói khởi nguồn, nền móng thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chính là Đảng ta, đứng đầu là lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá: "Công lao to lớn đầu tiên của Bác đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam là đã tìm ra con đường cứu nước, khai phá con đường giải phóng dân tộc và các dân tộc bị áp bức trên thế giới".
Vận dụng linh hoạt, sáng tạo quan điểm, tư tưởng của Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể Việt Nam, Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã khắc phục tình trạng khủng hoảng đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc. Trong nhiều bài nói, bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ mối quan hệ biện chứng giữa vấn đề dân tộc với vấn đề giai cấp và con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Điểm nổi lên trong tư tưởng của Người về giải phóng dân tộc là phải kết hợp chặt chẽ, giải quyết tốt mối quan hệ dân tộc và giai cấp. Đây là một trong những nhân tố rất quan trọng đảm bảo cho sự thành công của cách mạng Việt Nam. Nếu như với các nước tư bản phương Tây, Chủ nghĩa Mác-Lênin đặt đấu tranh giai cấp lên hàng đầu, thì ở Việt Nam, trước yêu cầu khách quan, bức thiết nhất của một xã hội thuộc địa, ngay từ Hội nghị thành lập Đảng (ngày 3-2-1930), Đảng ta xác định phải đặt cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc lên cao hơn. Điều này là hoàn toàn phù hợp, bởi lẽ đối tượng trực tiếp của cách mạng thuộc địa là chủ nghĩa thực dân, chứ chưa phải là chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản... Từ phân tích như vậy mà ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng xác định phương hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam là: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”.
Để làm nên Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã trải qua chặng đường đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh. Sẽ là lỗi lầm không thể tha thứ nếu nhìn lại giai đoạn lịch sử này mà chúng ta không đề cập đến 3 cuộc vận động cách mạng lớn. Trước hết phải kể đến là cuộc vận động giai đoạn 1930-1935 mà đỉnh điểm là Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930, sau đó Đảng ta bị thực dân Pháp khủng bố trắng và cách mạng lâm vào thoái trào (1932-1935). Kế đến là cuộc vận động 1936-1939 mà nổi bật là cao trào Mặt trận Dân chủ (năm 1938). Sự khủng bố gắt gao, ráo riết của thực dân Pháp trong khoảng thời gian này gây ra cho Đảng ta những tổn thất to lớn. Vượt lên những tổn thất ấy, Đảng ta đưa cuộc cách mạng bước tiếp sang chặng đường mới bằng cuộc vận động 1939-1945. Điểm nổi bật trong khoảng thời gian này là Đảng ta xây dựng và phát triển cả lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang quần chúng, từ đó phát triển thành lực lượng vũ trang cách mạng. Chính sự dấy lên của các cao trào tiền khởi nghĩa ấy là cơ sở để Đảng ta chủ động chuẩn bị lực lượng, nắm bắt thời cơ và phát động toàn dân tổng khởi nghĩa sau này. Mặt khác, thông qua 3 cuộc vận động ấy giúp Đảng ta từng bước xác định và hoàn thiện đường lối chiến lược, sách lược tiến hành cách mạng, đặc biệt là phương châm chiến lược: Kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, phát triển từ khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa.
Thực tế lịch sử chứng minh diễn biến tình hình cả trước và trong Cách mạng Tháng Tám đều được Đảng ta dự báo và chủ động có các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp. Vậy thử hỏi nếu không có tầm nhìn và tư duy chiến lược sắc bén, nếu không có sự chỉ đạo chiến lược tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Cách mạng Tháng Tám có nổ ra đúng thời cơ và giành thắng lợi? Thử hỏi nếu không có sự chủ động tập dượt, chuẩn bị về tổ chức và lực lượng thì khi thời cơ đến, Việt Nam có chớp thời cơ để tiến hành tổng khởi nghĩa được không? Chắc chắn là không! Vậy thì tại sao lại nói cuộc cách mạng này nổ ra và thành công “là một sự ăn may”! Thêm nữa, nếu không dự đoán thời cơ chính xác, không chớp thời cơ kịp thời thì Đảng ta có thể phát huy được sức mạnh tổng hợp để phát động tổng khởi nghĩa thành công hay không? Chắc chắn là không thể! Vậy căn cứ vào đâu để nói rằng thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “là một sự ăn may”!
Có người còn nói rằng, khi Nhật hất cẳng Pháp, việc Liên Xô và quân Đồng minh đánh bại phát xít Nhật tạo ra "khoảng trống quyền lực" ở Việt Nam. Thật là một sự xuyên tạc trắng trợn. Thực tế chứng minh rất rõ, khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, quân Nhật vẫn rất mạnh. Bằng chứng là khi quân và dân ta tiến hành tổng khởi nghĩa, quân Nhật vẫn chống cự quyết liệt, tiếng súng vẫn nổ và giao tranh vẫn diễn ra, máu vẫn đổ ở nhiều nơi. Mặt khác, quân Nhật còn toan tính xâm chiếm Việt Nam để làm bàn đạp tiến xuống Đông Nam Á... thì chẳng dễ gì họ buông súng bàn giao chính quyền cho nhân dân Việt Nam. Cần khẳng định rằng, chẳng hề có một "khoảng trống quyền lực" nào cả. Có chăng sự tấn công của Liên Xô và quân Đồng minh chỉ làm cho quân Nhật suy yếu, tạo điều kiện khách quan thuận lợi cho cách mạng Việt Nam mà thôi.
Có thể nói Cách mạng Tháng Tám thành công là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố. Ngoài bối cảnh thế giới có những chuyển biến mau lẹ, thuận lợi thì yếu tố chủ quan vẫn là cơ bản, quyết định. Đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh. Cách mạng Tháng Tám nổ ra và thành công là minh chứng hùng hồn khẳng định, Đảng ta nghiên cứu và vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin một cách linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể đất nước, tình thế cách mạng để đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, lựa chọn phương pháp cách mạng phù hợp. Từ những nguyên nhân làm nên sự thành công của Cách mạng Tháng Tám, chúng ta có thể khẳng định rõ rằng: Cách mạng Tháng Tám thành công hoàn toàn không phải là "một sự ăn may", mà là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh lâu dài và đầy gian khổ, hy sinh của Nhân dân Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam và toàn thể dân tộc Việt Nam xứng đáng được hưởng thành quả trọng đại đó. Thực chất của luận điệu cho rằng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam nổ ra và thành công là “một sự ăn may” không gì khác vẫn là nhằm phủ nhận những thành quả, ý nghĩa lịch sử, giá trị thời đại, sức sống mãnh liệt của cuộc cách mạng và xa hơn là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từ đó phủ nhận toàn bộ sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Nhân dân ta.
Thời gian càng lùi xa thì ý nghĩa lịch sử, giá trị thời đại, sức sống mãnh liệt của Cách mạng Tháng Tám càng lan tỏa. Trách nhiệm của những người Việt Nam yêu nước chân chính trước hết là hiểu đúng, nhận thức rõ về ý nghĩa lịch sử, giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Tám. Mặt khác, mỗi người, mỗi tập thể phải biết phát huy truyền thống, tinh thần, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời phải luôn tỉnh táo, đề cao cảnh giác, nhận rõ những âm mưu và hành động thâm hiểm của các thế lực thù địch, phản động để kiên quyết vạch trần, đấu tranh phản bác.