Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ chứa đựng giá trị tinh thần sâu sắc, kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và cũng là bản sắc của văn hóa Việt Nam. Việc bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ không chỉ là việc làm cần thiết để duy trì, phát huy truyền thống mà còn là nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm sự phát triển bền vững của Quân đội và đất nước trong tương lai.
Trong quá trình nghiên cứu và thực hiện đề tài khoa học quốc gia “Liên kết phát triển du lịch Chiến khu Việt Bắc”, chúng tôi-thế hệ con cháu của những người vinh dự được theo chân Bác Hồ đi khắp núi rừng Việt Bắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp-nay lại có dịp được đi khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về lịch sử, đất và người vùng Chiến khu Việt Bắc.
Qua thực tế, chúng tôi nhận thấy tình cảm, sự gắn bó rất sâu nặng của người dân nơi đây với cách mạng, với Chính phủ kháng chiến, với Bác Hồ và Bộ đội Cụ Hồ. Điều đặc biệt là dù Bác đi xa đã 55 năm nhưng chúng tôi vẫn thấy danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ được đồng bào trìu mến, thân thương gọi các chiến sĩ Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Mô hình tôn vinh biểu tượng Quyết chiến Quyết thắng gắn liền với những chiến công hiển hách của Bộ đội Cụ Hồ (ảnh chụp tại Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024). Ảnh: TUẤN HUY
Với lòng kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tình cảm và sự trân trọng Bộ đội Cụ Hồ, chúng tôi đã đi tìm hiểu về danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ.
Bộ đội Cụ Hồ - danh xưng trìu mến, phẩm chất cao quý
“Bộ đội” là các chiến sĩ QĐND Việt Nam do Đảng và Bác Hồ thành lập, rèn luyện và lãnh đạo. "Cụ Hồ" là cách gọi thân mật và kính trọng của nhân dân dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
"Bộ đội Cụ Hồ" là danh xưng đồng bào gọi các chiến sĩ QĐND Việt Nam, xuất phát từ lòng kính yêu, tin tưởng của nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ tối cao của cách mạng Việt Nam và QĐND Việt Nam. Chính tác phong giản dị, gần gũi và tư tưởng, đạo đức cách mạng của Người mà hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ dần hình thành và trở nên quen thuộc trong lòng nhân dân. Bên cạnh đó, QĐND Việt Nam cũng luôn thể hiện tinh thần, phẩm chất cao quý của người lính Cụ Hồ: Kiên cường, bất khuất, hy sinh vì độc lập dân tộc, gắn bó mật thiết với nhân dân và luôn giữ vững đạo đức cách mạng. Kết hợp hai yếu tố trên, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ được nhân dân gọi một cách tự nhiên, thể hiện sự yêu quý, thân thương và gần gũi của nhân dân với các chiến sĩ QĐND Việt Nam.
Tuy không phải là danh hiệu chính thức do Nhà nước ban hành nhưng danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng và tự hào của QĐND Việt Nam. Bộ đội Cụ Hồ không chỉ là danh hiệu mà còn là niềm tự hào, biểu tượng cho đạo đức và phẩm chất của người lính trong suốt cuộc kháng chiến cũng như trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ gắn liền với Chiến khu Việt Bắc, nơi Bác Hồ và Chính phủ kháng chiến lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp. Tinh thần, ý chí, sức mạnh của Bộ đội Cụ Hồ đã được khẳng định qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, QĐND Việt Nam đã lập nên những chiến công hiển hách, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 và kết thúc bởi thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
Bộ đội Cụ Hồ là những chiến sĩ của QĐND Việt Nam-“Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, là đội quân luôn trung thành với lý tưởng cách mạng, đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Bộ đội Cụ Hồ luôn sẵn sàng chiến đấu và hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, nên một trong những đặc điểm nổi bật của Bộ đội Cụ Hồ là sự gắn bó chặt chẽ với nhân dân, luôn gần gũi, yêu thương và giúp đỡ nhân dân, tạo nên mối quan hệ quân dân bền chặt.
Bộ đội Cụ Hồ không chỉ là những chiến binh dũng cảm trên chiến trường mà còn là những con người có đạo đức, nhân cách cao quý. Họ luôn giữ vững phẩm chất đạo đức, sống giản dị, chân thành, giúp đỡ đồng bào, làm tròn nghĩa vụ của một người lính cách mạng. Bộ đội Cụ Hồ có kỷ luật nghiêm minh và tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn; biết sử dụng những nguồn lực sẵn có để chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.
