Tính đến quý 3 năm 2024, tổng diện tích đất công nghiệp tại miền Bắc đạt 16.700ha, tăng 16% so với năm 2023. Sự bổ sung các khu công nghiệp mới đã góp phần giảm tỷ lệ lấp đầy chung xuống còn 68%, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mới tiếp cận thị trường.
Giá thuê đất công nghiệp trung bình đạt 130 USD/m², tăng 5,7% so với mức 123 USD/m2 vào năm 2023. Đặc biệt, tại các tỉnh có nhu cầu cao như Bắc Ninh và Hưng Yên, giá thuê đã tăng vọt 10%.
Trong năm 2024, miền Bắc cũng đã chứng kiến sự ra mắt của nhiều khu công nghiệp mới, cung cấp gần 2.000 ha diện tích cho thuê, đáp ứng nhu cầu từ các ngành như điện tử, dệt may và sản xuất ô tô.
Đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), tỉnh Bắc Ninh dẫn đầu khi năm 2023, Cục thống kê tỉnh Bắc Ninh cho biết, địa phương này thu hút vốn FDI mới vào các khu công nghiệp đạt 1,104 tỷ USD, tăng 163,7% so với năm 2022. Tỉnh này không chỉ thu hút các doanh nghiệp sản xuất và logistics, mà còn cả các chủ đầu tư cho thuê trong và ngoài nước.
Ngoài ra, Vĩnh Phúc đang trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều hoạt động đầu tư, dự kiến sẽ có thêm nhiều dự án từ các nhà đầu tư nước ngoài khởi công trong năm 2024.
Trong làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp mới không thể không nhắc đến Bắc Giang khi chỉ trong thời gian ngắn, địa phương này đã được phê duyệt hàng loạt khu công nghiệp với tổng số vốn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 260 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Mỹ Thái, huyện Lạng Giang. Dự án có quy mô diện tích 159,97ha, tổng vốn đầu tư gần 1.800 tỷ đồng.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng vừa ký quyết định về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đồng Phúc với quy mô diện tích hơn 354ha, được thực hiện tại các xã Đồng Phúc, Tư Mại, thành phố Bắc Giang. Tổng vốn đầu tư của dự án trên 3.700 tỷ đồng.
Cuối tháng 1/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định đồng ý chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Song Mai - Nghĩa Trung và Khu công nghiệp Nghĩa Hưng có tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, sẽ triển khai tại huyện Lạng Giang và TP Bắc Giang.
Đầu năm 2025, UBND tỉnh Bắc Giang đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và triển khai kế hoạch thực hiện KCN Xuân Cẩm - Hương Lâm. Dự án có quy mô diện tích 102,85ha, được thực hiện tại các xã Xuân Cẩm, Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, với mục tiêu là đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN.
Tổng vốn đầu tư dự án gần 1.470 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 234,8 tỷ đồng.
Cùng với Bắc Giang, tỷ lệ sử dụng đất tại các tỉnh phía Nam Hà Nội như Hưng Yên và Hà Nam cũng đang cho thấy tín hiệu cực kỳ tích cực. Giá đất cạnh tranh mở ra cánh cửa mới cho các quỹ đầu tư, giúp họ tận dụng sớm những cơ hội sinh lời hấp dẫn.
Ông Thomas Rooney, Quản lý Cấp cao, Bộ phận Tư vấn Công nghiệp, Savills Hà Nội dự đoán, trong thời gian sắp tới, các thị trường sẽ ghi nhận mức phát triển nổi bật về Bất động sản công nghiệp sẽ là các tỉnh thuộc Nhóm 2 nằm tại phía Nam của Hà Nội như Nam Định hay Thái Bình. Những tỉnh này đã nổi tiếng trong lĩnh vực đầu tư về Dệt may nhưng những tháng gần đây đã chứng kiến các khoản đầu tư đối với công nghiệp có giá trị cao hơn.
Với lợi thế về giá đất cạnh tranh, nguồn lao động dồi dào và vị trí thuận lợi, các tỉnh này đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp có giá trị cao.
Những dấu ấn trên cho thấy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của thị trường bất động sản công nghiệp tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam thời gian gần đây, tạo nền tảng vững chắc cho sự bùng nổ trong những năm tới.
Nói về triển vọng trong năm 2025, một số chuyên gia cho rằng, dự kiến, trong ba năm tới, giá thuê đất công nghiệp sẽ tăng từ 4-8% mỗi năm ở phía Bắc. Các khu công nghiệp mới sẽ tập trung ở các thị trường như Hải Phòng và Vĩnh Phúc, đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất và thu hút đầu tư.
Giá thuê nhà kho và nhà xưởng xây sẵn được dự báo sẽ tăng nhẹ từ 0-4% mỗi năm trong ba năm tới do nguồn cung mới dự kiến vẫn ở ngưỡng cao tại cả hai khu vực công nghiệp trọng điểm.
Tuy nhiên, phân khúc này cũng được dự báo sẽ có một năm nhiều thách thức, trong bối cảnh địa chính trị tiếp tục có nhiều thay đổi.
Tâm An