Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 317 tại cụm tượng đài “Sống vĩ đại - Chết vinh quang” trong Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng.
Ngã Ba Giồng là nơi ghi dấu tội ác tày trời của thực dân Pháp, ngoài việc được sử sách ghi chép thì người dân nơi đây vẫn lưu truyền sự tàn bạo của kẻ thù. Được biết sau cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, thực dân Pháp ra sức bắt bớ, giam giữ cán bộ của ta và đồng bào có tư tưởng yêu nước.
Chị Dương Tuyền, cán bộ Ban quản lý Khu Ngã Ba Giồng chia sẻ, tại vùng đất Hóc Môn, chúng lập ra 3 trường bắn để tử hình các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước như đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu, Phạm Văn Sáng, Đỗ Văn Dậy, Đặng Công Bỉnh, Nguyễn Thị Thử…
Lịch sử ghi nhận, vùng đất Hóc Môn đã được Trung ương Đảng chọn làm căn cứ để hoạt động và lãnh đạo phong trào cách mạng của cả nước trong thời kỳ 1936 - 1939. Các đồng chí cán bộ của Đảng đã được Nhân dân nuôi giấu, che chở chu đáo. Nơi đây được Trung ương Đảng tổ chức 5 lần hội nghị quan trọng tại làng Tân Thới Nhứt, xã Bà Điểm, gia đình bà Nguyễn Thị Sóc, bà Nguyễn Thị Giả, ông Trần Văn Hy, ông Phan Văn Đối... là những cơ sở cách mạng trung kiên của Đảng.
Để tri ân tưởng niệm các đồng chí lãnh đạo Đảng và đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh trong Khởi nghĩa Nam Kỳ, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước của dân tộc ta cho các thế hệ, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện Dự án xây dựng Khu Ngã Ba Giồng. Đây là dự án mang ý nghĩa lớn về văn hóa, lịch sử với các giá trị vật thể và phi vật thể, không chỉ ở cấp thành phố mà còn ở tầm vùng Nam Bộ. Với các công trình trang trọng như: Đền tưởng niệm, Nhà trưng bày, Quảng trường với 3 tượng đài: Tượng đài trường bắn, Tượng đài Chiến sĩ vô danh, Tượng đài bất khuất.
Nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ
Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2002. Đây là “địa chỉ đỏ” để giáo dục về lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của ông cha, cho thế hệ trẻ thêm trân trọng, tự hào về truyền thống cách mạng của dân tộc.
Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng ngày nay trở thành điểm tham quan, nơi tổ chức lễ hội truyền thống trong những ngày lễ lớn hàng năm của huyện Hóc Môn và Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là lễ kỷ niệm ngày Nam kỳ Khởi nghĩa (23/11).
Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, rất đông người từ nhiều nơi trong cả nước về thăm khu tưởng niệm với tâm trạng đầy xúc động. Hòa cùng dòng người lặng lẽ xếp hàng dâng hương thành kính tri ân các anh hùng liệt sĩ, bác Nguyễn Xuân Mại, cựu chiến binh Quận 12, TP.HCM không kìm được cảm xúc, giọng nghẹn ngào xúc động kể về tội ác dã man của kẻ thù xâm lược.
Còn bạn Nguyễn Thị Ánh Thi, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn cho biết: Nơi đây thường xuyên tổ chức các hoạt động lễ dâng hoa, dâng hương, thuyết minh, kết nạp Đảng, Đoàn, Đội, Hội; sinh hoạt dã ngoại, về nguồn, cắm trại… góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước của dân tộc ta cho các thế hệ.
Em Đinh Thị Phương Ngân, học sinh lớp 12, Trường THPT Nhân Việt, TP.HCM tâm sự: Em vô cùng căm phẫn tội ác của kẻ thù; đồng thời luôn ghi nhớ công lao của các thế hệ ông cha đã đổ xuống, để đất nước có được hòa bình độc lập như ngày hôm nay.
Được biết, hiện nay mỗi năm Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng đón hàng chục ngàn lượt khách trong và ngoài nước về thăm. Đây là nơi để thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về một thời đấu tranh khốc liệt của Nhân dân ta; là bằng chứng xác thực ghi dấu tội ác dã man của quân xâm lược. Qua đó giáo dục truyền thống dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” cho thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.