Ý nghĩa sâu sắc của danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ
Ra đời và gắn liền với truyền thống đấu tranh anh hùng của dân tộc Việt Nam thế kỷ 20, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ thể hiện ở 3 khía cạnh cơ bản sau:
Thứ nhất, biểu tượng của lòng dũng cảm và ý chí quyết tâm: Bộ đội Cụ Hồ là biểu tượng của lòng dũng cảm và quyết tâm chiến đấu đến cùng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Họ là hiện thân của tư tưởng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", tinh thần bất khuất trước mọi kẻ thù xâm lược.
Thứ hai, gắn liền với những chiến công lịch sử: Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ được xây dựng và tôn vinh qua những chiến thắng lịch sử quan trọng, từ Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những chiến công này đã khắc sâu vào truyền thống anh hùng của dân tộc, ghi dấu trong lòng mỗi người dân Việt Nam.
Thứ ba, niềm tự hào và nguồn cảm hứng: Bộ đội Cụ Hồ không chỉ là niềm tự hào của riêng Quân đội mà còn là niềm tự hào chung của dân tộc. Danh hiệu này truyền cảm hứng cho các thế hệ tiếp nối, không chỉ trong lĩnh vực quân sự mà còn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thúc đẩy tinh thần vượt khó, sáng tạo và cống hiến. Sự dũng cảm, mưu lược và lòng trung thành của Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành biểu tượng không chỉ trong lòng người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ.
Bảo tồn và phát huy danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ
Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành biểu tượng của lòng kiên cường và quyết tâm giành độc lập dân tộc. Danh hiệu cao quý đó mang đậm tính nhân văn và phản ánh tinh thần dân tộc sâu sắc, gắn kết Quân đội với nhân dân. Danh hiệu đó luôn đi cùng với các chiến sĩ trong suốt quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của QĐND Việt Nam.
Với giá trị đặc sắc, độc đáo và ý nghĩa to lớn của danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, chúng tôi cho rằng, chúng ta cần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, ý nghĩa nhân văn của danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ và nên đề xuất để công nhận danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Được công nhận như vậy sẽ có tác dụng nhiều mặt:
Một là, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc và cách mạng: Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ không chỉ là một danh xưng mà còn là một biểu tượng của tinh thần cách mạng, sự hy sinh và lòng trung thành đối với Tổ quốc. Bảo tồn danh hiệu này giúp duy trì và tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa mà nó đại diện.
Hai là, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ: Danh hiệu này là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ, khuyến khích họ noi gương tinh thần trách nhiệm, lòng dũng cảm và sự cống hiến của các thế hệ đi trước. Việc bảo tồn, phát huy giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ giúp "truyền lửa" cho các thế hệ tiếp theo để họ tiếp tục phấn đấu và cống hiến cho đất nước.
Ba là, bảo đảm sự kế thừa và phát triển Quân đội: Danh hiệu này gắn liền với sự hình thành, xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển của QĐND Việt Nam. Bảo tồn danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là bảo tồn bản sắc, tinh thần và truyền thống tốt đẹp của Quân đội, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của Quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bốn là, xây dựng niềm tin và tự hào dân tộc: Việc phát huy giá trị danh hiệu này cũng góp phần xây dựng niềm tin và sự tự hào trong lòng nhân dân về sức mạnh, tinh thần đoàn kết và sự kiên cường của QĐND Việt Nam. Điều này không chỉ quan trọng trong thời kỳ chiến tranh mà còn trong thời bình, khi đất nước cần sự ổn định và phát triển bền vững.
Năm là, cổ vũ và gắn liền với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ đã, đang và sẽ tiếp tục là hình mẫu, biểu tượng sinh động thiết thực thúc đẩy mọi người noi theo những giá trị tốt đẹp của Bác Hồ và Bộ đội Cụ Hồ.
Tựu trung lại, có thể khẳng định rằng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ chứa đựng giá trị tinh thần sâu sắc, kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và cũng là bản sắc của văn hóa Việt Nam. Đó không chỉ là biểu tượng của lòng yêu nước mà còn là sự kết hợp độc đáo giữa Quân đội và nhân dân, giữa chiến đấu và xây dựng, giữa đạo đức và tinh thần cách mạng, là biểu tượng quan trọng trong lịch sử và văn hóa Việt Nam, gắn liền với tinh thần chiến đấu anh dũng và lòng yêu nước của QĐND Việt Nam. Bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ không chỉ là việc làm cần thiết để duy trì, phát huy truyền thống mà còn là nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm sự phát triển bền vững của Quân đội và đất nước trong tương lai.
Tiến sĩ khoa học NGUYỄN QUỐC HƯNG, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Nguồn: qdnd.vn